“Nữ anh hùng” cũng là danh xưng các đồng nghiệp của bà dành tặng nghệ sĩ đầu tiên ở miền Bắc thành lập sân khấu xã hội hóa và phát triển sân khấu ấy ngày một “khỏe mạnh” cho đến giờ.
Cả làng nghỉ, Lệ Ngọc vẫn làm
Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gần như tất cả hoạt động sân khấu phải tạm hoãn, sân khấu Lệ Ngọc vẫn tiếp tục khởi công hai vở mới, trong đó có một vở nổi tiếng “khó xơi”: “Vang bóng một thời” dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Tuân. Khác với Nam Cao hay Tô Hoài, văn Nguyễn Tuân không có nhiều kịch tính, ít nhân vật, thoại cũng kiệm và nếu có thì cũng là thứ văn phong trau chuốt, hoa mỹ, là sở dùng của các tay chơi, rất ít phổ biến trong đời thực. Nhưng trót theo đuổi vẻ đẹp vang bóng này, NSND Lệ Ngọc từng nhờ 4 biên kịch chuyển thể. Và đến khi có kịch bản ưng ý, bà quyết dựng dù là thời điểm cả làng kịch đang ngủ đông.
Một điều khiến người ta sốc nữa, Lệ Ngọc tuyên bố, bà “dựng Nguyễn Tuân” là để hướng tới những khán giả trẻ, kéo những người trước nay thờ ơ với văn hóa truyền thống đến rạp. Tham vọng có phần ngông ngạo này, năm năm trước từng có nhiều người bảo bà “hão huyền”, “để rồi xem”! Nhưng sau đó, 200 suất diễn “Chí Phèo Thị Nở”, hơn một tháng trời cháy vé “Tấm Cám” tại chính Nhà hát Lớn TP. Hồ Chí Minh (đến mức chính người quản lý Nhà hát thấy đoàn ký hợp đồng dài hạn còn phải hỏi đi hỏi lại: thật à chị?). Đây là câu trả lời chỉn chu nhất của cái sân khấu xã hội hóa mà trước đó mới chỉ là một gánh kịch bé tí chưa mấy người biết tên.
Một cú “tất tay” gần đây nữa của Lệ Ngọc chính là vở diễn “Cuộc chiến Covid” ra mắt hồi đầu năm, dựng trong vòng 12 ngày (con số gần như không tưởng). Đây được coi là vở diễn sân khấu đầu tiên về đề tài thời sự này.
Để truyền tải chân thực và trọn vẹn câu chuyện chống dịch tới khán giả, NSND Lệ Ngọc đích thân dẫn quân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trực tiếp tới phòng ICU để cảm nhận những khó khăn và khốc liệt trong cuộc chiến sinh tử. Sự dấn thân này của ê kíp đã thuyết phục được Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc bệnh viện và được ông hỗ trợ rất nhiều kiến thức chuyên môn để mang được cái thật lên sân khấu.
Câu chuyện nóng hổi ấy được trình diễn ở Nhà hát Lớn ngay sau đó, không gian biểu diễn được làm đầy bằng một triển lãm nhỏ về các chiến sĩ áo trắng khiến rất nhiều người bất ngờ.
“Rất sáng tạo”, “vừa tự hào vừa xúc động”, “choáng ngợp và mãn nhãn”... là những cảm xúc mà khán giả dành tặng cho tác phẩm cũng như không gian trưng bày kéo dài xuyên suốt các suất diễn “Cuộc chiến Covid”.
Sân khấu là dopping của tôi, lẽ sống đời tôi!
Lệ Ngọc là con nhà nòi sân khấu, 16 tuổi đã bắt đầu đi theo con đường chuyên nghiệp. Bố bà, nhà văn, nhà viết kịch Việt Hoài muốn con học hành bài bản nên Lệ Ngọc gần như không nhận được sự ưu tiên nào, bà bắt đầu từ những vai nhỏ, thậm chí chỉ chạy qua sân khấu.
Cũng nhờ việc học hành nghiêm túc này, Lệ Ngọc có thể sắm rất nhiều vai, từ già trẻ lớn bé, tập luyện không chỉ ở dáng điệu mà còn cả giọng nói: Hơi được lấy từ dưới bụng thoát lên, chứ không chỉ lấy hơi từ cổ vì không truyền cảm. Chỉ khi lấy hơi từ bụng, tiếng vang mới xa, sâu lắng, thậm chí người nghệ sĩ có thể cắt cúp trong tiếng nấc để thể hiện những vai bi kịch.
“Giả sử, tôi đóng một em bé đánh giày, tôi phải mại sang tiếng trẻ con, phải tập luyện đúng để ra đứa trẻ đó. Đến địa phương nào, ngồi trên ô tô tôi cũng để ý hình tượng của từng người, để xem người ăn mày thế nào, công an thế nào. Nếu tôi đóng vai công an, tôi phải luyện giọng đanh thép, đôi khi phải hơi khô cứng một chút. Vai thiếu nữ như trong “Huyền thoại gò rồng ấp” phải được nâng giọng lên ba tông! Nói cách khác, tiếng nói cũng cần phải hóa trang”.
Bản thân Lệ Ngọc có thể nói được tiếng Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tây… và một mình “cân” cả vở diễn với 5-7 vai. Trong vở “Ngũ biến”, NSND Lệ Ngọc (lúc này đã gần 60 tuổi) cùng lúc biến hóa thành ông Hoàng Mười, quan Đệ ngũ Tuần Tranh, Đệ Nhị Mẫu, cô Bé và cô Bơ với khả năng hát, múa điêu luyện đến mức thầy dạy hầu đồng cho bà cũng kinh ngạc. Chính nhờ vở diễn này, đạo diễn người Singapore Chua Soo Poong đã có cảm hứng làm ra “Người đẹp khách sạn” - vở diễn tham dự Liên hoan quốc tế kịch độc diễn tại Bangladesh mà NSND Lệ Ngọc một mình đảm nhận tới 7 vai: ông đại tá, nhà thơ, thương nhân, người hầu, bà chủ khách sạn, đệ tử, người lính. Sau này, cả hai vở diễn đều mang lại những giải thưởng quốc tế danh giá cho nữ nghệ sĩ. Gần đây nhất, năm 2019, tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN lần thứ 7, sân khấu kịch Lệ Ngọc giành hai giải thưởng "Hoa dâm bụt" - Giải thưởng xuất sắc nhất của Liên hoan, tương đương giải Vàng cho hai tác phẩm "Huyền thoại gò rồng ấp" và "Tấm Cám".
Lệ Ngọc nói rằng, thường xuyên trong đầu bà chỉ có hai vấn đề lớn: một là làm thế nào để sân khấu thu hút khán giả, hai là quảng bá sân khấu, quảng bá văn hóa Việt đi càng xa càng tốt. Chấp niệm này thường trực đến mức, sang Bangladesh hội diễn, khi vào một ngôi ở đó sư trụ trì nuôi 400 đứa bé mồ côi, sau khi làm từ thiện, bà bằng mọi cách thuyết phục trụ trì đi xem diễn, bởi “văn hóa Việt Nam nên được giới thiệu đến những người hay như thế”.
Nhân duyên này sau đó được đổi lại bằng thư mời biểu diễn ở tòa nhà Quốc hội Bhutan do chính Vua Bhutan gửi cho sân khấu Lệ Ngọc. Mãi sau, NSND Lệ Ngọc mới biết, vị sư trụ trì kia hóa ra là bạn của đức Vua, họ thân nhau từ thời còn học ở Anh, vua Bhutan biết đến sân khấu Lệ Ngọc là do vị sư đề cử.
Sức khỏe không ổn, từng chạm đáy tuyệt vọng, nhưng NSND Lệ Ngọc nói rằng, chính sân khấu đã vực bà dậy. Mấy chục năm gắn bó với các vai diễn, người nghệ sĩ đã quá tuổi hưu vẫn luôn cảm thấy hồi hộp, thổn thức mỗi lần ra sân khấu, như là mới yêu!
Bí kíp hút khán giả
Bắt đầu hoạt động từ năm 2013 với tên gọi “Nhóm kịch xã hội hóa” của nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam, đến tháng 9/2016, Câu lạc bộ Sân khấu Lệ Ngọc chính thức được thành lập, là mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội. Các tác phẩm của Sân khấu Lệ Ngọc đã được mời tham gia nhiều liên hoan sân khấu quốc tế ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Monaco, Bangladesh, Pháp, Ý và Bhutan...
Bí quyết để sân khấu luôn sáng đèn, theo NSND Lệ Ngọc là bà không đứng yên đợi khán giả. “Suốt 5 năm qua chúng tôi luôn chủ động tìm kiếm và kết nối những người đam mê nghệ thuật; đặc biệt là giới trẻ: đưa kịch đến với trường học - giáo dục trẻ thông qua những câu chuyện diễn ra trên sân khấu; đưa tình yêu văn hóa Việt đến với vùng sâu – vùng xa, với người nước ngoài và Việt Nam xa xứ”.
Các món tinh thần của kịch Lệ Ngọc cũng thường xuyên được làm mới, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Đơn cử, ngay khi ra vở “Dế Mèn”, để thu hút trẻ em, đoàn phát hành combo quà tặng kèm gồm bộ thẻ bài “Bí kíp luyện côn trùng”, sticker tạo hình từ bộ bài, huy hiệu dũng cảm, xếp hình nhanh trí... Đối với học sinh trung học, câu chuyện kéo họ đến rạp lại xoay quanh “các cách thay quần áo trong tích tắc trên sân khấu của người xưa” và các video clip, buồng chụp ảnh ấn tượng đáp ứng nhu cầu sống ảo của giới trẻ.
“Người trẻ bây giờ có quá nhiều thứ thu hút, kéo họ đi chậm lại, quan tâm đến những giá trị đã cách xa họ cả thế kỷ là điều không dễ dàng”. Cho nên, sau mỗi buổi biểu diễn, sân khấu Lệ Ngọc luôn có những phiếu nhận xét (được thiết kế công phu hệt như một tấm giấy mời) để phát cho khán giả. “Nhà tôi có cả một phòng chỉ để cất nhận xét của khán giả, đêm nào diễn xong về tôi cũng cố gắng nghiền bằng hết. Nhờ những góp ý ấy, tôi hiểu khán giả của mình hơn, cũng có khi, chúng tôi được các gợi ý hay để hoàn thiện tác phẩm”, NSND Lệ Ngọc chia sẻ.
"Tôi nỗ lực làm tất cả mọi thứ, chỉ để khi nhìn lên sân khấu, khán giả nhìn thấy chính cuộc đời chứ không thấy bất kỳ điều gì giả dối khác. Chỉ có như thế, chúng tôi mới có cơ hội chạm vào sâu thẳm trái tim họ".
NSND Lệ Ngọc
Chỗ dựa của người chơi sang
Vợ chồng Lệ Ngọc - Văn Hải trong kịch “Chí Phèo Thị Nở” |
Trong giới sân khấu, NSND Lệ Ngọc có tiếng là người chơi sang. Phục trang làm vở của bà không hề lặp lại. Quần áo vở nào bà để riêng vở đó, đạo cụ cũng được giữ lại, đến nay đã đầy cả kho dài khoảng 200m. Gần đây, sân khấu Lệ Ngọc còn nhờ riêng NTK Sỹ Hoàng làm đồ diễn. Sự chơi tất tay này khiến một diễn viên hàng đầu của sân khấu kịch phía Nam phải thốt lên thán phục, bởi với kịch Sài Gòn, năm sáu vở diễn dùng chung một bộ phục trang là thường.
Người trong giới nói với nhau rằng, Lệ Ngọc có thể chơi lớn như vậy là vì bà có chỗ dựa rất vững. Hỏi Lệ Ngọc, bà bảo đúng, chỗ dựa ấy gắn với bà từ năm 16 tuổi đến giờ, cũng là người trong giới: nghệ sĩ kịch Văn Hải.
Hai người gắn bó với nhau vì tình yêu sân khấu. Nhưng ở thời điểm sân khấu Việt thăng trầm, cuộc sống khó khăn, nghệ sĩ Văn Hải phải "dứt áo" về kinh doanh, lo kinh tế cho gia đình và "nuôi" giấc mơ nghề nghiệp của vợ. Vài năm nay, nghệ sĩ Văn Hải quay trở lại thánh đường nghệ thuật, vợ chồng họ một lần nữa “song kiếm hợp bích” mang về cả bộ sưu tập huy chương cho sân khấu Lệ Ngọc - đứa con tinh thần được yêu đến không nỡ tính toán của cả hai người.