NSND Lan Hương: Vợ lành, đạo diễn dữ

NSND Lan Hương: Vợ lành, đạo diễn dữ
TP - “Em bé Hà Nội” ngày nào giờ đã ít đóng kịch, đóng phim. Chị bảo: Ở tuổi này, cứ đứng mãi trên sân khấu có khi là vô duyên, nhạt nhẽo. Không để người hâm mộ phải tiếc thương “người đẹp” qua thời, suốt 10 năm qua, Lan Hương đã đi tiên phong trên con đường mới: kịch hình thể, với vai trò người chèo thuyền.

>NSND Lan Hương: Đôi lúc chạnh lòng vì không có con với Tất Bình

Mới rồi, chị khiến dư luận chú ý đến mình, khi đưa “Nguyễn Du với Kiều” lên sân khấu kịch thử nghiệm. Khen có, chê có, ngỡ ngàng có, khi chị viết cho truyện Kiều kết thúc mới: Kiều hoá phật bà nghìn mắt nghìn tay, không đoàn tụ gia đình, vui cảnh bạn bè với người xưa Kim Trọng như ý đại thi hào. Có lẽ Lan Hương ở tuổi 50 vẫn nhìn đời trong veo như “Em bé Hà Nội” ngày nào, nên mới đưa nàng Kiều ba chìm bảy nổi lên hàng thần thánh. Nhưng dám khoác cho Kiều chiếc áo mới, dù chiếc áo đẹp hay không, cũng là một sự táo bạo.

Ai bảo người Việt không thích hình thể?

“Đặc sản” của Truyện Kiều là ngôn ngữ. Còn “ngôn ngữ kịch hình thể là cơ thể diễn viên”, như chị từng nói. Xem ra, cuộc chơi với Kiều của chị đầy liều lĩnh?

Tôi không phủ nhận có khó khăn. Nhưng tôi thích Truyện Kiều từ ngày xưa. Nhiều người bảo kiệt tác này khó khai thác, khó đưa lên sân khấu. Tôi lại nghĩ, nếu đưa lên sân khấu kịch nói thì khó nhưng đưa lên sân khấu hình thể lại có đất hơn. Vì kịch hình thể ngoài việc đưa vẻ đẹp của các nhân vật, như cô Kiều chẳng hạn, lên sân khấu, thì vẫn đưa được những lời thơ hay nhất vào. Kịch hình thể thể nghiệm không phải không cho phép lời nói, vẫn có những lời nói khi cần thiết.

Chị trăn trở vở này đã lâu chưa?

Cũng lâu rồi. Nhưng đến tháng 9, tháng 10 năm ngoái chúng tôi mới bắt đầu lên sàn tập.

Đã đủ danh và tuổi không còn trẻ, tại sao chị lại lao vào thứ khó khăn như kịch hình thể vốn còn khá mới ở nước ta?

Tôi lao vào được 10 năm rồi, nên bây giờ không còn gọi là mới nữa.

Nhưng với công chúng vẫn là mới?

Vì sự quảng bá của nhà hát (Nhà hát Tuổi Trẻ-PV) chưa tốt lắm. Kịch hình thể sinh đúng thời điểm sân khấu đang chững lại, khán giả bây giờ thích xem ca nhạc, thích xem hài kịch cho nhẹ đầu… Cho nên sự quảng bá rất khó khăn.

Hay bây giờ cứ chạy theo hài kịch hình thể sẽ dễ hơn?

Hài kịch hình thể chúng tôi cũng có nhưng đó chỉ là điểm xuyết, không thể dùng làm chính được. Ở nhà hát của tôi cũng thế. Phải có những vở chính thống, mang tính nghệ thuật. Khán giả cũng phải xem nhân tình thế thái ra sao, chẳng lẽ suốt ngày chỉ xem để cười một tí rồi đi về.

Truyện Kiều gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Chị có nghĩ nhân đà này sẽ tiến công đưa kịch hình thể tiếp cận rộng khắp?

Tôi rất mong như thế, khi làm Kiều tôi đã nói, tôi muốn tôn vinh ông Nguyễn Du, muốn mọi người quay lại đọc Kiều.

Tôn vinh đại thi hào dân tộc hẳn sẽ giúp chị dễ dàng xin tài trợ cho “Truyện Kiều với Nguyễn Du”?

Phim điện ảnh xin tài trợ dễ, kịch hình thể của chúng tôi xin rất khó vì nhà tài trợ nào cũng muốn quảng bá thương hiệu. Khi chuẩn bị làm “Truyện Kiều với Nguyễn Du” chúng tôi từng gõ cửa một nơi đang làm công trình tôn vinh cụ Nguyễn Du xin tài trợ, tưởng thế nào người ta cũng mở hầu bao nhưng họ ngần ngại lắm. Cho nên các vở này thường xin tài trợ chính thống thôi, như của Hội nghệ sỹ sân khấu, Cục nghệ thuật biểu diễn… chẳng hạn.

Điều đó có làm chị chạnh lòng?

Cũng buồn. Nhưng tôi nghĩ tình trạng này sẽ không lâu, một khi con người ta đi đúng đường, có tâm thì tôi tin thế nào cũng đạt được thành công.

Vì sao chị hay đưa các “món dân tộc” như hầu bóng, cải lương, tuồng… vào sân khấu đương đại?

Ngày bé tôi hay theo bà xem tuồng, chèo. Lớn lên lấy chồng lại hay theo mẹ chồng xem cải lương, chèo. Tôi thích nhạc trẻ kiểu của Thanh Lam, Tùng Dương, Mỹ Linh, một chút Mỹ Tâm nhưng cũng thích cả nhạc “âm lịch” nữa.

Hình dung chị thế nào ở vai trò đạo diễn?

Với diễn viên tôi nóng tính, tôi khắc nghiệt. Bởi nếu không khắc nghiệt thì không thành công. Tôi là đạo diễn khó tính, hét ra lửa. Trong gia đình tôi không gắt gỏng, không nói to nhưng cứ làm vở là quát loạn xạ.

NSND Lan Hương
NSND Lan Hương.

Một đạo diễn nổi tiếng nói rằng, người Việt không thích hình thể, sự không mặn mà với kịch câm và múa ballet đã nói lên điều ấy. Chị có đồng quan điểm?

Tôi không quan niệm như thế. Chẳng qua mình chưa làm cho họ thích, khán giả chưa quen. Kịch câm hơi mô phỏng cuộc sống, hơi đơn điệu thì đã được sử dụng ngôn ngữ khác thêm vào, như đoàn kịch hình thể của tôi cũng sử dụng kịch câm rất nhiều. Kịch câm trở thành phương tiện, nó được chuyển hoá và nâng cao lên, chứ không chết. Múa ballet cũng thế, diễn viên nước ngoài sang ta biểu diễn khán giả vỗ tay rầm rầm, người Việt thích hình thể sao lại nói không thích. Điểm yếu của chúng ta là vấn đề kỹ thuật, chúng ta chưa chuyên sâu.

Chị từng nói, với kịch hình thể đòi hỏi khán giả phải thông minh. Vậy công chúng chưa tiếp nhận loại hình sân khấu này, phải chăng công chúng kém thông minh?

Không. Tại chúng tôi quảng bá kém.

Giữa một xã hội ồn ào, với một loại hình sân khấu đòi hỏi sâu lắng, việc chinh phục khán giả cũng khó ngang “bắc thang lên giời”?

Khó khăn nhưng cần thiết phải làm. Tôi không buông xuôi, cứ chạy theo hài kịch, vài năm nữa đất nước này thành đất nước hài kịch, sân khấu Việt Nam gọi là sân khấu hài kịch?

Đến khi kịch hình thể được công chúng biết đến rộng khắp có khi chị đã về hưu?

Ai cũng có thời. Qua thời rồi thì thôi chứ.

Đóng phim truyền hình? Giờ tôi không đua nổi

Lâu lắm không thấy Lan Hương xuất hiện ở phim truyền hình?

Lên hình bây giờ không đẹp nữa. (cười). Trông thế nào ấy? Tôi thấy sợ. Thôi, chờ khi nào già hẳn tôi sẽ đóng những vai già già, chứ bây giờ đang ở thời nửa chừng xuân.

Chị không lên phim nhiều khán giả sẽ nhớ?

Tôi cũng đã tham gia phim Trần Thủ Độ. Nhưng mãi chả thấy phát, làm xong mấy năm rồi. Cứ chờ mãi. Có lúc nghe bảo giữa năm 2011 phim sẽ phát nhưng chẳng thấy gì, đến cuối năm 2011 cũng vẫn im hơi. Giờ lại nghe đồn đầu tháng 4 năm nay sẽ phát. Chẳng hiểu thế nào. Tôi hỏi ông xã (đạo diễn Tất Bình), ông xã bảo: Có giời mà biết.

Bây giờ bạn trẻ đóng vài phim truyền hình nổi rất nhanh. Chị có tiếc mình qua thời xuân sắc?

Bây giờ tôi làm phim truyền hình thì khó theo kịp các em. Lối làm việc của chúng tôi ngày xưa là phải ngẫm nghĩ, diễn phải thật chín, chứ không nhanh được. Nhiều em diễn viên bây giờ có khi đang cười đùa với nhau, đến khi vào việc, bảo đến đoạn này phải buồn nhé, thế là các em buồn ngay. Chúng tôi không làm nhanh thế được. Chúng tôi phải có thời gian suy nghĩ. Bây giờ cứ ngày rưỡi, hai ngày quay một tập. Nếu bây giờ có đóng, chắc tôi chỉ đóng vai gì đơn giản thôi, mới làm kịp. Chứ những vai sâu thăm thẳm thì làm sao làm thế được. Già rồi, tôi chẳng theo kịp nên không dám nhận, không dám làm. Tốc độ quay nhanh như thế tôi thấy tôi không theo kịp về mặt tình cảm chứ không phải nói về sức khoẻ.

Chị cũng lười diễn trên sân khấu?

Giờ tôi ít lên sàn diễn. Cứ trụ mãi trên sân khấu mình thành vô duyên. Mỗi người đều có cơ hội, phải nhường lại cho lớp trẻ. Mình đã đủ rồi, thì mình nên cống hiến bằng phương thức khác.

Tôi cũng thường tình, như bao phụ nữ

Chị luôn nói về gia đình với những lời tốt đẹp. Đó là những lời từ trái tim?

Tôi nghĩ thế này, trong cuộc sống gia đình, nên chín bỏ làm mười. Cứ nghĩ điều tốt đẹp thì cuộc sống sẽ tốt đẹp.

Người đàn bà đẹp và tài năng chắc sẽ vụng nữ công?

Tôi vẫn làm hết mọi việc. Vẫn làm mười mâm cỗ trong gia đình, một năm có mấy lần giỗ. Rồi cũng giặt giũ, cơm nước, chợ búa. Bây giờ lớn tuổi rồi thì cũng phải có thêm người giúp việc. Tôi cũng như mọi phụ nữ bình thường thôi. Nhiều khi mình vẩy nước sang nhà hàng xóm, người ta khó chịu với mình, mình cũng khó chịu với người ta, trách họ sao khó tính thế? (Cười)

Nhiều người đánh giá trong “Truyện Kiều với Nguyễn Du” chị vào vai Hoạn Thư rất đạt?

Hôm đó là tôi chữa cháy thôi. Vai đó của Nguyệt Hằng. Tôi định làm vai Tú Bà cơ. Hôm đó Nguyệt Hằng bận diễn nên tôi phải chữa cháy.

Trong cuộc sống chị có phải người đàn bà mang dòng máu Hoạn Thư?

Ai chẳng ghen. Nhưng cái ghen của tôi không quá như Hoạn Thư, tôi không phải người ồn ào, tôi lặng lẽ, nên chồng tôi cũng hơi ngại ngại.

Quanh chồng chị luôn có nhiều diễn viên trẻ, đẹp. Chị lo không?

Không, vì lo cũng không được gì. Tôi học như bà nội tôi, sống bình dị và yêu thương, chỉ thế thôi. Không lục túi, không xem tin nhắn, tôi không làm được điều ấy.

Đẹp không phải là tất cả

Chị được khen là Người đẹp không tuổi. Bản thân chị có thấy mình đẹp không?

Tôi thấy bình thường. Vì tôi thấy nhiều cô bây giờ đẹp lắm, tôi cứ phải ngắm. Con trai đẹp, tôi nhìn cũng thích, con gái đẹp, tôi cũng thích. Tôi thích đưa về đoàn tôi, cả trai, cả gái, đều phải đẹp. Tất nhiên nếu hình thức không đẹp mà có tài tôi vẫn thích. Nhưng là nghệ sỹ, dù là nam hay nữ thì hình thức là tiêu chuẩn trước tiên. Con gái tôi cũng giống tôi. Hồi nó chưa chồng, tôi hay thắc mắc: “Con ơi con sao lúc nào con cũng chỉ thích đẹp giai?”. Nó nói giống như tôi hồi trẻ: Đầu tiên cứ phải đẹp trai, sau mới xét đến tính cách. Nhưng diễn viên đoàn tôi so với các đoàn cũng không phải đẹp lắm đâu. Tôi nói với các em phong thái của nghệ sỹ đẹp làm nhân vật đẹp chứ cái mặt không thể nói lên tất cả.

Chị lấy Tất Bình, cũng vì đẹp trai?

Bình thư sinh trắng trẻo, vóc dáng mảnh mai, quan trọng là ông ấy rất nhanh, thông minh.

Chị lên chức bà lâu chưa?

Tôi lên chức từ năm 35 tuổi. Giờ tôi đã là bà của 6 đứa cháu. Con gái tôi ở nước ngoài sinh cho tôi hai cháu, hai đứa con riêng của chồng tặng tôi thêm bốn nhóc nữa. Chúng đều đáng yêu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG