Người ta đang kêu kịch Sài Gòn suy thoái trong khi mình chị vẫn giữ vững hai sân khấu?
Vì tôi gây dựng đã lâu rồi, còn trụ lại nhờ quá trình dài. Còn ngay thời điểm này, mở sân khấu là chết.
Năm rồi, cả hai sân khấu kịch của chị đều sáng đèn với đề tài đồng tính. Yếu tố này vẫn còn ăn khách?
Nói chung trong Nam, đề tài nào cũng ăn khách, miễn vở đó hay.
Vậy năm qua, chị hài lòng với vở diễn nào của sân khấu mình?
Bộ Xóm trọ 3D đó. Coi như duy nhất bên tôi có kịch nhiều tập. Hai phần sau là Bí ẩn cà phê 3D, 3D cung tâm kế. Trước đó, Người vợ ma cũng 3 phần.
Chị từng đem đoàn lưu diễn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc năm 2011. Bao giờ tới lần tiếp theo?
Lần đó là Hội Sân khấu Việt Nam đỡ đầu. Mình phải kết hợp với ai ngoài đó. Khâu tổ chức quan trọng lắm. Tôi thì đâu có thời gian ra ém ở đó bao nhiêu ngày để kiểm soát vấn đề quảng bá hoặc bán vé. Mà nói chung ngoài đó, bầu sô cũng bị dè dặt, vẫn chăm chăm vào ca nhạc hoặc tiểu phẩm hài, không muốn làm vở dài. Nhìn vào tình cảnh của các nhà hát, họ sợ... Thành ra chưa có ai cộng hưởng với mình.
Giới làm kịch Sài Gòn được tổ đãi hay sao, dù suy thoái vẫn sống động chán vạn so với Hà Nội?
“Bao nhiêu lần tôi có ý định buông nhà hát. Bắt đầu, mình ngồi rà từng chút. Đầu tiên là công nhân hậu đài, sau là đến các bạn diễn viên trẻ… Nhiều khi có bạn làm quần chúng mười mấy năm vẫn chung thủy với mình. Mình đắn đo suy nghĩ rồi lại thôi. Mình thấy việc làm đó ngay thời điểm đó chỉ tốt cho mình thôi, nhưng nó xấu cho cả biết bao nhiêu người”.
NSND Hồng Vân
Không phải. Do tính cách vùng miền thôi. Người Sài Gòn hướng ngoại, vui ra đường, buồn cũng ra đường. Giải trí trong Nam là nhu cầu có thật, không thể thiếu của người dân. Những ngày sum họp, cả nhà kéo nhau đi ăn đi chơi, đi coi này kia nọ. Còn người Bắc hướng nội. Ngày vui gia đình tề tựu ngồi nói chuyện. Buồn cũng ở nhà để gặm nhấm nỗi buồn thôi. Chưa tính vấn đề khí hậu. Ví dụ, miền Bắc mình nắng kiểu nắng nồm, thì cũng khó chịu khi phải đi ra đường, lạnh thì lạnh quá. Thành ra ngoài Bắc không có tụ điểm. Thời tiết thế phải đi vào nhà hát. Vào nhà hát thì chương trình phải hoành tráng, giá vé cao, chỉ phục vụ được một tầng lớp khán giả. Còn tầng lớp bình dân, lao động hoặc công nhân viên chức, học sinh, sinh viên không thể có điều kiện đi coi giá vé như thế. Trong khi kịch nói đáp ứng nhu cầu của những thành phần đó. Thành ra, họ dần mất thói quen đến rạp.
Năm tới, chị định tung chiêu gì để khán giả đón chờ?
Tôi xưa giờ chả chiêu thức gì, vẫn cứ thế mà làm. Trong đây, mọi thứ tụi tôi đều phải tự lực cánh sinh, không ai giúp hết. Nên những lứa bầu sô sân khấu xã hội hóa tụi tôi cố gắng đến lúc nào hay đến đó, vì cũng lớn tuổi hết rồi.
Mấy ai vừa làm bầu sô vừa diễn được như chị?
Có người mời thì mình vẫn diễn thôi, đâu nghỉ được. Là cái nghiệp rồi. Có nhiều thời điểm mình còn phải đi diễn ngoài lấy tiền bù nhà hát. Trời ơi, khốc liệt lắm, mấy cái gameshow nổ ra giết chết biết bao sân khấu live. Cho nên, tụi tôi cảm thấy thực sự kiệt sức, không gồng gánh nổi, nếu cứ tiếp tục thế này. Hai bên nhà hát của tôi gồm năm chục lao động, diễn viên cũng chừng đó. Một đoàn nhà nước có tiền trên rót mà nuôi từng đó người còn bị kiệt sức, đừng nói đoàn tư nhân trong thời điểm khó khăn này. Nghĩ đến nền tảng tồn tại bao nhiêu năm như vậy, mình thấy xót xa, chứ thật sự mình buông, mình sướng hơn nhiều. Anh Xuân Hinh cùng mấy anh mấy chị ngoài đó cứ mắng tôi hoài, ủa cô làm thế, chết rồi sao. Nhưng mình cứ nghĩ đến cái gì đó lớn hơn tiền, 16-17 năm mới xây dựng được một thói quen cho người ta đến xem sân khấu của mình. Trong đây, mỗi sân khấu có đối tượng khán giả riêng, ngay cả 2 rạp của tôi đối tượng khán giả cũng khác nhau. Bây giờ buông, chỉ cần một năm là tan rã hết.
Cát-xê của mình chị có thể bù cho cả đoàn kịch?
Không có. Nghĩa là có những đợt tôi phải bù tiền thuê rạp, cả hai bên hơn 200 triệu mỗi tháng. Đó là tiền nặng nhất của tụi tôi, vì làm gì có cơ sở vật chất. Còn anh em trong này sẻ chia dữ lắm, vé bán không được hay bán ít là người ta cùng chịu với mình, chẳng hạn họ chỉ lãnh 50% thù lao thôi. Vậy tụi tôi mới tồn tại được. Chứ bù cả tiền diễn viên, tôi chết lâu rồi.
Trần rạp Super Bowl thấp tè, sân khấu bé tí, thế mà chị cũng khéo dựng kịch được?
Thì đó, vậy mà điểm đó tồn tại cả chục năm nay. Trong đây chỉ được mỗi Nhà hát Thành phố, Nhà hát Hòa Bình. Nhà hát Bến Thành vốn là Trung tâm Văn hóa quận 1 thôi nhưng cũng là top rồi. Còn tất cả những cái khác là trung tâm văn hóa của các quận huyện. Super Bowl nguyên là vũ trường theo mô hình đĩa bay, ngày xưa có đấu đá bắn nhau ở đó nên quận Tân Bình mới ngưng không cho làm vũ trường. Lúc đó, chúng tôi làm gì còn địa điểm nào, phải nhảy vô. Tôi chỉ cần sân khấu cao 6m thôi mà ở đấy được có hai mét rưỡi, hề lắm. Giá nó cao chút xíu nữa thôi để khán giả của mình đỡ bị thiệt thòi. Họ ủng hộ mình như vậy, mà đôi khi mình thấy áy náy.
Từ khi chị với anh Lê Tuấn Anh về ở với nhau, chị trẻ ra, anh thì già đi?
Đâu, già đều ấy chứ. Tụi tôi lớn tuổi rồi, 50 cả. Tôi mập trông… căng vậy thôi. Tóc anh bạc mà không chịu nhuộm. Anh giản dị lắm, không màu mè se sua.
Có thể hiểu chị vẫn mặn duyên với nghề một phần nhờ ông xã lùi lại sau?
Tôi nghĩ là như vậy đó. Từ lúc lấy nhau đến giờ, ảnh đã xác định nhường đam mê đó cho tôi mà. Đôi khi tôi cũng phải lấy tiền anh làm nhà hàng bù cho nhà hát, chứ mình tôi làm đâu nổi.
Bí quyết để anh chị có đời sống hôn nhân viên mãn trong khi cả hai đều bận rộn?
Làm gì có bí quyết nào. Mỗi người đều có ý thức cho bản thân và gia đình thì tự động gia đình sẽ không bị sứt mẻ thôi. Chứ ở đời ai mà nói được bí quyết tôi thấy giả dối lắm. Vì mọi thứ thay đổi từng ngày từng giờ. Nhất lại là vấn đề tình cảm, suy nghĩ của mỗi cá thể, có lúc nào là vĩnh viễn đâu. Chưa kể nghệ sĩ sống bằng cảm xúc. Cho nên khi đã là vợ chồng thì luôn đặt mình vào cảm xúc của người khác để quyết định một vấn đề gì. Được cái cả tôi cả anh đều như vậy.
Cảm ơn chị.