NSND Hoàng Dũng được nể trọng, yêu thương

NSND Hoàng Dũng là một trong những gương mặt tiêu biểu của Nhà hát Kịch Hà Nội
NSND Hoàng Dũng là một trong những gương mặt tiêu biểu của Nhà hát Kịch Hà Nội
TP - Lễ tang NSND Hoàng Dũng diễn ra cuối tuần này. Gần một tuần sau khi ông ra đi, đồng nghiệp vẫn bàng hoàng bởi nghệ sĩ đang độ sung sức, thăng hoa với nghề.
Gương mặt tiêu biểu
“Hoàng Dũng là nghệ sĩ hoạt động rộng khắp. Nghề nào cũng có những gương mặt tiêu biểu, nhắc tới sân khấu thì Hoàng Dũng là một trong những gương mặt như vậy”, NSƯT Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (NSSK) nhận định. Hoàng Dũng kém Lê Chức chừng 10 tuổi, nhưng Lê Chức xem Hoàng Dũng cùng thế hệ nghệ sĩ biểu diễn, sau này hai người cùng vác tù và hàng tổng ở Ban Chấp hành Hội NSSK Việt Nam. 
Biết Hoàng Dũng từ thời còn học trường Cao đẳng Nghệ thuật Việt Nam, NSND, đạo diễn Lê Hùng nhìn nhận Hoàng Dũng là diễn viên tài năng. “Đạo diễn nào đã giao vai cho Hoàng Dũng thì hoàn toàn yên tâm, tin tưởng, bởi Hoàng Dũng sẽ thể hiện với sắc thái riêng có”, Lê Hùng nhận xét.
Dù góp mặt đủ lĩnh vực từ sân khấu, điện ảnh tới truyền hình, nhưng sân khấu vẫn là thánh đường của Hoàng Dũng. Nổi lên từ nhân vật phó giám đốc Chính trong Tôi và chúng ta của Đoàn Kịch Hà Nội (tiền thân Nhà hát Kịch Hà Nội), sau này Hoàng Dũng còn gắn với nhiều vai diễn như Cả Khoa trong Cát bụi,  bác sĩ trong Bình minh đó trái tim anh, thầy Khóa trong Thầy khóa làng tôi, Lãm trong Hà Nội đêm trở gió, Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng, Bá Nhỡ trong Tiếng đàn vùng Mê Thảo.
NSND Hoàng Dũng được nể trọng, yêu thương ảnh 1“Người phán xử” đóng đinh tên của NSND Hoàng Dũng trên màn ảnh nhỏ
“Anh Hoàng Dũng được tổ nghề đãi đủ sáu yếu tố thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần. Hoàng Dũng bộc lộ chiều sâu nhân vật qua đôi mắt có thần, có lửa. Ngoài đào tạo ở trường, Hoàng Dũng được cái nôi Nhà hát Kịch Hà Nội đào luyện với nhiều bậc thầy, đàn anh đàn chị. Anh ấy còn là người không ngừng học hỏi, kể cả học và sáng tạo từ thế hệ đàn em mà anh ấy dìu dắt”, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam nói. Thuộc thế hệ đàn em, NSƯT Xuân Bắc cũng mê lối diễn “sâu mà lắng” của Hoàng Dũng trong Tiếng đàn vùng Mê Thảo và nhiều vai khác trên sân khấu.
Trưởng thành từ diễn viên, Hoàng Dũng sau này dàn dựng nhiều vở diễn có dấu ấn. Theo Lê Chức, có vở diễn do Hoàng Dũng dàn dựng khiến giới trong nghề ngỡ ngàng như Huyết lệnh. Vở diễn làm bật lên trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ cũng như năng lực của đạo diễn.
Không chỉ nổi lên là nghệ sĩ uy tín của sân khấu, Hoàng Dũng sớm là một trong những gương mặt gạo cội của truyền hình Việt Nam. Từ thập niên 1990, Hoàng Dũng-Hoàng Cúc là cặp nghệ sĩ nổi cả sân khấu lẫn màn ảnh. Sau này, nhờ gương mặt có thần, có uy nên ông thường được giao những vai gai góc. Đó là trùm ma túy có vỏ bọc doanh nhân trong Cuồng phong (2010), tay chủ tịch tỉnh mưu mô trong Đàn trời. 
Trong loạt vai diễn sáng giá, không thể không nhắc tới Phan Quân trong Người phán xử. Ngay sau phim đình đám này, Hoàng Dũng có vai nặng ký trong Sinh tử. Trong hơn ba năm nghỉ hưu, Hoàng Dũng có độ phủ sóng rộng hơn rất nhiều thời còn giữ ghế Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều lời mời tham gia phim, hợp đồng quảng cáo bạc tỷ. Sức lao động, sáng tạo của Hoàng Dũng chưa có dấu hiệu bị bào mòn. Thậm chí hai tháng cuối đời chống chọi với căn bệnh ung thư, ông vẫn trăn trở với vai diễn dở dang trong Trở về giữa yêu thương- phim đang phát trên sóng giờ vàng VTV1.
Nghệ sĩ được trân trọng
Được ghi nhận ở khía cạnh tài năng, một gương mặt nghệ sĩ biểu diễn nổi bật của thế hệ kế cận các bậc đi trước, Hoàng Dũng còn được xem trọng ở nhân cách nghệ sĩ. Xuân Bắc đánh giá Hoàng Dũng đích thực là nghệ sĩ có nhân cách, bậc đàn anh trong nghề. Điều này thể hiện ở mối quan hệ thân thiết của ông với hầu hết nghệ sĩ đi trước hay lớp đàn em, học trò. “Anh ấy không vì giỏi nghề mà kiêu ngạo, không mượn nghệ thuật để chỉ trích đàn em. Anh ấy cũng rất công bằng, công minh, có điều gì không được là góp ý thẳng thắn”, NSƯT Xuân Bắc nói.
“Dũng luôn cởi mở với anh em đồng nghiệp. Không vô cớ mà khi Hoàng Dũng mất, đồng nghiệp và học trò nói về anh ấy bằng những lời tốt đẹp nhất. Thời giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, vừa là đạo diễn nhưng Dũng cũng tạo điều kiện cho nhiều anh em sớm trưởng thành như Trung Hiếu, Tiến Minh, Thiện Tùng. Dũng là nghệ sĩ nổi tiếng, nhà quản lý nhưng không bao trùm lên anh em. Tôi cho đó là điều đáng trân trọng”, NSƯT Lê Chức nói.
Nom Hoàng Dũng có vẻ nghiêm nghị khó gần, nhưng đằng sau bề ngoài ấy lại là một nghệ sĩ chân thành, đôn hậu. “Hoàng Dũng từng mời tôi về dựng vở cho nhà hát để dạy thêm cho diễn viên. Cậu ấy toàn tâm toàn ý cho nhà hát, luôn lo lắng cho lớp trẻ”, NSND Lê Hùng kể. Có lần Hoàng Dũng cười cười giải thích lí do sau khi nghỉ hưu lại liên tục phủ sóng truyền hình. Ông tạo điều kiện cho diễn viên trẻ đi làm phim, còn mình phải từ chối nhiều lời mời bởi “tôi mà đi nốt thì nhà hát nát mất”.
Loạt diễn viên trưởng thành từ Nhà hát Kịch Hà Nội ở các thế hệ khác nhau như NSND Trung Hiếu, Công Lý, các diễn viên trẻ như Thanh Hương, Tiến Lộc, Diệu Hương đều hàm ơn người thầy Hoàng Dũng. Ông cũng tham gia giảng dạy cả diễn viên sân khấu lẫn diễn viên truyền hình, với lớp học trò đang là những gương mặt sáng giá hiện nay như Việt Anh, Hồng Đăng, Bảo Anh. Nói như diễn viên Ngân Quỳnh của phía Nam (cộng tác với Hoàng Dũng trong Về nhà đi con) thì “NSND Hoàng Dũng có lương tâm của người thầy, không hề e ngại, giấu giếm khi chỉ dạy cho bạn diễn, học trò”.
Hoàng Dũng còn được nể trọng ở đóng góp cho Hội NSSK Việt Nam. Ba khóa liên tiếp có mặt trong Ban Chấp hành, sau này được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, ông làm tốt vai trò của người vác tù và, trách nhiệm của một nghệ sĩ truyền lửa cho nghệ sĩ đi sau.
So với lớp nghệ sĩ gạo cội còn sống như NSND Trần Bảng, Doãn Hoàng Giang, Trần Minh Ngọc, Hoàng Dũng đang là nghệ sĩ kế cận sung sức. Ông ra đi ở tuổi 65 vì thế là nỗi tiếc thương lớn, để lại một khoảng trống cho sân khấu thế hệ ông.

NSND Hoàng Dũng mất lúc 14h15 chiều 14/2/2021 tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hưởng thọ 65 tuổi. Lễ viếng NSND Hoàng Dũng từ 7h30-9h ngày 20/2 (mùng 9 tháng Giêng) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu 9h cùng ngày. Lễ an táng cùng ngày tại Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên. 
Gia đình chuẩn bị hoa cho khách đến viếng NSND Hoàng Dũng, đồng thời đề nghị người đến viếng đeo khẩu trang, sát khuẩn và giữ khoảng cách, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Tang lễ NSND Hoàng Dũng dự định được cử hành “không bi lụy, không ồn ào” như tâm nguyện của ông. Ca khúc Kiếp tằm trong vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo (Hoàng Dũng đóng vai chính) sẽ vang lên trong tang lễ như khúc nhạc tiễn biệt.

MỚI - NÓNG