Novak Djokovic bị trục xuất khỏi Australia: Chỉ là khởi đầu chuỗi ngày đen tối?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những hệ luỵ của việc không tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Novak Djokovic chắc chắn không dừng lại ở việc tay vợt này bị huỷ visa và trục xuất khỏi Australia, qua đó lỡ cơ hội bảo vệ ngôi vương Australian Open 2022.

Ngày 16/1, Tòa án Liên bang Australia tổ chức phiên điều trần thứ hai liên quan đến vụ Novak Djokovic bị huỷ visa và cấm nhập cảnh vào nước này. Phiên toà có sự góp mặt của ba thẩm phán, bao gồm Thẩm phán David O’Callaghan, Thẩm phán Anthony Besanko và Chánh án James Allsop. Sau hơn 6 tiếng làm việc, Djokovic đã bị xử thua kiện và phải trả toàn bộ chi phí phiên tòa.

Novak Djokovic bị trục xuất khỏi Australia: Chỉ là khởi đầu chuỗi ngày đen tối? ảnh 1

Djokovic bị xử thua kiện và bị trục xuất khỏi Australia

Tại phiên toà, Nick Wood, luật sư đại diện của Djokovic đã bác bỏ quan điểm của Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke cho rằng sự hiện diện của ngôi sao quần vợt này ở Australia đã “kích thích tâm lý bài trừ vắc xin”. Ông nhấn mạnh, chính phủ Australia không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa tay vợt người Serbia với các phong trào chống vắc xin. Theo ông Nick Wood, Bộ trưởng đã không xem xét tác động của việc trục xuất Djokovic thậm chí sẽ làm dấy lên phong trào bài vắc xin ở nước này, điều khó xảy ra khi cho phép Nole ở lại thi đấu. Quyết định huỷ visa của Bộ trưởng, vì thế là “vô lý và không có căn cứ”.

Về phía Bộ trưởng Hawke, luật sư Stephen Lloyd nhấn mạnh Bộ trưởng nhận thức rằng “phương án nào (trục xuất Djokovic hay không - PV) cũng đều để lại hậu quả”, nhưng ông không cần phải giải thích tất cả những điều đó trong văn bản của mình. Ông Lloyd trước đó trình lên tòa một tập tài liệu, gồm các báo cáo truyền thông, bản ghi cuộc phỏng vấn và tờ khai nhập cảnh của Djokovic. Chính những tài liệu này đã giúp Bộ trưởng Hawke biết quan điểm của Djokovic về tiêm chủng và thái độ của tay vợt 34 tuổi khi nhiễm COVID-19 vào tháng 12/2021. Quan điểm không tiêm vắc xin của Djokovic đã được nhiều người biết, khiến tay vợt này trở thành “biểu tượng cho các nhóm chống tiêm chủng”.

“Điều đáng lo ngại là Djokovic là một người nổi tiếng và ở nhiều khía cạnh ông ấy là một hình mẫu…Sự hiện diện của Djokovic ở Australia sẽ thể hiện rõ ràng hơn quan điểm chống vắc xin của ông ấy, đối với người Australia. Người nộp đơn kháng cáo còn có tiền sử bỏ qua các biện pháp an toàn phòng dịch. Ngay cả khi bị nhiễm bệnh, ông ấy vẫn thực hiện một cuộc phỏng vấn và chụp hình không đeo khẩu trang. Bộ trưởng có quan điểm rằng sự hiện diện của Djokovic ở Australia có thể khuyến khích mọi người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, bất chấp các quy định”, ông Lloyd nhấn mạnh.

Quyết định của Toà án Liên bang Australia này đồng nghĩa với việc tay vợt số 1 thế giới sẽ bị trục xuất khỏi Australia, không thể thi đấu ở Australian Open và có thể phải đối mặt với án phạt cấm nhập cảnh vào Australia lên đến 3 năm.

Djokovic sẽ mất ngôi vị số 1 thế giới?

Hành trình đến Melbourne năm nay của Djokovic đầy sóng gió. Anh trải qua 5 đêm bị quản thúc ở trại nhập cư, tham dự hai phiên toà, nhưng cuối cùng phải nhận một kết cục đáng buồn. Trước đó, tay vợt người Serbia đã kháng án thành công trong phiên toà đầu tiên vào ngày 10/1, nhằm chống lại quyết định trục xuất từ Lực lượng Biên phòng Australia. Djokovic sau đó đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng về phán quyết của Toà án Liên bang Australia, đồng thời nhấn mạnh rằng bản thân anh cũng không thoải mái khi trở thành tâm điểm chú ý. Anh sẽ “dành thời gian tới để nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe”.

Djokovic nhận tin dữ chỉ chưa đầy 24 tiếng trước khi Australian Open 2022 khởi tranh. Tay vợt số một thế giới dự kiến sẽ bắt đầu chiến dịch bảo vệ ngôi vương tại Rod Laver Arena vào tối nay, 17/1, nhưng sẽ phải ngồi trên máy bay rời Australia vào đúng ngày khai mạc Grand Slam đầu tiên trong năm. Tay vợt người Serbia đã 17 năm liên tiếp dự Australian Open, lập kỷ lục toàn thắng 9 trận chung kết, gồm 3 lần gần nhất. Anh đang cùng giữ kỷ lục 20 Grand Slam với Roger Federer và Rafael Nadal.

Nếu vẫn giữ quan điểm không tiêm vắc xin, tay vợt người Serbia sẽ tiếp tục không thể tham dự nhiều giải. Như vậy, sớm hay muộn, Djokovic cũng sẽ bị truất phế ngôi vị số 1 thế giới vì không có điều kiện bảo vệ.

Với việc bị trục xuất, Nole lỡ cơ hội đoạt danh hiệu thứ 10 ở Melbourne cũng như độc chiếm kỷ lục 21 Grand Slam. Tuy nhiên, vụ việc lần này có thể mới chỉ là khởi đầu cho những rắc rối của Djokovic thời gian tới. Nếu vẫn giữ quan điểm không tiêm vắc xin, tay vợt người Serbia sẽ tiếp tục không thể tham dự nhiều giải. Như vậy, sớm hay muộn, Djokovic cũng sẽ bị truất phế ngôi vị số 1 thế giới vì không có điều kiện bảo vệ.

Thống đốc bang Victoria, ông Daniel Andrews đã có những phát biểu thẳng thắn về quan điểm không tiêm vắc xin của Djokovic: “Tôi xin nhấn mạnh hai điều. Thứ nhất các bạn hãy tiêm vắc xin để tránh những rắc rối xảy ra như vụ việc của Djokovic. Thứ hai tôi muốn khẳng định giải đấu này quan trọng hơn tất cả. Không một cá nhân nào được phép lớn hơn nó. Đây là giải Grand Slam đầu tiên trong năm, một trong bốn giải quan trọng nhất của quần vợt thế giới. Đây là niềm tự hào của nước Australia và nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi một cá nhân nào đó”.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.