Nông sản xuất 'kẹt' tại cửa khẩu bị siết, làm sao để thông?

0:00 / 0:00
0:00
 Nông sản xuất 'kẹt' tại cửa khẩu bị siết, làm sao để thông?
TPO - Hiện nay, 100% xe chở nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đều phải kiểm tra nên việc thông quan mất nhiều thời gian. Đặc biệt, một số cửa khẩu phía Trung Quốc đang tạm dừng nhập khẩu thanh long khiến tình hình thông quan tại các cửa khẩu trở nên khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) sẽ lập đầu mối điều phối các vùng sản xuất trọng điểm để các địa phương biên giới có thể điều tiết lượng hàng hóa hợp lý.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, theo phản ánh của các tỉnh, hiện lượng hàng vận chuyển lên các cửa khẩu phía Bắc tăng đột biến. Chẳng hạn, các loại nông sản như thanh long, mít, dưa hấu…đều tăng mạnh so với năm ngoái. Tuy nhiên, trước việc một số cửa khẩu của Trung Quốc như Hà Khẩu (Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang) tạm dừng nhập khẩu thanh long, khiến nhiều xe chở thanh long chuyển qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trong khi năng lực thông quan tại cửa khẩu này chỉ từ 100 - 130 xe/ngày, dẫn tới tình trạng quá tải.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Tiến, trong bối cảnh dịch COVID-19, Trung Quốc liên tục siết chặt các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện nay 100% xe chở nông sản từ Việt Nam đều phải kiểm tra nên việc thông quan mất nhiều thời gian, dẫn đến có lúc ùn ứ.

"Vừa qua, Bộ làm việc với các địa phương có cửa khẩu giáp với Trung Quốc để giải quyết tình hình này. Theo kiến nghị của các địa phương, trước mắt bộ sẽ lập đầu mối điều phối các vùng sản xuất trọng điểm để các địa phương biên giới có thể điều tiết lượng hàng hóa hợp lý. Các tỉnh có nông sản đến vụ thu hoạch cần cung cấp thông tin về chủng loại, số lượng, thời điểm thu hoạch về Bộ để kết nối với các địa phương có cửa khẩu nhằm giảm áp lực cho các cửa khẩu, tránh ùn ứ", Thứ trưởng Tiến nói.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương, hiệp hội ngành hàng thông tin kịp thời, đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc về những thay đổi trong chính sách của họ; Khuyến cáo các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc; chủ động theo sát diễn biến hoạt động xuất khẩu trái cây qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc; có kế hoạch đưa hàng lên biên giới.

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, hiện Việt Nam đã xuất khẩu 9 loại trái cây chính ngạch sang Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Sắp tới, bộ sẽ ký Nghị định thư với Trung Quốc để xuất khẩu 8 loại nông sản nữa. Ngoài ra, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện xuất khẩu khi nước này áp dụng quy định mới.

MỚI - NÓNG