Nồng nàn đại ngàn ải Bắc

“Chàng trai ải Bắc”. Ảnh nghệ thuật của Lưu Minh Dân
“Chàng trai ải Bắc”. Ảnh nghệ thuật của Lưu Minh Dân
TP - Đất bám len theo từng thớ núi, hoa trái tỏa mùi hương giữa trời. Thấp thoáng trập trùng nơi thung xa, ẩn hiện những tấm áo chàm kiên trung, bất khuất. Hình ảnh đó hiển hiện mỗi ngày trên quê hương Chi Lăng lịch sử.

Theo sử sách, Chi Lăng (Lạng Sơn) mảnh đất hiểm trở: “Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (mười người đến, một người về). Nơi đây đã diễn ra những trận đánh oai hùng ba lần đánh thắng giặc Tống- Nguyên- Minh.

Đồng bào các dân tộc sống trên mảnh đất này lại đôn hậu, mộc mạc, chân chất. Qua bao đời, người dân sống trên đá, bắt những vỉa núi “đẻ ra vàng”, nuôi sống con người, làm đẹp quê hương.

Lực sỹ na

Trong một lần đi thực tế sáng tác, nghệ sỹ nhiếp ảnh trẻ Lưu Minh Dân (Hội viên Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn) say mê với những vạt na cheo leo trên các đỉnh núi Kai Kinh. Người Tày, Nùng, Kinh ríu rít rủ nhau hái na và quẩy những sọt quả đặc sản căng tròn xuống núi.

Bất chợt, anh nhìn thấy một thanh niên trẻ trung đang gánh 2 sọt na từ trong hẻm núi hiện ra. Nét mặt chân chất cùng những đường gân cốt săn chắc trên đôi tay trần như thớ núi đại ngàn.

Bức ảnh có bố cục, ánh sáng, đường nét rất chuẩn, toát lên vẻ đẹp lao động của người Chi Lăng. Và tác phẩm “Chàng trai ải Bắc” của tác giả Lưu Minh Dân đã được chọn treo tại Triển lãm liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XVII năm 2017 tại tỉnh Bắc Giang gây được chú ý, thiện cảm của giới nhiếp ảnh và người xem.

Gặp nguyên mẫu trong đời thường, đúng vụ na 2019, dường như nom chàng trai này trẻ trung hơn rất nhiều. Vẫn khuôn mặt hiền hậu, giọng nói từ tốn, “nhân vật”, Hoàng Lăng Huy (SN 1990), dân tộc Nùng, trú tại thôn Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng tâm sự: Nhà anh có vườn na đằng sau nhà sát núi Kai Kinh. Năm nay, gia đình phát triển, trồng được 500 cây na lớn, bé. Na được mọc tự nhiên trên non cao, cách nhà hàng trăm mét. Khi mùa thu về, cận rằm tháng 7 âm lịch là độ na dai vườn nhà chín rộ.

Buổi sáng sớm, khi gà gáy báo thức, anh cùng bố mẹ leo núi hái na. “Vất vả lắm anh ạ. Đi từ nhà lên đến đỉnh vườn cũng mất gần một tiếng đồng hồ, sau đó cứ soi trong lùm lá xanh những quả mở mắt to, đến độ chín thì hái, cho vào các làn. Khi đầy làn, mang đến điểm tập kết. Ngày nào cũng vậy, đến khi mặt trời đứng trên đỉnh đầu là kết thúc. Buổi chiều lại tiếp tục hành trình hái na vì loài quả này chín rất nhanh, không hái kịp thì tự nó rụng xuống đất”. Anh Huy thổ lộ.

Theo anh Huy, khi hái na, ngày nắng người toát mồ hôi như tắm, ngày mưa thì lối đi trơn trượt, muốn đưa na xuống núi phải lê lết từng bước chân gánh sọt na cẩn thận, không thì cả người lẫn của sẽ lao xuống vực. “Tuy thế, sự vất vả này lại tôi luyện, tạo cho chúng tôi một sức mạnh, dẻo dai phi thường. Lâu lắm rồi, tôi không biết đau ốm là gì”. Huy nói.

Na “Hoàng Hậu”

Mỗi lần trở về quê hương dịp mùa na chín, chúng tôi lại chứng kiến, ngỡ ngàng trước những đổi thay kỳ diệu của trái cây đặc sản địa phương cũng như đời sống, văn hóa của người dân Chi Lăng.

Dẫn chúng tôi đi thăm thực địa vườn na ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng giới thiệu: Năm nay, người dân Chi Lăng có một loại na mới, nặng trên dưới 1 kg, mắt sáng, to, mịn. Một quả này bán quy đổi được gần bằng 100kg bí xanh.

“Cơ quan chuyên môn ở huyện cùng bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo nên giống na to chưa từng thấy. Ưu việt của loại na là ít hạt, thời gian bảo quản lâu từ 7 đến 10 ngày. Thấy quả lạ thường nên người dân đặt tên mỹ miều là na Hoàng Hậu”. Ông Học hào hứng giới thiệu.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, cách đây chừng 3 năm, một cơ quan chuyên môn ở Hà Nội có mang tặng cho huyện giống na Hoàng Hậu. Sau thời gian gieo trồng, đến năm thứ 3 thì bói quả, mỗi cây chừng 20 trái. Trái cây khổng lồ này lập tức thu hút sự tò mò của nhiều du khách nên bán với giá cao, khoảng 120 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi, gấp 3 giống na núi đá truyền thống.

...“Quả na Chi Lăng là đặc sản quý ở vùng núi đá biên cương xứ Lạng rất có giá trị. Điều đó khẳng định loại trái cây này đứng đầu trong Top hàng nông sản Việt Nam được khách hàng ưa thích. Chính vì vậy, chúng tôi đã bán đấu giá thành công 6 trái na Chi Lăng được 100 triệu đồng”.

         Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc hệ thống Saigon Co.op

Chúng tôi gặp những người dân địa phương đang tíu tít chào mời bán na ở chợ đầu mối trung tâm thị trấn Chi Lăng. Đứng trước những trái na to như cái bát ăn cơm, căng tròn mắt hồng, bà Hoàng Thị Thi, trú tại thôn Đồng Bành, thị trấn Chi Lăng cho biết: “Đây là những quả na trong vườn nhà. Càng về chính vụ, na càng to, tròn, đẹp. Có quả nặng đến 1,7 kg, thường xuất hiện ở cây trên 8 tuổi. Na Hoàng Hậu nom nuột nà nhưng đậm đà, ăn rồi không quên”.

Theo ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, đến nay đã có hàng chục đơn vị, doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng với HTX và người dân địa phương, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Cuối tháng 7 vừa qua, một tổ chức Liên hiệp HTX tại TP HCM đã tổ chức thành công phiên đấu giá nông sản Việt với nhiều loại trái cây được trả giá lên tới hàng trăm triệu đồng.

Đề cập đến phiên đấu giá, bà Nguyễn Thị Lý, Chủ nhiệm HTX Nông sản huyện Chi Lăng nói: “Lần đầu tiên các sản phẩm nông sản Việt Nam được đưa ra hình thức ý nghĩa này. Theo đó, các loại đặc sản trái cây vùng miền ở nước ta đã thiết lập một kỷ lục mới về giá bán. Cụ thể, 6 quả na đến từ vùng núi đá Chi Lăng được khách mua với giá 100 triệu đồng. Đây là những quả na được tuyển chọn từ vựa na Chi Lăng, đạt tiêu chuẩn VietGAP, có hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao, cùi dày, ít hạt, bổ dưỡng, an toàn nên thực khách rất ưa thích”.

Chúng tôi men theo đường quốc lộ 1A cũ hướng đi của những vạt na nối tiếp nhau trập trùng. Sự tồn tại và phát triển của cây na trên vùng đất ải Chi Lăng đã và đang giúp cuộc sống người nông dân nơi đây khấm khá, thay da đổi thịt.

Với hàng ngàn hộ dân trồng na theo sườn núi Kai Kinh và đồi đất đỏ ven sông Thương màu mỡ phù sa, đã đem lại nguồn thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/hộ/vụ. Quả thực, loại trái cây này đã làm nên một sắc thái làng quê tươi mới, từ những nếp nhà, mái ngói đỏ au thấp thoáng màu xanh ngút ngàn.

Chính sự trù phú này đã níu chân du khách thập phương đến với miền biên viễn xứ Lạng. Thoảng xa, các chàng trai cô gái người Tày, Nùng đang hái na trên rừng, trên núi.

Chúng tôi bỗng nghe tiếng Sli, tiếng Lượn ở khu vực núi Mặt Quỷ vọng tới những điệu ca mượt mà: “Quê tôi chẳng có ru bi/Không viên ngọc bích, không kỳ thạch anh/Mà ngọc trong đá long lanh/Mang theo vị ngọt trong lành ai ơi/Chắt chiu tinh túy đất trời/Thấm mồ hôi của bao người Chi Lăng”.

Nồng nàn đại ngàn ải Bắc ảnh 1 Ngày hội na Chi Lăng. Ảnh: Duy Chiến
MỚI - NÓNG