Theo Trùng Khánh buổi sáng, tuần trước, một tiều phu trên đường chở gỗ về nhà đã phát hiện và bới được 8 con đông trùng hạ thảo. Đây thực chất là một loài nấm ký sinh trong ấu trùng bướm, được cho là thần dược đối với sức khỏe.
Tin này lập tức lan ra trong thôn Hoàn Đạt và các thôn lân cận. Mấy ngày nay, người dân nườm nượp lên núi, bới đất tìm đông trùng hạ thảo.
"Có nhà một ngày đào được hơn một nghìn con, đói bụng lại lấy lương khô ăn rồi đào tiếp," bà Đường, người dân trong thôn cho biết. "Nhà tôi cũng đào được mấy con, rửa sạch rồi ăn luôn. Người ta vẫn nói đông trùng bổ lắm, ăn vào nhất định không có hại."
La Thanh Đệ, một dân làng nói, nhiều nhà buôn nghe tin, đã chầu chực sẵn dưới núi, chờ mua được đông trùng hạ thảo tươi nhất. Họ đưa ra giá 20 tệ/con (3,2 USD), hấp dẫn nhiều dân làng.
Đông trùng hạ thảo có màu vàng nhạt, vị hơi đắng. Ảnh: Ifeng
Tuy nhiên, người dân lên núi đào đông trùng hạ thảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường rừng. Hơn 40 ha rừng trở thành rừng trọc, cây cối bị chặt hạ xếp thành từng đống, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao.
"Trên núi bây giờ, chỗ nào cũng đầy lỗ người dân đào, củi khô thì bạ đâu vứt đấy, mà mùa hè đến rồi, chẳng may có mồi lửa, rất dễ cháy rừng," Trương Hồng Ưu, phó chủ nhiệm trung tâm phục vụ nông nghiệp của thôn, cho biết.
Yết Định Hoa, nhân viên trung tâm kiểm định thực phẩm Vĩnh Xuyên, thành phố Trùng Khánh nhận định, "đây không phải là đông trùng hạ thảo", mà chỉ là một loại ấu trùng bướm bị ký sinh, phải đưa đi kiểm nghiệm mới đánh giá được tính dược liệu của nó.
Chuyên gia Yết đang so sánh đặc điểm của đông trùng hạ thảo. Ảnh: Ifeng
Đông trùng hạ thảo từ lâu được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc và Tây Tạng. Loài này thường phân bố ở các vùng cao nguyên, cao hơn mặt biển từ 4-5.000 m như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc. Trên thị trường Trung Quốc, một kg đông trùng hạ thảo có giá khoảng 80.000 USD.