Nhiều hộ trồng 3-5 sào ngô nhưng chỉ được mấy nồi bắp luộc, như hộ ông Nguyễn Văn Lưu (5 sào), bà Nguyễn Thị Sáu (3 sào). 17 hộ dân ấp 11, xã Bình Sơn trồng hơn 5 hecta ngô nếp nù trắng đều không ra bắp.
Nhiều hộ trồng để bán ngô non với diện tích khá lớn từ 7 sào – 1 hecta, như gia đình ông Võ Thanh Hiền (7 sào), ông Phan Văn Thời (8 sào), Vũ Xuân Thiện (1 hecta) đang nuôi hy vọng vụ này sẽ lãi được vài triệu đồng nhưng không ngờ đến ngày thu hoạch chỉ đủ luộc cho gia đình ăn!
Nếu ở huyện Long Thành, ngô trồng không ra bắp chỉ mới thấy xuất hiện trên giống ngô nếp nù trắng, thì ngay tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) và xã Suối Nho (huyện Định Quán), tình trạng ngô không ra bắp xuất hiện cả trên cây ngô đỏ.
Ông Vũ Văn Hiếu, người có 5 sào ngô nhưng phải chặt bỏ tới 70% vì không ra bắp, đã cho biết:
“Chưa bao giờ chúng tôi bị tình cảnh này. Người thì bảo tại giống, người thì đoán tại đất, còn có người cho là nấm bệnh, không biết nghe ai bây giờ. Tôi là trưởng ấp nên ngày nào bà con cũng đến hỏi xem cán bộ kỹ thuật của huyện đã tìm ra nguyên nhân chưa để biết cách xử lý?”.
Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế huyện Xuân Lộc, tại khu vực ấp 5, xã Xuân Bắc có trên 11 hécta bị tình trạng này. Có nhiều diện tích ngô phải chặt bỏ tới 80%.
Anh Nguyễn Văn Thành, một nông dân trồng ngô tại ấp 3, xã Suối Nho cho biết, người dân ở ấp 2 và ấp 3 đang rất băn khoăn về việc này. Tổng diện tích ngô không hạt ở xã Suối Nho lên đến trên 20 hécta.
Cũng giống như người dân ở ấp 5, xã Xuân Bắc, nông dân ở xã Suối Nho đang từng ngày ngóng chờ kết luận của các cơ quan chức năng.
Đặt chân vào giữa những ruộng ngô ở các khu vực này, chúng tôi nhận thấy tình trạng ngô không hạt khá lạ. Đối với ngô đỏ, những cây không ra được bắp trông thân cây cao hơn bình thường, lá thường bị sọc trắng, có cây trổ được cờ và có cây không trổ.
Riêng ngô nếp nù trắng thì cây lại lùn đi, thân cây rất yếu, trông cây ngô giống như bị thoái hóa. Ngô không ra bắp xuất hiện nhiều ở những hộ nông dân trồng giống DK 888, G49, C 171…
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó phòng Kinh tế huyện Long Thành cho biết, đến nay Phòng Kinh tế huyện cũng chỉ biết hướng dẫn bà con nông dân cùng với chính quyền xã thống kê lại diện tích và mức độ thiệt hại.
Sau đó sẽ đưa những bao bì đựng ngô giống tới các đại lý bán ngô nhằm yêu cầu họ mời công ty sản xuất giống tới xem xét để có hướng giải quyết.
Ở huyện Định Quán, Phòng Kinh tế huyện cũng đã thành lập một đoàn kiểm tra, trong đó có cả đơn vị sản xuất ngô giống là Công ty TNHH sản xuất giống CP Việt Nam cùng đi thăm những khu vực ngô không bắp.
Ông Phạm Xuân Đồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Định Quán cho biết, hiện tại huyện cũng đang chờ kết quả từ công ty sản xuất giống vì họ đã lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Khi biết kết quả chính xác huyện mới có hướng giải quyết.
Trong khi đó, tại huyện Xuân Lộc, khi nhận được tin có tình trạng ngô trồng không ra bắp, Phòng Kinh tế huyện cũng đã tổ chức đoàn cán bộ kỹ thuật của các công ty sản xuất giống để kiểm tra hiện trường.
Chị Nguyễn Thị Ninh, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện nói: “Khi thấy có hiện tượng bắp không ra trái, huyện đã báo cho bên công ty sản xuất giống biết và được một số cán bộ kỹ thuật của họ cho rằng: Cây bắp bị bệnh sương mai do nấm Peronosclerospora Sorghi gây nên.
Thế nhưng, qua kiểm tra thì thấy có những biểu hiện khác thường với bệnh sương mai nên công ty sản xuất bắp giống Syngenta đã lấy mẫu đưa về trường đại học Cần Thơ nhờ xét nghiệm”.
Cùng với các công ty đưa mẫu đi xét nghiệm bệnh, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã gửi mẫu ngô này đến trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh nhờ chẩn đoán bệnh giúp, kết luận ra sao thì vẫn phải chờ!