Nông dân đang 'hụt hơi'

Nông dân cần được hỗ trợ, để sống được trên mảnh ruộng nhà mình. Ảnh: Bình Phương
Nông dân cần được hỗ trợ, để sống được trên mảnh ruộng nhà mình. Ảnh: Bình Phương
TP - Nông dân đang “đói” thông tin thị trường, thiếu đất sản xuất lớn, thiệt thòi đủ đường, chỉ hưởng lợi phần nhỏ trong chuỗi sản xuất, “hụt hơi” trước hội nhập thời cách mạng công nghiệp 4.0…là những vấn đề lớn nông dân đang đối diện hiện nay.

Ðừng dùng nông dân để thí nghiệm

Ông Nguyễn Đăng Cường ở xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh)- nông dân xuất sắc được mệnh danh “Vua vịt trời”, với hiệu Lucavi (lúa-cá-vịt) cho rằng, nông dân thực sự đang gặp khó khăn về  đất sản xuất, thông tin thị trường và vốn.

Theo ông Cường, vấn đề tích tụ đất đai đang gặp nhiều vướng mắc. Muốn sản xuất lớn, buộc phải đi thuê đất, thuê được rồi cũng không thế chấp ngân hàng để đầu tư sản xuất được. Ông cho rằng, đã là tư liệu sản xuất thì phải được định hình rõ ràng, đầu tư 1 tỷ hay 10 tỷ đồng cũng được thế chấp mức đó để vay vốn.

“Cũng một khu vực, nhưng đất ở tới 40-50 triệu đồng/m2, trong khi đất nông nghiệp giá có khi chưa bằng bát phở, làm sao mà phát triển được. Như ở Thái Lan hay Đài Loan, đất đai của họ quy hoạch rõ ràng, người dân yên tâm đầu tư, sản xuất”- ông Cường nói.

Do vậy, ông Cường đề xuất phát triển hình thức HTX kiểu mới, hình thành các nhóm góp đất. Ông nói: “Bây giờ, mỗi người được 1 sào ruộng, rồi thuê máy, thuê cấy…toàn lỗ thì ai người ta muốn làm. Ai không có nhu cầu thì nhượng lại quyền sử dụng cho người khác, để khai thác tốt hơn, đem lại giá trị gia tăng cao nhất”.

Người nông dân xuất sắc đến từ Bắc Ninh cũng cho hay, Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho “tam nông”, nhưng rất nhiều chính sách không đến được nông dân, ví như gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao… Cùng đó, nông dân đang “đói” thông tin thị trường.

Đề cập đến quy hoạch, ông Cường cho biết, việc phân vùng sản xuất nông nghiệp chưa rõ, dẫn đến sản xuất còn chồng chéo, mang tính thời vụ. Công nghiệp chế biến hỗ trợ nông nghiệp cũng yếu, “hô hào công nghiệp 4.0, trong khi 0.1 còn chưa được, thì làm kiểu gì”.

Nói về đầu tư cho nông nghiệp, nguyên Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng chưa tương xứng.

Phân phối lợi nhuận cho nông dân

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, những năm gần đây, đời sống nông dân được nâng lên. Nhưng có một câu hỏi lớn, như ý Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập tại Đại hội Hội nông dân là vì sao nông dân vẫn bỏ quê ra đi, vẫn bỏ ruộng hoang nhiều thế? Đây là vấn đề rất lớn, phải suy nghĩ rất nghiêm túc.

“Ðể những người đường cùng mới làm nông nghiệp thì không đúng. Ở nhiều quốc gia, những người ở lại làm nông nghiệp là làm giàu, còn ở ta thì thường những người cùng đường mới làm nông nghiệp”.

Ông Hồ Xuân Hùng 

Theo ông Hùng, trong mối liên minh công, nông, trí thức, nông dân vẫn là tầng lớp thiệt thòi nhất, cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần, văn hóa, y tế, giáo dục. “Công nhân về hưu được, còn nông dân không về hưu được. Phụ nữ công nhân sinh đẻ thì có chính sách, còn phụ nữ nông dân sinh để phải tự lo cho mình… Nếu không nhìn vào những việc cụ thể, thì mình chỉ nói như trên trời”- ông Hùng nói.

Vậy, làm gì để nông dân mặn mà hơn với ruộng đồng, yêu nông thôn hơn? Ông Hùng cho rằng, bản chất người Việt Nam rất yêu quê hương, nhưng phải bỏ quê ra đi, tất cả cũng vì mưu sinh. Do vậy, phải tập trung tháo gỡ những vấn đề cốt yếu là nông dân phải nâng cao thu nhập được bằng chính nghề nông, trên mảnh ruộng của mình.

Theo ông Hùng, chúng ta chăm lo cho sản xuất rất lớn, nhưng khâu thương mại đang hưởng phần lớn giá trị, tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn chưa thoát được. Phải tìm cách phân phối lại lợi ích giữa các công đoạn, từ sản xuất, thương mại, chế biến. Muốn vậy, phải để nông dân có quyền lợi đến sản phẩm cuối cùng của họ.

Theo Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập, công nghiệp 4.0 như hiện nay, nông dân đang “đuối hơi”. Bởi, cái gì cũng phải thuê, từ phun thuốc, bón phân phải thuê và cũng không biết phun thuốc, bón loại phân gì.

“Nông dân đang thiếu kiến thức, chuyên môn trong lĩnh vực của mình. Chúng ta cứ đào tạo chuyển nghề, nhưng cũng phải nói là cần đào tạo ngay nghề nông nghiệp cho nông dân, trước những yêu cầu mới do tác động của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Trong khi các nước đang đào tạo cho nông dân thành chủ doanh nghiệp, thì chúng ta loay hoay chuyện này mãi mà không thoát”- ông Hùng phân tích.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.