Nơm nớp sợ gặp nạn với việc 'ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Có những trụ tiêu cao hàng chục mét, người hái phải bám vào chiếc thang nhiều tiếng đồng hồ. Mới đầu vụ thu hoạch, đã có hàng trăm người té ngã, phải nhập viện cấp cứu.

Các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Đây là loại nông sản được ví như “vàng đen”, được xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để thu hoạch hồ tiêu thật không đơn giản khi người hái phải đứng trên chiếc thang cao suốt nhiều giờ đồng hồ.

Công việc của những người hái hạt "vàng đen"

Anh Nguyễn Văn Niên (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho hay, công việc hái tiêu đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai, chịu khó, đặc biệt, không dành cho những người sợ độ cao. Bởi tiêu là loại dây leo, bám vào giá đỡ (trụ hoặc cây sống). Trung bình mỗi trụ tiêu cao từ 3-6m, thậm chí có cây cao gần chục mét.

Nơm nớp sợ gặp nạn với việc 'ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây' ảnh 1

Người hái tiêu đứng trên chiếc thang nhiều giờ đồng hồ

Để thu hoạch hồ tiêu, người hái phải bắc chiếc thang thật cao. Tuy nhiên, vì phải làm việc trên cao nhiều giờ giữa trời nắng gắt dễ khiến người lao động bị choáng. Chưa kể, trong lúc hái tiêu, bất ngờ gặp gió mạnh có thể quật ngã cả người lẫn thang.

Nơm nớp sợ gặp nạn với việc 'ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây' ảnh 2

Nghề hái tiêu đòi hỏi người lao động phải chịu khó, không sợ độ cao

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn trong lúc hái tiêu. Trong đó, có nhiều bệnh nhân vừa gãy tay, gãy chân, vừa gãy cột sống; có trường hợp bị chấn thương sọ não. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 5-10 trường hợp, trong đó nhiều bệnh nhân phải chỉ định mổ cấp cứu để can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn các di chứng.

Điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên, chị P.T.L (trú xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông) cho biết: Cách đây khoảng một tuần, chị bắc thang hái tiêu của gia đình. Trong lúc đứng trên thang, chị không may bị trượt, ngã từ độ cao 5m xuống đất.

Ngay sau đó, chị được đưa đến BVĐK vùng Tây Nguyên cấp cứu trong tình trạng đau buốt, không cử động lưng. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán, chị L. bị gãy 2 đốt sống và được chỉ định phẫu thuật để xử lý vết thương và điều trị kịp thời.

Nơm nớp sợ gặp nạn với việc 'ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây' ảnh 3

Bác sĩ kiểm tra vết thương cho một trường hợp bị té ngã khi hái tiêu

Mới đây, chị H.T.N (trú xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng gặp nạn trong lúc hái tiêu. Chị N. kể: “Tôi đang ngồi trên thang cao thì bất ngờ chiếc thang nghiêng 1 chân, ngả ra ngoài. Sau khi bị ngã xuống đất, tôi thấy khó thở, đau buốt, bị tê cột sống, hai chân và không nói được. Sau đó, người nhà đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán, tôi bị gãy một đốt sống, chèn ép tủy và được chỉ định phẫu thuật gấp để điều trị kịp thời”.

Bác sĩ Huỳnh Như Đồng - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh (BVĐK vùng Tây Nguyên) khuyến cáo, để hạn chế các rủi ro trong lúc trèo thang hái tiêu, người dân cần trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động để hạn chế thương tích nặng nề nếu chẳng may bị té ngã. Mỗi người cần phải mua bảo hiểm y tế, để khi không may bị tai nạn vào bệnh viện điều trị, phẫu thuật thì đỡ tốn kém. Bởi chi phí của mỗi ca phẫu thuật cột sống lên đến vài chục triệu đồng.

MỚI - NÓNG