Theo quy định của Nghị định 49, thuê bao phải cung cấp cho nhà mạng các thông tin trên chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp chứng minh thư/hộ chiếu, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam) và ảnh chụp chân dung thuê bao. Đây đều là những thông tin cá nhân thiết yếu của mỗi người. Việt Nam có khoảng 127 triệu thuê bao di động (số liệu thống kê cuối năm 2017). Nếu thực hiện Nghị định 49, nhà mạng sẽ trở thành kho dữ liệu thông tin cá nhân khổng lồ.
Làm sao để đảm bảo an toàn thông tin cho hơn 120 triệu thuê bao? Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông từng thừa nhận, đây là một qui định mới, bước đầu một số người có thể phản ứng vì liên quan đến quyền riêng tư. Theo Cục Viễn thông, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao đã qui định trong Nghị định 49/2017 cũng như trong Luật An toàn thông tin mạng và trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng, nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng, và tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của Bộ luật Hình sự.
Đại diện của Viettel cho biết, việc đảm bảo an toàn và bí mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, nhà mạng này cũng lưu ý, nỗ lực bảo vệ an toàn thông tin cá nhân cũng cần đến từ cả hai phía khách hàng và nhà mạng. Viettel mong muốn khách hàng cũng cẩn trọng hơn trong bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Đại diện MobiFone thì cho biết, ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của MobiFone chỉ sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. MobiFone đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng Luật Viễn thông và các quy định pháp luật hiện hành. VinaPhone cam kết sẽ giữ bí mật thông tin thuê bao và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin thuê bao được đối chiếu, nhập, lưu giữ trên hệ thống. Tuy nhiên, các cam kết trên vẫn không thể làm khách hàng yên tâm.
Khách hàng đăng ký sim điện thoại đang phải để nhân viên dịch vụ nhà mạng chụp ảnh. Ảnh: Như Ý.
Không có hệ thống an toàn tuyệt đối
Anh Trần Duy Hải, sở hữu một số điện thoại tứ quý cho biết, anh thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, hết bất động sản đến mua xe, bảo hiểm. Không chỉ anh mà một số bạn bè của anh sở hữu sim số đẹp cũng luôn trong tình trạng bị làm phiền như thế. “Tại sao số điện thoại đẹp lại bị lộ thông tin nhiều, phải chăng đây là danh sách khách vip của nhà mạng đã bị lộ thông tin ra ngoài để phục vụ mục đích thương mại”, anh Hải đặt nghi vấn. Theo anh, nếu bị bổ sung thêm ảnh, đồng nghĩa với việc, không chỉ đối mặt sự phiền toái mà còn đối mặt với nguy cơ an ninh, an toàn cho bản thân, nhất là với chủ thuê bao sở hữu số đẹp.
Chị Nguyễn Mai Lan, một thuê bao của MobiFone đặt vấn đề, mạnh như Yahoo còn bị hacker tấn công đánh cắp dữ liệu, FB còn làm lộ thông tin cá nhân của mấy chục triệu tài khoản thì doanh nghiệp Việt, khách hàng không khỏi lo ngại.
Trong khi đó, chuyên gia về an toàn thông tin chia sẻ, khả năng bảo mật thông tin phụ thuộc vào năng lực của mỗi nhà mạng. Tuy nhiên, một khi đã cung cấp thông tin cho nhà mạng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải đối mặt với rủi ro lộ thông tin cá nhân. Theo chuyên gia này, bất cứ một hệ thống dữ liệu thông tin, dù được bảo mật an toàn đến đâu vẫn luôn tồn tại các lỗ hổng và đối mặt với nguy cơ bị tấn công mạng. Về mặt lý thuyết không có một hệ thống nào đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đấy là chưa kể trường hợp, cố tình để lộ lọt thông tin cá nhân phục vụ mục đích riêng như rao bán thông tin cá nhân phục vụ mục đích bán hàng. Vì vậy, lo lắng của khách hàng là có cơ sở. Trong khi đó, nhiều khách hàng còn cho rằng, việc yêu cầu nộp chân dung thuê bao là xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân.
Tại cuộc họp chiều qua với các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn thừa nhận việc siết chặt quản lý thông tin thuê bao “là việc nan giải” nhưng cần phải làm vì đây là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác, quản lý thuê bao, bảo vệ an ninh quốc gia và quyền lợi người tiêu dùng. Trước đề xuất của nhà mạng lùi thời điểm thực hiện thu ảnh chân dung thuê bao một năm, ông Tuấn kết luận sẽ không lùi nhưng các nhà mạng cần thực hiện linh hoạt, không nên cứng nhắc, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.