Nói xấu qua mạng: Quá dễ
Sự lỏng lẻo trong quản lý các trang mạng internet tại Việt Nam đang khiến nạn nói xấu, bôi nhọ, thông tin sai sự thật ngày càng gia tăng
Những hành vi nói xấu, bôi nhọ, thông tin sai sự thật… nhằm hạ uy tín, danh dự người khác, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN)… gần đây xuất hiện càng nhiều. Tuy nhiên, công tác quản lý, chế tài các vi phạm còn nhiều bất cập khiến dư luận bức xúc.
Cần mạnh tay với nạn nói xấu, bôi nhọ trên các trang diễn đàn, mạng xã hội. |
Quản lý lỏng lẻo
Mới đây, ông Đinh Trọng Đỉnh, Giám đốc Công ty CP Taxi Trực tuyến (Hà Nội), cho biết trên một trang diễn đàn W. đã có nhiều bài viết nói xấu về chất lượng, phương thức phục vụ… của công ty ông. Nhưng khi bên ông vào đối chất, người tố cáo đã “lặn mất tăm” và Ban Quản trị (BQT) trang này cũng không giải quyết khiếu nại của công ty.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Châu Á Xanh (Hà Nội), cũng rất bức xúc vì trên trang diễn đàn này xuất hiện bài viết nói xấu về chất lượng sản phẩm kem trị mụn mới của công ty trong thời gian dài. Hậu quả từ việc bêu xấu này đã khiến Châu Á Xanh bị thiệt hại về doanh thu nặng nề. Ông Tuấn cũng cho biết có một số đối tượng nặc danh gửi thư tống tiền công ty, khi không được thì tung bài viết nói xấu trên diễn đàn mạng.
Nhiều ca sĩ, diễn viên vừa qua cũng “dở khóc dở cười” vì những trang Facebook giả mạo mình. Các trang Facebook “giả, dỏm” này không chỉ mạo danh hình ảnh của những người nổi tiếng mà thậm chí còn nói xấu, đăng tin đồn thất thiệt, quảng cáo, khủng bố tinh thần… khiến nhiều người phải mất ăn, mất ngủ.
Thông tư 14/2010/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông có các điều khoản nghiêm cấm các trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến thông tin sai sự thật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, DN, cá nhân. Cụ thể, theo quy định tại điều 4, các trang mạng xã hội phải có biện pháp kỹ thuật và quy trình quản lý để chủ động ngăn chặn và loại bỏ những nội dung thông tin vi phạm khi có phản ánh. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, gần đây nạn nói xấu, bôi nhọ, thông tin sai sự thật trên các trang mạng có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân cũng một phần do công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, chưa theo kịp diễn tiến phát sinh của hoạt động trên internet.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị cần mạnh tay thu hồi giấy phép các trang thông tin điện tử đăng tải những thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Tại khoản 6, điều 21 Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 đã quy định rõ các trường hợp thu hồi giấy phép của các trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, việc chế tài hiện nay đối với các hành vi vi phạm vẫn còn rất thấp, chưa tương xứng với mức độ và tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm.
Cần chế tài mạnh tay
Cách đây hơn 2 năm, sau khi phát hiện một bài viết “nói xấu” mình trên trang web otosaigon.com, Công ty Ô tô Phạm Gia đã khởi kiện trang web này. Tháng 5-2011, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã ký quyết định phạt 20 triệu đồng đối với trang web otosaigon.com vì chưa có giấy phép thành lập mạng xã hội và không quản lý, kiểm soát thông tin đăng tải, dẫn đến việc xuất hiện những bài viết vô căn cứ, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và có thể gây thiệt hại cho Công ty Ô tô Phạm Gia.
Theo luật sư Hậu, các cá nhân, DN bị xâm phạm cần có thái độ cứng rắn yêu cầu bên vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và xin lỗi công khai. Nếu các đối tượng vi phạm vẫn ngoan cố thì người bị hại nên khởi kiện. Việc im lặng cho qua sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm xem thường pháp luật và tiếp tục xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết một xã hội ảo đang ngày càng phản ánh toàn diện các hoạt động đời sống thật của mỗi cá thể ở mức độ tự do hơn, đã gây khó khăn, phức tạp hơn cho công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, cần có sự thống nhất về quan điểm và sự tham gia có trách nhiệm của các ban, ngành, tổ chức xã hội. Đến nay, dù hệ thống văn bản điều chỉnh các hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên internet đã được bổ sung, điều chỉnh nhiều nhưng thực tế vẫn còn bộc lộ những bất cập, chưa đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển và thiếu các quy định cụ thể để phân định rõ ràng, chính xác các hành vi vi phạm.
Theo Chánh Chung
Người Lao Động