Nơi nương nhờ của những cô gái nhẹ dạ

Chị T. đang được chuyên viên của trung tâm dặn dò những thông tin cần thiết trước khi chuyển dạ. Ảnh: Đào Phan.
Chị T. đang được chuyên viên của trung tâm dặn dò những thông tin cần thiết trước khi chuyển dạ. Ảnh: Đào Phan.
TP - Sau phút giây lầm lỡ, nhiều cô gái trẻ mang thai lâm vào tình cảnh cùng đường. Bị người yêu ruồng bỏ, không dám trở về với gia đình, họ tìm đến Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) để nhận sự sẻ chia và chăm sóc của các chuyên viên trong những tháng ngày sắp trở dạ.

Trong căn phòng trọ rộng chừng 15 m2, Nguyễn Thị T. (20 tuổi, quê ở Đắk Nông) ngồi xếp những bộ đồ trẻ sơ sinh chuẩn bị cho kỳ chuyển dạ vào cuối tháng sau. Một năm trước, khi đang học một trường cao đẳng trong Nam, T. đem lòng yêu một cậu sinh viên cùng khóa. Đến khi phát hiện mình có bầu tháng thứ ba, T. sợ hãi xin người yêu mau tổ chức đám cưới. Không ngờ anh ta một mực ép cô phá thai với lý do gia đình kịch liệt phản đối.

“Em nhất quyết giữ lại con.  Sau nhiều lần cãi cọ, anh ta chuyển đi chỗ khác và cắt đứt liên lạc với em từ đó. Ở trong ấy, em chẳng có ai thân thích cả, nhiều lần muốn về quê thú nhận sự thật nhưng lại không dám vì nhà em là gia đình truyền thống, mẹ là nhà giáo, bố thì đang bị tai biến, em nói tin sét đánh này liệu bố có chịu được không?” – T. khóc nghẹn.

Khi cái thai ngày một lớn, T. nghỉ hẳn việc học và ở lỳ trong phòng. Rồi T. lên mạng biết đến một dự án nhận chăm sóc, hỗ trợ những bà mẹ trẻ đơn thân ở Trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội Đà Nẵng. Khi cái thai ở tháng thứ bảy, T. bắt xe ra Đà Nẵng, gõ cửa trung tâm nhờ giúp đỡ.

Không để bỏ rơi trẻ em

Những ngày đầu ở căn nhà trọ do Trung tâm hỗ trợ, T. chẳng dám đi ra ngoài, chỉ biết thổ lộ vào những trang nhật ký ướt nhèm nước mắt. Các chuyên viên ở trung tâm đã đến chia sẻ, động viên để T. vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Khoảng một tháng sau, tâm trạng của T. dần ổn định. T. cho biết mình sau khi sinh xong sẽ đưa con về nhà thú nhận với cha mẹ. “Mình biết mình đã phạm lỗi tày trời nhưng mình sẽ về nói mọi sự thật cho gia đình và xin làm lại cuộc đời. Bố mẹ nào cũng thương con, dù có giận nhưng mình mong bố mẹ sẽ tha thứ” – T. nói.

Chị Trần Thị Hương, chuyên viên của Trung tâm cho biết, hầu hết những người tìm đến trung tâm đều lâm vào bước đường cùng và suy sụp tinh thần. Họ là những cô gái trẻ, trung bình từ 19-25 tuổi. Tiếp nối câu chuyện, chị kể về câu chuyện có hậu của thai phụ trẻ Mai Thị N. (19 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế).

Trong thời gian làm công nhân tại một khu chế xuất trên địa bàn Đà Nẵng, N. quen một anh xây dựng công trình gần chỗ trọ. Qua nhiều lần tiếp xúc, hai người nảy sinh tình cảm và “vượt rào”. Đến khi mang bầu, N. mới phát hiện người yêu đã có vợ con đề huề. Đau khổ, nhiều lần N. tìm đến cái chết nhưng bất thành. Chỉ khi được giới thiệu vào Trung tâm, N. mới vực dậy và đủ can đảm nói sự thật cho gia đình.

Nghe tin, mẹ N. xỉu ngay tại chỗ và nhất quyết không chấp nhận. Nhưng đến khi N. sinh con trai được hai tháng, gạt đi nỗi tức giận, gia đình N. đã bắt xe từ Huế vào Đà Nẵng để thăm con, đón hai mẹ con N. về nhà. Đến nay, con N. đã được gần một tuổi, cô cũng đã có một công việc ổn định để tự lo cho mình và con.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm, cho biết, chương trình hỗ trợ, chăm sóc những bà mẹ trẻ đơn thân mang bầu của trung tâm nằm trong dự án “Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do tổ chức Phục vụ trẻ em quốc tế (HOLT) Hoa Kỳ tài trợ từ đầu năm 2014. Theo đó, mỗi bà mẹ sẽ được HOLT hỗ trợ  bình quân 10 triệu đồng. Số tiền này, trung tâm dùng để hỗ trợ việc tìm chỗ trọ, khám thai định kỳ, chi phí ăn ở, sinh hoạt… đến tháng thứ hai sau khi sinh nở. Các trường hợp đến trung tâm đều là người từ địa phương khác đến.

Theo bà Hoa, khi đưa chương trình vào triển khai, nhiều người cho rằng trung tâm “vẽ đường cho hươu chạy”, tuy nhiên các thành viên quyết tâm đấu tranh đến cùng để dự án có thể thực hiện. “Khi các em đến đây đều có tâm lý khủng hoảng, nửa muốn bỏ đứa con, nửa day dứt. Nếu mình không cứu thì các em sẽ nghĩ quẩn mà vứt bỏ con, như vậy bà mẹ sẽ day dứt cả đời, nhiều đứa trẻ vô tội sẽ không biết mặt mẹ. Vì thế, bằng nhiều cách phải bố trí người ở bên để động viên các em, không để các em bỏ rơi con của mình khi còn quá nhỏ”.

Từ đầu năm 2014 đến nay, trung tâm đã giúp đỡ cho gần 20 trường hợp mang bầu đơn thân. Sau khi sinh con, phần lớn các bà mẹ đã đoàn tụ với gia đình hoặc chọn cách đơn thân nuôi con. Những trường hợp bà mẹ không có điều kiện nuôi, Trung tâm sẽ làm cầu nối đến những gia đình có nhu cầu nhận con nuôi hoặc gửi đến nhà chùa. Hiện tại, các bà mẹ đều đã tái hòa nhập xã hội và có việc làm”, bà Hoa cho biết

MỚI - NÓNG