Nỗi niềm không tên của 'nữ hoàng các bãi tắm'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trời hửng nắng nhưng cái se lạnh tháng 10 âm lịch vẫn còn lẩn khuất đâu đây sau những cơn gió bấc. Con đường bê tông nhỏ chạy dọc từ đầu thôn Thái Lai (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) đến sát con đê ven biển vắng vẻ đìu hiu. Những hàng quán xác xơ chỉ còn trơ lại những bảng hiệu là dấu ấn của những ngày tháng đông vui, ồn ào náo nhiệt. Những ngày mà hàng trăm lượt người từ khắp nơi tìm về vui chơi, tắm biển, ăn uống. Tất cả ngỡ như mới hôm qua…

Khi “nữ hoàng bãi tắm” đìu hiu

Cặm cụi bên góc bếp sát hiên, chị Lê Thị Hải, chủ quán Hoàng Yến (bãi tắm Thái Lai, xã Vĩnh Thái) ngạc nhiên khi thấy những vị khách lạ đi xe biển số ngoại tỉnh xuất hiện. Có lẽ cũng lâu lắm rồi chị mới trông thấy khách phương xa đi ô tô ghé xuống bãi tắm.“ Cả năm nay dịch nên cũng chẳng có ai đến. Mấy bữa nay tỉnh cho bán lại rồi nhưng mở ra rứa thôi chứ cũng không biết bán cho ai, vì có ai đi tắm biển nữa đâu. Họ sợ dịch nên không ai đi cả”.

Nỗi niềm không tên của 'nữ hoàng các bãi tắm' ảnh 1
Chị Lê Thị Hải, chủ quán Hoàng Yến (bãi tắm Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) tất bật nấu đồ ăn trưa cho các công nhân làm công trình gần đó trong bối cảnh quán nhậu vẫn chưa có khách trở lại.

Vừa hối hả tất bật với những mớ rau, mớ thịt trên bếp để chuẩn bị cơm trưa cho khách, bất chợt chị Yến dừng lại rồi đưa mắt nhìn về xa xăm:“ Khó khăn lắm chú ạ. Mới bình thường được một hai năm chi đó thì giờ dịch bệnh nữa nên chẳng thể bán buôn gì được, cứ phải đóng cửa liên tục”.

Quán nhậu không hoạt động nhưng mà sinh kế gia đình chị chưa đến nỗi “cụt đường” như bao hộ kinh doanh khác, khi gần đây chị “có mối” bán thêm cả đồ ăn sáng và cơm trưa cho cánh thợ xây đang thi công tuyến đê kè ven biển. Tuy vậy, mức thu nhập gọi là đủ duy trì cuộc sống chứ không thể bằng lúc xưa. “Ngày trước khi mùa cao điểm du lịch, thu nhập có ngày mười mấy hai chục triệu. Giờ chỉ bán cơm cháo vậy nói thực là chỉ đủ tiền điện nước, một ít tiền thuế, tiền môn bài thôi chú ạ. Nhưng may là năm nay người ta mới chỉ thu một nửa, một nửa còn lại dịch bệnh hàng quán đóng cửa nên mình xin khất lại. Bên ngành thuế họ cũng chưa thấy yêu cầu nộp lại”.

So với các địa phương khác, Quảng Trị chưa thật sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, những khách sạn cao tầng hay các khu resort lớn vẫn chưa xuất hiện nhiều để chiếm hết khoảng không gian ở những dải đất ven biển. Do vậy, cảnh vật nơi đây vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, mộc mạc như 20 năm trước. Nói như thế không có nghĩa là những bãi tắm ven biển Quảng Trị không ai biết đến. Cửa Tùng, Cửa Việt vẫn là 2 bãi tắm nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị được mệnh danh là “nữ hoàng của các bãi tắm”, nơi hàng ngàn người thường xuyên xuống đây mỗi ngày để tham quan ngắm cảnh, ăn uống, tắm biển trong mỗi dịp hè về. Nhưng đó là câu chuyện của hơn 2 năm về trước. Hai năm nay, dịch bệnh bùng phát, hai bãi tắm “nữ hoàng” gần như vắng khách, tiêu điều xơ xác.

Vừa quét xong những mớ dương liễu khô rụng rơi trước sân, chị Nguyễn Thị Thích, chủ quán Hải Dương, thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh thẫn thờ khi hay tin trong thôn vừa có người bị nhiễm COVID-19. Vậy là vừa mới được phép mở cửa trở lại ít hôm thì nay quán sắp sửa phải đóng trở lại. “Nói là mở cửa nhưng thực chất cũng chỉ mở ra cho có không khí vì kỳ thực chẳng có ai đi ăn uống trong cái lúc dịch vẫn còn ẩn hiện như này. Năm ngoái cũng còn bán buôn được ít hôm nhưng năm nay thì không bán được chi luôn. Người ta sợ dịch nên giờ có cho đi nhậu họ cũng không đi”, chị Thích thở dài.

Nỗi niềm không tên của 'nữ hoàng các bãi tắm' ảnh 2
Nhiều quán xá kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu bãi tắm Cửa Tùng lâu ngày vắng khách, bàn ghế không được dọn dẹp.

Thực ra, quán chị Thích anh Hùng không phải là trường hợp cá biệt ở khu dịch vụ ăn uống xung quanh bãi tắm Cửa Tùng này. Hàng chục quán xá ở đây đều như thế. Hàng tháng nay, dù không buôn bán mở cửa, anh chị cũng phải đóng hơn 1,2 triệu đồng tiền điện, và cả mấy trăm nghìn tiền thuê đất và tiền môn bài. Số tiền chưa phải lớn lắm nhưng trong thời điểm dịch bệnh khó khăn không làm ra tiền như thế này, đây cũng là một gánh nặng không hề dễ chịu với anh chị.

Nỗi niềm không tên của 'nữ hoàng các bãi tắm' ảnh 3
Các nhà hàng tại bãi tắm thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) tiêu điều xơ xác khi suốt nhiều tháng không có khách.

Chấp nhận và hy vọng

Từ bãi tắm Cửa Tùng, xe chầm chậm đi qua những thôn làng ven biển chạy dọc vào hướng bãi tắm Cửa Việt cách đó hơn 10km. Hai bên đường vắng lặng, thi thoảng lại có những đoạn dây dài chăng ra một đoạn phía trước lối vào bên trong làng để cảnh báo khu phong tỏa có dịch. Mới hơn năm trước, khi dịch còn chưa “về” đến, mỗi ngày có vài chục đoàn xe ô tô và người từ các nơi đổ xuống đây rồi tỏa ra đi khắp các thôn, các làng của xã Trung Giang và thị trấn Cửa Việt để hỏi mua đất sau khi hay tin một tập đoàn lớn về đầu tư dự án. Nhưng đến khi dịch bùng lên giữa năm nay, số người xuống đây đi xem đất chỉ còn lác đác.

Nỗi niềm không tên của 'nữ hoàng các bãi tắm' ảnh 4
Nhiều hàng quán tại bãi tắm Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) đã mở cửa trở lại nhưng không có khách.

Chị Khổng Thị Thuận, chủ quán Hải Thuận ở khu bãi tắm Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh kể, thời sự cố môi trường biển, quán của chị và mấy quán xung quanh vẫn còn làm ăn được. Chứ nay có dịch COVID-19 thì quán mở ra cũng không biết bán cho ai. “Thi thoảng có một, hai khách ghé quán ăn cơm trưa. Thực ra họ đến đi mua đất quá giờ rồi ghé vào ăn rứa thôi. Mấy năm trước khách quanh năm, chỉ cần có nắng là bán được, năm nay nắng cũng không ai dám về đây ăn uống”.

Vốn từng làm cán bộ hội phụ nữ tại địa phương nên chị Thuận nắm vanh vách các thông tin về bãi tắm Cửa Việt. Chị kể, dọc bãi tắm Cửa Việt có tổng cộng 42 hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, tuy nhiên đến giờ thì các quán đều chung tình trạng khó khăn như nhau. Đây phần lớn là những hàng quán được các hộ gia đình dựng lên từ những bãi cát hoang sơ hơn chục năm trước đây. Sau đó mỗi năm các hộ sẽ đóng tiền thuê đất và các thứ thuế liên quan khác cho chính quyền để duy trì hoạt động. “Tiền đóng thuế đất nay có khi còn nhiều hơn tiền mua đất nữa rồi. Mấy năm trước mỗi năm nộp 30-40 triệu đồng, chia thành 2 đợt trong năm. Năm nay dịch bùng phát nên gia đình có xin chỉ nộp 50 phần trăm thuế. Địa phương sau đi kiểm tra họ cũng xem xét rồi họ nói thì thôi lấy 50 của 50, tức là 1/4 phần trăm thôi”, chị Thuận nói.

Khi được hỏi về mong muốn của các hộ kinh doanh đối với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chị Thuận và một số chị em chủ quán sát bên thành thực nói rằng họ không mong đợi gì nhiều mà chỉ mong dịch sớm kết thúc để việc kinh doanh buôn bán được bình thường trở lại. “Thu nhập quán giờ không đủ tiền lương cho anh em bảo vệ nhưng may mà mấy năm trước cũng có tích lũy chút ít. Người miền Nam họ vẫn còn khó khăn hơn nhiều mà”, chị Thuận chia sẻ.

Chị Trần Thị Hồng, chủ quán Hồng Nghĩa nằm sát cạnh quán chị Thuận nói thêm: “Giờ dịch thì phải chấp nhận sống chung với dịch. Mấy chị cũng không đề xuất gì vì giờ mình đề xuất không có thì buồn, mà dịch khó thì khó cả nước rồi nên cũng thôi vậy”.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho biết:“ Tại xã Vĩnh Thái có 30 hộ kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm, nhưng đề xuất thì mới chỉ đề xuất bên ngành thuế để hỗ trợ thuế cho bà con. Thực ra các hộ này bị thiệt hại rất là nhiều. Trong khi các văn bản quy định của tỉnh cũng không nói rõ đối tượng được hỗ trợ. Xã cũng đã lập danh sách hơn 2 tháng nay nhưng chưa thấy hồi âm hay hỗ trợ cụ thể nào cho các hộ kinh doanh”.

Được biết, trước đó vào ngày 17/8/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản về việc tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tại quyết định này, tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục đề xuất, kiến nghị và triển khai thực hiện kịp thời các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng. Còn những nguồn lực quan trọng khác thì ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Do vậy, đối với các hộ kinh doanh dịch vụ bãi tắm ven biển, việc hỗ trợ sẽ gặp khó khi nguồn lực địa phương có hạn.

Tuy vậy, ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện tất cả các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Mục tiêu của tỉnh là không để người dân nào thuộc diện hỗ trợ mà không nhận được hỗ trợ. Các hộ dân có thể liên hệ với UBND địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể”, ông Nam thông tin.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.