Nỗi lo thất nghiệp nặng vai sinh viên năm cuối
> 5 tín hiệu “báo động” trong một cuộc phỏng vấn
> Vụ cưỡng hiếp lúc 8 giờ tối: hung thủ làm 'chuyện ấy' lần đầu
Câu chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp; thủ khoa loay hoay tìm việc làm, tốt nghiệp ĐH về quê làm công nhân; cử nhân đại học bán trà đá kiếm sống..." khiến những sinh viên năm cuối lo lắng không biết rồi mình sẽ đi đâu, về đâu.
Chấp nhận làm trái nghề
Trở thành sinh viên là mơ ước và niềm hạnh phúc của mỗi bạn trẻ bởi con đường đến với cổng trường ĐH không trải hoa hồng cho ai thiếu sự nỗ lực. Thời gian qua nhanh là nỗi ám ảnh về việc làm, lo toan cho ngày tốt nghiệp...
Bạn Phạm Thị Th (quê Hải Dương), sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Thương mại) chia sẻ: "Em chưa có dự định gì cho ngày ra trường dù năm nay học năm cuối. Giờ xin việc đúng ngành học khó lắm, về quê thì càng khó hơn vì bố mẹ làm ruộng, không có mối quan hệ nào để nhờ vả."
Vì vậy kế hoạch của Th là "bám trụ ở thành phố, xin được việc gì thì làm việc đó, rồi mới tìm được việc đúng ngành học…"
Còn L.T. Thịnh – sinh viên Trường ĐH Điện lực Hà Nội cũng có những băn khoăn khi bước vào năm học cuối: Mình học nghề điện, mong muốn được xin vào làm việc trong một công ty điện lực nhà nước nhưng hiện tại cũng chưa có định hướng cụ thể. Thôi thì chờ tốt nghiệp xong sẽ lo tìm việc vậy, mà dù trái ngành trái nghề cũng còn hơn là thất nghiệp.
Có thể thấy, hiện nay sinh viên tốt nghiệp ra trường đều rơi vào tình trạng “đem con bỏ chợ”, nhà trường không có trách nhiệm lo việc cho họ, nhu cầu của xã hội thì vẫn cần nhưng để việc tìm đúng người, người tìm đúng việc lại là cả một chặng đường khá gian nan, nhiều khi phải dùng đến “quan hệ” hoặc “tiền tệ” mới xong.
Còn nếu tự thân vận động thì để tìm được một công việc phù hợp với chuyên môn không thể là chuyện “một sớm một chiều”. Chẳng thế mà giờ đây rất nhiều sinh viên tốt nghiệp một, hai năm rồi vẫn làm những công việc chẳng liên quan đến 4 năm đèn sách.
Lãng phí
Hưng vốn là sinh viên khoa Công nghệ thông tin một trường ĐH dân lập, hiện làm môi giới nhà đất cho một doanh nghiệp bất động sản nhỏ ở Hà Nội cho biết: Mình làm nghề này từ năm cuối ĐH, giờ đã có thâm niên gần 2 năm với rất nhiều kinh nghiệm “xương máu”. Suốt ngày tính toán chuyện mua bán đất cát, tiền hoa hồng, tiền phí mối giới, đến giờ kiến thức chuyên ngành cũng quên dần mất rồi, có khi phải theo nghề này dài dài thôi.
Cũng giống Hưng, bạn Đ.T. Ngọc, sinh viên Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội đang chọn cho mình một hướng đi ngược với chuyên môn. Ngọc cho biết: Hồi mới thi vào trường ngành quản trị kinh doanh vẫn đang hot, nhưng giờ kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đều cắt giảm nhân viên, muốn tìm việc đúng ngành khó vô cùng.
Có lẽ nhận định được khó khăn của ngành học nên Ngọc đã tìm việc làm thêm trong lĩnh vực quảng cáo để có việc làm và thu nhập sau khi ra trường. Cũng là để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ ở quê chứ nuôi con ăn học mấy năm giờ lại nuôi con thất nghiệp nữa thì coi sao được, Ngọc tâm sự.
Quyết bám trụ thành phố
Thường tâm lý của sinh viên học tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đều muốn bám trụ lại đây vì nếu không tìm được việc đúng chuyên môn thì họ cũng có thể tìm được một công việc tạm thời nào đó để phục vụ cuộc sống hoặc tiếp tục học lên cao hơn. Học ngành Sư phạm thì có thể xin đi dạy ở các trung tâm, làm gia sư; học Quản trị kinh doanh thì xin vào làm ở những công ty truyền thông, quảng cáo, bất động sản, thậm chí có những bạn học sư phạm nhưng lại đi làm nhân viên kinh doanh, tiếp thị…
Bạn Văn, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng: Ở thành phố dù rất khó kiếm việc làm phù hợp nhưng nếu tìm một công việc tạm thời hoặc gần với chuyên ngành vẫn còn dễ hơn về quê.
Nhiều anh, chị cùng quê với Văn sau khi về quê không xin được việc làm phải đi làm công nhân trong các khu công nghiệp, vất vả mà thu nhập không cao, kiến thức chuyên môn không dùng đến còn bị mai một nên ngày càng thiếu tự tin khi đi xin việc. Nhiều bạn gái không xin được việc, rồi lấy chồng, sinh con, thế là mấy năm học ĐH cũng như không. Văn bảo: "Nhìn cảnh đó mình sợ lắm, thôi thì cứ lăn lộn bám trụ ở thành phố thêm vài năm, nếu ở quê có khả năng xin được việc làm thì mới về..."
Sinh viên và bài toán việc làm vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý và chính bản thân người trong cuộc. Câu hỏi đến bao giờ nền giáo dục nước ta sẽ không còn nghịch cảnh như hiện nay, đến bao giờ những sinh viên sau thời gian miệt mài đèn sách sẽ không phải ra trường với gánh nặng “thất nghiệp” trên vai vẫn còn là một ẩn số buồn.
Theo Đỗ Quyên
Vietnamnet