Nói 'không' với bằng tại chức: Cái lý của Đà Nẵng

Kỳ thi tuyển đại học chính quy vẫn nghiêm túc và sàng lọc khách quan hơn hệ tại chức. Ảnh: Hồng Vĩnh
Kỳ thi tuyển đại học chính quy vẫn nghiêm túc và sàng lọc khách quan hơn hệ tại chức. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sau khi đăng tải loạt bài Đà Nẵng nói 'không' với bằng tại chức, Tiền Phong nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Có người gọi đây là bước đột phá của một thành phố có tiếng năng động. Nhưng cũng có người nhìn nhận quy định của Đà Nẵng nặng về hình thức.

>> 'Nói không' với bằng tại chức: Không bỏ sót người tài

Kỳ thi tuyển đại học chính quy vẫn nghiêm túc và sàng lọc khách quan hơn hệ tại chức. Ảnh: Hồng Vĩnh
Kỳ thi tuyển đại học chính quy vẫn nghiêm túc và sàng lọc khách quan hơn hệ tại chức. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về chính sách không tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước của Đà Nẵng. Những người phản đối cho rằng, như vậy là phân biệt đối xử, cần phải để cho tất cả đối tượng được tham gia thi tuyển, ai có kết quả cao, có năng lực thì nhận. Đây là lập luận hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bối cảnh hiện tại, chính sách của Đà Nẵng không phải là không có lý.

Trước hết cần phải khẳng định rằng, với mỗi trường hợp cụ thể, học vấn tính bằng số năm ngồi trên ghế nhà trường hay hình thức đào tạo, trường đào tạo chẳng nói lên điều gì. Không ít vĩ nhân, người giàu hay giỏi nhất thế giới đã học hành không đến nơi đến chốn. Người giỏi nhất ở lớp tại chức chắc hẳn sẽ hơn sinh viên đứng bét lớp chính quy. Tuy nhiên, dưới góc độ chính sách cần nhìn vào số đông và thực trạng. Ở đây có hai điều đáng bàn.

Đầu vào nghiêm túc

Thứ nhất, xét về bình diện chung, khó phủ nhận sự vượt trội của khối chính quy so với các khối khác. Người học chính quy phải vượt qua kỳ thi đại học, một trong những kỳ thi nghiêm túc hơn cả và có sự sàng lọc khách quan. Sẽ không khó hình dung ra sự khác biệt giữa hai khối nếu trả lời câu hỏi, sẽ học chính quy hay các hình thức đào tạo khác nếu thi đỗ đại học?

Học là một hành trình đầy khổ ải. Chưa kể sự khác biệt của đầu vào, đối với một người, việc tập trung dùi mài kinh sử 4 hay 5 năm trong môi trường chính quy tập trung chắc hẳn sẽ tốt hơn khi cũng bỏ ra ngần ấy thời gian vào những chương trình mà áp lực không cao, và có thể là kiểu gì cũng tốt nghiệp.

Cứ so sánh công việc của người làm cán bộ ở lớp chính quy tập trung và lớp tại chức, nhất là chương trình liên kết ở các địa phương thì sẽ hiểu được việc học ở hai chương trình này khác nhau như thế nào. Hơn thế, đây không chỉ là vấn đề đáng báo động ở bậc đại học, mà còn ở bậc sau đại học khi mà có rất ít các chương trình được đào tạo chính quy tập trung.

Bất công với hệ tại chức nhưng… hợp lý

Thứ hai, sự khác biệt về chất lượng trên bình diện chung chỉ là một vấn đề, nhưng nghiêm trọng hơn là vấn đề tuyển dụng công chức. Cho dù đã có rất nhiều quy định, văn bản hướng dẫn, nhưng rất khó để nói quy trình tuyển dụng hiện nay khách quan. Không ít những người tốt nghiệp tại chức được nhận vào các cơ quan nhà nước, trong khi đó người tốt nghiệp loại giỏi chính quy lại đứng ngoài.

Tập trung dùi mài kinh sử 4 hay 5 năm trong môi trường chính quy tập trung chắc hẳn sẽ tốt hơn khi cũng bỏ ra ngần ấy thời gian vào những chương trình mà áp lực không cao, và có thể là kiểu gì cũng tốt nghiệp. 

Trong điều kiện bằng cấp (có lẽ trừ bằng chính quy) quá dễ kiếm và ai cũng biết rằng đậu hay rớt là do người ra quyết định thì làm sao có thể từ chối được lời nhắn gửi “Cháu nhà tôi bằng cấp đầy đủ, nhờ chú/cô xem xét giúp” của một nhân vật có ảnh hưởng nào đó. Lúc này, trường hợp bị mất việc vì có trình độ đại học như cô Trần Thị Diệu Hương là có thể giải thích được (người từng bị Sở Nội vụ Quảng Bình hủy quyết định trúng tuyển viên chức vì có trình độ đại học, cao hơn trình độ cao đẳng mà Sở duyệt trong đề án tuyển dụng).

Bộ máy của Nhà nước sẽ như thế nào nếu cứ để tình trạng như vậy tiếp tục xảy ra? Làm sao một cơ quan nhà nước có thể làm tròn chức trách của mình khi mà trong tổ chức có không ít người không làm được việc nhưng quyền có khi lại to hơn cả thủ trưởng? Cần phải làm gì đó để ngăn chặn tình trạng này. Phải có một cái cớ chính đáng để từ chối. Chính sách của Đà Nẵng có thể là một cách thức tốt trong tình thế hiện nay.

Xét cho cùng, đối với một người thân cô thế cô, không có tiền, nếu không học hành tử tế thì rất khó chen chân vào chốn công quyền, cho dù có chính sách nêu trên hay không. Nhưng chính sách của Đà Nẵng có thể sẽ tạo thêm cơ hội cho những ai thân cô, thế cô nhưng học hành tử tế và giúp tăng số người làm được việc, giảm đi trường hợp “khó xử” trong các cơ quan nhà nước.

Tóm lại, không thể phủ nhận, đối với người tuy học tại chức nhưng có khả năng thực sự, đây là một chính sách bất công. Tuy nhiên, một chính sách giúp giảm thiểu những điều phi lý cản trở sự phát triển của xã hội thì nên được ủng hộ, cho dù nó chưa hoàn hảo và vẫn tạo ra một số vấn đề khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).