Nơi hội tụ những trái tim biển đảo

Lễ thượng cờ tại Lý Sơn, một trong những hoạt động quan trọng trong những ngày diễn ra giải chạy Ảnh: Hồng vĩnh
Lễ thượng cờ tại Lý Sơn, một trong những hoạt động quan trọng trong những ngày diễn ra giải chạy Ảnh: Hồng vĩnh
TP - Trong một năm mà dịch bệnh COVID-19 tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, thể thao thì giải VĐQG Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 61 năm 2020 tổ chức tại đảo Lý Sơn trở thành một điểm nhấn đặc biệt về nhiều mặt. 

Năm 2020 là năm Tiền Phong Marathon có nhiều cột mốc mang tính đột phá chưa từng có trong quá trình 61 năm lịch sử hình thành và phát triển. Đây là mùa giải đầu tiên mà Tiền Phong Marathon chính thức mang tên giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong. Trước đây, giải mang tên là Giải việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong. Điều này đồng nghĩa nhà vô địch cự ly nào ở giải chạy báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon) cũng là nhà vô địch quốc gia ở cự ly đó. Những cá nhân xuất sắc của giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài có nhiều cơ hội được tuyển chọn đại diện quốc gia thi đấu ở các giải điền kinh lớn trong khu vực và châu lục như SEA Games, ASIAD.

Lan tỏa Lễ thượng cờ trang nghiêm, xúc động

Với tinh thần “Chạy vì biển đảo quê hương”, giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong đã thu hút sự tham dự của hàng nghìn vận động viên từ khắp mọi miền đến với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Lễ thượng cờ tại Lý Sơn, một trong những hoạt động quan trọng trong những ngày diễn ra giải chạy, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các vận động viên tham gia. Vận động viên Tiểu Phương (TPHCM) cùng nhóm chạy của mình đặt may 6 chiếc áo cờ Việt Nam để mặc trong ngày đua. Chị Nguyễn Thị Thanh Bình (Hà Nội), người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam hiện nay chạy marathon, hãnh diện chạy 42km trong tà áo dài in hình cờ Tổ quốc.

Được tới hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, được hát quốc ca dưới lá cờ đỏ sao vàng tại cột cờ trên đỉnh núi Thới Lới và chạy marathon trên hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió, nơi khẳng định chủ quyền như Lý Sơn là mục tiêu của rất nhiều người khi quyết định đăng ký Tiền Phong Marathon.

Trên đỉnh Thới Lới, nơi cao nhất đảo Lý Sơn, 34 chiến sĩ thuộc 3 lực lượng hải quân, biên phòng và cảnh sát biển đã rước lá cờ Tổ quốc lên cột cờ chính, trong tiếng quân nhạc hùng tráng để thực hiện nghi thức kéo cờ Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng rộng 300m2, đủ lớn để có thể phát hiện từ vệ tinh viễn thám, tung bay kiêu hãnh trong gió tạo nên cảm xúc vô cùng tự hào về quê hương đất nước trong lòng những người con mang dòng máu Việt, dù ở bất kỳ đâu.

Hình ảnh các chiến sĩ và vận động viên đứng kề bên nhau trang nghiêm, đặt tay lên ngực hát vang quốc ca và chào cờ Tổ quốc đã lay động tới hàng triệu trái tim người Việt Nam, đồng thời truyền lửa, tiếp thêm sức mạnh cho những người lính đang canh gác ngày đêm nơi biên cương, biển đảo. Video livestream buổi lễ thượng cờ trên đỉnh Thới Lới với hơn 115.000 lượt xem phần nào nói lên sự đồng lòng hướng về Lý Sơn của các vận động viên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Chung tay vì biển đảo quê hương

Thông điệp “Chạy vì biển đảo quê hương” của giải Tiền Phong Marathon 2020 - Lý Sơn đã khơi dậy lòng yêu nước, yêu đồng bào, lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đi trước đã hi sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất quê hương nơi hải đảo xa xôi. Tại “vương quốc tỏi” Lý Sơn, BTC Tiền Phong Marathon cùng các nhà tài trợ tới thăm, động viên các trưởng tàu và thuyền viên ở cảng cá An Hải, trao tận tay mỗi tàu một tủ thuốc y tế và lá cờ Tổ quốc. Tổng cộng đã có 200 tủ thuốc y tế và 3.000 lá cờ được trao cho các ngư dân. Bên cạnh đó, BTC cũng thăm hỏi, tặng quà các đơn vị quân đội, công an trên đảo. Các cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng trên đã hỗ trợ rất tích cực để BTC có thể hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài lần đầu tiên thành công.

Nơi hội tụ những trái tim biển đảo ảnh 1 Hoàng Thị Ngọc Hoa (Bình Phước) giành chức vô địch marathon nữ - Ảnh: Như ý

Không chỉ có BTC, một số nhóm vận động viên bằng nhiều hình thức khác nhau đã tìm cách hỗ trợ các gia đình khó khăn ở trên đảo. Chị Cao Thanh Thủy Nguyệt Hằng, một trong các vận động viên giành giải Nhất nhóm tuổi, đã đóng góp số tiền thưởng của mình với những người bạn mua các món quà thiết thực ủng hộ Lý Sơn như một cách tri ân đến người dân thân thiện, mến khách nơi đây.

Nếu những bước chạy của hàng ngàn vận động viên vượt qua thử thách ở đảo Lý Sơn như một cuộc biểu dương sức bền bỉ, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam trước muôn vàn khó khăn thì 3.000 lá cờ Tổ quốc mà BTC tặng ngư dân Lý Sơn như một hành động tiếp sức cho các ngư dân vững tin vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ý nghĩa đó đã đưa Tiền Phong Marathon - Lý Sơn vượt khỏi phạm vi một cuộc thi thể thao đơn thuần để trở thành một ngày hội đoàn kết của những trái tim hướng về biển đảo quê hương.

Tiền Phong Marathon, lập kỷ lục số lượt xem

Việc tổ chức giải một giải chạy marathon ở đảo xa đòi hỏi sự đầu tư tốn kém cả về nhân lực, vật lực lớn hơn rất nhiều so với việc tổ chức trên đất liền, nhất là trong bối cảnh phải đảm bảo an toàn, công tác phòng chống dịch được ưu tiên hàng đầu. Tuy vậy, ban tổ chức (BTC) giải đã quyết tâm thực hiện đến cùng với mong muốn truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng như lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc tới mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Sự tâm huyết của BTC và đội ngũ tình nguyện viên đã được đền đáp bằng sự hài lòng của các vận động viên tham gia. Buổi tường thuật livestream với ba bình luận viên đồng thời là các runner dày dạn kinh nghiệm trên website (http://tienphong.vn) và fanpage của báo Tiền Phong đã thu hút số lượt theo dõi kỷ lục, ấn tượng nhất từ trước đến nay. Video xem trực tiếp livestream đã đạt được tổng cộng hơn 250.000 lượt xem, trong đó có thời điểm gần 2.000 người xem cùng một lúc. Con số này cao gấp hơn cả chục lần so với các giải điền kinh hay marathon khác trong nước được tường thuật trực tiếp. Thậm chí, sức hấp dẫn của Tiền Phong Marathon 2020 có thể sánh được với môn thể thao “vua” ở một số trận bóng đá tại giải quốc nội. 

Cung đường chạy Lý Sơn được các vận động viên đã tham gia đánh giá là một trong những đường chạy marathon đẹp nhưng khắc nghiệt nhất Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Nắng gắt, gió mạnh và những con dốc của đường chạy trên hòn đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi đã làm hao tổn sức lực, thậm chí “hạ gục” nhiều chân chạy danh tiếng trong làng điền kinh cũng như trong giới chạy bộ phong trào.

Video livestream buổi lễ thượng cờ trên đỉnh Thới Lới với hơn 115.000 lượt xem phần nào nói lên sự đồng lòng hướng về Lý Sơn của các vận động viên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

MỚI - NÓNG