Nôi êm của phụ nữ Việt ở Berlin

Chị Loos Nguyễn Thị Hoài Thu được nhận Bằng Khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tháng 11/2013 tại Hà Nội. Ảnh: Bích Ngọc
Chị Loos Nguyễn Thị Hoài Thu được nhận Bằng Khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tháng 11/2013 tại Hà Nội. Ảnh: Bích Ngọc
TP - Chị Loos Nguyễn Thị Hoài Thu vừa về Hà Nội dự Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài cuối tháng 11/2013. Hội nghị có hàng trăm đại diện phụ nữ Việt ở 28 nước trên khắp thế giới. Tham luận vo 5 phút của chị đủ ấn tượng. Nhưng ít ai biết rằng phía đằng sau chị, VINAPHUNU, một tổ chức dành cho phụ nữ Việt tại Berlin, Đức, đã tạo chiếc nôi văn hóa tri thức cho phụ nữ Việt xa xứ.

Hai mươi ba năm ấy biết bao nhiêu tình

Thành lập năm 1991, VINAPHUNU là tổ chức của phụ nữ Việt Nam và dành cho phụ nữ Việt ở Berlin. Đây là nơi giải quyết kịp thời giấy phép cư trú, hôn nhân, đoàn tụ gia đình, li dị…; nâng cao kiến thức về Luật cho phụ nữ Việt và gia đình của họ. Ở đây, chị em Việt được dạy tiếng Đức để tiếp cận nền văn hóa, bản địa. Con em họ được trau dồi tiếng Việt. 

Một hình thức chuyển tải rất uyển chuyển mà VINAPHUNU chọn đó là loại hình múa. Nhóm múa lập nên đã biểu diễn khắp thế giới, tạo cho các thành viên tự tin, mạnh mẽ, kiên nhẫn, chăm chỉ và có thẩm mĩ văn hóa lành mạnh. Các thành viên của nhóm giờ đã là những tiến sĩ, thạc sĩ, kĩ sư hay có ngành nghề ổn định khắp các nước Anh, Bắc Anh, Singapore, Mỹ, Trung Quốc…

Công việc nhiều, lượng khách tham gia mỗi sự kiện tới hàng trăm lượt người, chị Hoài Thu cùng bạn bè điều hành băng băng. Ở chị luôn toát lên một nguồn năng lượng mạnh mẽ truyền cho người đối thoại. Vốn dân Hà Nội gốc, nhưng VINAPHUNU dành cho tất cả những phụ nữ Việt đến từ ba miền. 

Tổ chức này được đoàn thể ở Đức công nhận và ghi nhận. Sành ăn, chị rất chú trọng tới lớp nữ công gia chánh. Chị đứng bếp để mời mọi người thử những món bún thang, bún chả, bánh giò, nem cuốn… nhiều món ăn Việt cần sự kì công, khéo léo và cả cái tâm của người đứng bếp nữa.

Gắn kết con người xa xứ vốn đã khó, nhất lại là phụ nữ, chị Hoài Thu khéo thu xếp để họ tự tìm đến với tổ chức, tự hiểu nhau. Các thành viên nhiệt tình đến buổi tham luận, hội thảo về những đề tài thời sự. Họ thấu hiểu, khám phá S. Dalí, M. Chagal, Van Gogh qua những lần tham quan các phòng tranh tại Berlin… xem những bộ phim mới, hay tham gia sự kiện văn hóa lớn hàng năm như LHP Berlinale, Đại vũ hội hóa trang…

Năm nào chị cũng tổ chức cho một nhóm người đi du lịch nhiều nước, ngoài Đức, và trở về cội nguồn - nước Việt. Dịp để các phụ nữ Việt được mở mang kiến thức, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, đất nước, con người, phong tục tập quán. 

Năm 2010, nhóm của chị Hoài Thu đã có chuyến xuyên Việt từ biển lên rừng, từ Nam ra Bắc. Chị Thu cho hay, chuyến đi là một kỉ niệm khó phai mờ trong lòng tất cả thành viên của hơn hai chục người cả Đức lẫn Việt.

Mười ngàn đầu sách trong thư viện nhỏ

VINAPHUNU được đặt nền tảng khi bức tường Đông Đức vừa sụp đổ. Ấn tượng và đằm thắm nhất chính là gian phòng thư viện gồm hơn mười ngàn đầu sách của chị. “VINAPHUNU có thể nói là thư viện tiếng Việt lớn vào bậc nhất cuả Đức, với 10.000 ấn bản, phân loại chuyên nghiệp, phong phú và luôn được cập nhật hoá, đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức của phụ nữ Việt Nam, làm hành trang tốt cho sự hội nhập” - chị Thu chia sẻ trong tham luận của mình hôm 19/11 tại Hà Nội. 

Nôi êm của phụ nữ Việt ở Berlin ảnh 1

Thư viện của CLB VINAPHUNU ở Berlin, Đức

Thư viện gồm sách, truyện, tạp chí, videos bằng tiếng Việt, chưa kể tủ sách tiếng Đức cho chính một gia đình người Đức yêu mến Việt Nam đã tặng lại cho thư viện.

Hơn 9 năm làm việc tại thư viện Viện Khoa học Xã hội, TPHCM, chị Hoài Thu rất có kinh nghiệm trong việc lựa chọn sách về phục vụ tại thư viện. Gia đình, bạn bè chị cũng làm nghề có liên quan tới sách, nên cũng là trợ lực lớn giúp chị “lấp đầy” bốn tường nhà sách là sách, ngay ngắn, cao từ sàn tới trần nhà. 

Năm nào cũng tổ chức trở về cội nguồn - nước Việt. Một kỉ niệm khó phai mờ trong lòng tất cả thành viên.

Chị Thu cho hay

Chú ruột chị - Giáo sư Nguyễn Hoàng Tuyên, bạn bè ở Viện Văn, Bích Ngọc, đều tất tưởi lo mua sách, đóng gói và gửi sang Đức giúp chị. Gần 2-3 năm nay, chị Thu chọn sách trước qua e-mail và sách sẽ được bạn bè mang giúp dần. Những cuốn sách Việt đến được tay người đọc ở Berlin quả là sự kì công của những tấm lòng. Sách chu du tới Tiệp, Pháp, Áo, Tây Đức nằm ở đó vài tháng rồi mới đến Berlin - thư viện của chị .

Năm 1999, chị được tiểu bang Berlin trao tặng danh hiệu Người Phụ nữ Berlin xuất sắc. Năm 2001, Tổng thống Đức tưởng thưởng Huân hiệu Huân chương Công trạng của CHLB Đức. Tại Hà Nội, chị Loos Nguyễn Thị Hoài Thu được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Bằng khen cho những người Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. 

Chị Hoài Thu thú nhận là một người quí trọng, yêu, nghiện đọc, nghiện sách. Là một người tư vấn xã hội, công việc soán hết thời gian, cần thêm những khoảng lặng cho cá nhân, vì thế, chị có niềm an ủi là chú mèo MauMau mỗi khi đêm về. Rảnh rỗi chị cắm một bình hoa thật đẹp, ngắm thiên nhiên và đọc sách là điều không thể thiếu ở một người theo chủ nghĩa duy mĩ như chị.

“Đọc như hít thở để sống vậy”, bởi vậy chị có thể khóc với số phận nhân vật, hay rưng rưng trước một tứ thơ hay. Không áp đặt, không khiên cưỡng, đơn thuần chị Hoài Thu chỉ giới thiệu sách cho các thành viên câu lạc bộ. Tùy nhận thức, gu của mỗi người, chị động viên và để họ đọc từ từ, tự nâng cấp độ đọc. Dần dần, các thành viên sẽ thích đọc và yêu sách rồi thì đọc sách như nhu cầu tự thân trong đời sống tinh thần của họ.

Nhận và cho

Những hoạt động hội nhập của thư viện của VINAPHUNU đã đóng vai trò lớn lao trong việc nâng cấp kiến thức, nhận thức của mỗi thành viên. Sách vở cho họ vươn tới cái đẹp, hoàn thiện… 

Du lịch khắp nơi cho họ thấy được đất nước con người, thẩm chân giá trị thiện mỹ. Tranh thủ về dự Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên năm 2013, lần này, chị Thu cũng tới thăm trường trẻ em khiếm thính Nguyễn Đình Chiểu. Dành thời gian nghe hát, đọc truyện từ chữ nổi, xem chúng học, chơi và tặng hoa các thầy cô giáo đúng dịp 20/11.

Ban đầu, họ đến với tổ chức CLB chỉ để nhằm được giúp đỡ, học hỏi, yêu thương. Giờ đây chính các thành viên là người đứng dậy chủ động làm công tác từ thiện cho nhiều người trên toàn thế giới. Các thành viên còn giúp trẻ em nghèo ở Đông Hà, Quảng Trị đến trường, trẻ em khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội có máy giặt, đài nghe. Trẻ em bụi đời ở Bồ Đề đạo tràng Ấn Độ có cơ hội đi học.

Tết, dịp lễ lớn VINAPHUNU cũng có triển lãm Tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Đèn lồng Hội An, Sơn mài Việt Nam, tranh ảnh của các họa sỹ, nhiếp ảnh gia, nhạc cụ Dân tộc của Việt Nam… biểu diễn và giới thiệu các loại hình nghệ thuật VN như chèo, tuồng, cải lương, quan họ, hầu bóng, đàn bầu, đàn tranh, múa sạp… Hằng năm, Tết khách mời là 250-300, còn dịp đại lễ như kỉ niệm thành lập VINAPHUNU năm chẵn là 700-800 khách.

MỚI - NÓNG