Nội dung mới trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp Lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp Lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
TPO - Pháp lệnh lần này đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.

Ngày 31/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Pháp Lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hôm 9/12. 

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Pháp lệnh đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư.

Ban Bí thư xác định chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân phải được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Pháp lệnh 2020 mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao Chính phủ quy định cụ thể điều này.  

Bên cạnh đó, Pháp lệnh mới đã bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân. Qua đó, mở rộng đối tượng người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975. Đồng thời, mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc là người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng. 

Thứ trưởng Thanh cho hay, Pháp lệnh năm 2020 bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống. Theo quy định tại Pháp lệnh, đối tượng này được hưởng trợ cấp hàng tháng và bảo hiểm y tế. 

Pháp lệnh lần này cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng, nhất là với thời kỳ đất nước hòa bình.

Cụ thể, Pháp lệnh 2020 quy định cụ thể đối tượng được công nhận là liệt sĩ, thương binh như: đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội; do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục của Chính phủ quy định; trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm. 

Đối với bệnh binh, Pháp lệnh mới quy định chỉ xem xét công nhận trường hợp bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mà tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với các cháu bị dị dạng, dị tật theo hướng có thể áp dụng chính sách bảo trợ xã hội đặc thù. 

Cùng với đó, Pháp lệnh 2020 cũng quy định mức trợ cấp hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn.

MỚI - NÓNG