Nỗi đau mùa hoa phượng

Nỗi đau mùa hoa phượng
TP - Mùa hè là chuỗi ngày êm đềm mà rất nhiều đứa học sinh cuối cấp giữ trong lòng để sau này kể cho nhau nghe về những kỉ niệm đẹp. Còn với tôi, không hẳn là như vậy, tôi đã từng có một mùa hè, mùa thi với nỗi đau đầu đời của đứa con gái mới lớn…
Nỗi đau mùa hoa phượng ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, những đứa con gái được học hết cấp ba như tôi là một điều hiếm hoi trong làng. Nhà tôi cũng nghèo như bao nhà khác.

Mùa thi lại trùng vào mùa gặt lúa nên việc học với tôi lại càng khó khăn hơn. Những năm học trước tôi có thể vừa học vừa làm nhưng năm đó tôi đã học lớp mười hai nên càng những ngày cuối cùng của năm học tôi càng bận bịu với đống bài vở, đề cương, thi cử…

Cha tôi là giáo viên, ngày cha còn sống luôn mong tôi học hành chăm chỉ nên mẹ tôi rất hiểu, mẹ muốn tôi tiếp tục theo con đường học của cha để không hổ thẹn với vong linh cha. Tôi vì thế mà thương mẹ nhiều hơn và quyết chí theo học cho đến cùng. Năm học cuối cấp, giấc mơ vào đại học đang đến gần với tôi hơn…

Từ nhà tôi đến trường phải đạp xe hơn mười cây số. Mùa hè, trời nắng chang chang lại học cả ngày, mẹ thương tôi vất vả vì mỗi ngày phải đi đi về về gần năm mươi cây số nên mẹ quyết định chuyển tôi lên ở nhà bác ruột (chị gái của mẹ) trong thị trấn cho tiện đi lại và cũng đỡ vất vả hơn.

Nhà bác tôi rất rộng lại chỉ có hai bác, các anh chị tôi đã đi làm ăn xa cả. Tôi được toàn quyền sử dụng căn phòng rộng rãi trên gác hai. Hàng ngày bác gái phải dậy từ bốn giờ sáng để đi lấy hàng về chợ bán, hôm nào bác cũng gọi tôi dậy để học.

Bác trai dậy muộn hơn, thường là sáu giờ sáng, sau đó bác mua đồ ăn về nhà, hai bác cháu cùng ăn, tôi đi học còn bác thì đi làm. Tôi thấy mình thật may mắn…

Một ngày, bác gái cũng dậy sớm đi lấy hàng; còn bác trai vẫn mua đồ ăn sáng cho tôi. Nhưng khi vừa ăn xong bát bánh đa bác trai mua cho thì tôi thấy đầu óc mình quay cuồng, tôi lảo đảo…

Trong cơn mê, tôi thấy rõ ràng bác trai bế xốc tôi vào căn phòng của hai bác nhưng tôi quá yếu ớt để có thể phản kháng lại… Khi tỉnh dậy, trên người tôi không một tấm vải che thân và tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình.

Ông bác dê già quý hóa của tôi đã cướp đi đời con gái khi tôi tròn mười tám tuổi. Tôi khóc và tủi cho phận mình. Tôi ôm quần áo về phòng và ngồi lì trong đó đến tận sáng hôm sau. Chỉ tội cho bác gái tôi tưởng tôi mải học hành bận rộn nên mang đồ ăn lên tận phòng.

Thái độ ân cần của bác gái càng làm tôi căm tức ông bác dê già khốn nạn. Nhiều người khen bác tôi có người chồng tử tế và chính bác cũng tự hào về điều đó. Vậy mà… người chồng tử tế của bác đã dùng thủ đoạn hèn hạ để cướp đi đời con gái của tôi.

Đã thế tối đến khi lão về đến nhà vẫn tỏ thái độ bình thường như không có chuyện gì xảy ra làm tôi tức muốn chết.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi đi đến một quyết định đó là chuyển về nhà mình ở để yên tâm học hành. Dù một ngày tôi có phải đi về gần năm mươi cây số còn hơn là phải đối mặt với lão dê già.

Tôi nhẹ nhàng nói chuyện với mẹ và bác gái tôi: “Từ nhỏ đến lớn con chưa xa nhà lần nào nên chưa quen, mẹ cho con về nhà ở. Chứ ở đây hai bác rất tốt với con nhưng đêm nào con cũng nhớ nhà không học được”.

Nằn nì mãi cuối cùng tôi cũng được về nhà. Hàng ngày tôi vẫn đạp xe đi học. Tôi nhớ lúc đó chỉ cách kì thi tốt nghiệp THPT hơn chục ngày. Vốn là một đứa con gái bản lĩnh nên tôi đã gạt được chuyện đó sang một bên và quyết chí học.

Niềm vui đỗ đại học khiến tôi dần quên đi nỗi đau… Nhưng áp lực căng thẳng mùa thi đã qua rồi mà tôi vẫn chưa thấy mình có kinh trở lại. Linh cảm của người con gái cho tôi thấy điều tồi tệ đã xảy ra.

Một lần nữa tôi âm thầm lên thành phố giải quyết hậu quả. Hôm trước khoác chiếc áo dài của cô tân sinh viên thì hôm sau tôi nằm trên băng ca của một bệnh viện phụ sản….

Giờ đã là sinh viên năm thứ tư rồi nhưng tôi vẫn chưa thể yêu ai, phần vì mặc cảm mình không còn trong trắng, phần vì nỗi đau xưa vẫn còn đó mỗi khi mùa phượng về…

Phương Thảo (Hải Phòng)

MỚI - NÓNG