Nồi cháo hoàn lương

Nồi cháo hoàn lương
TP - Nắp thùng cháo vừa mở, mùi thơm tỏa khắp xung quanh. Đó không chỉ là mùi thơm của gạo, xương, thịt, mà đâu đó còn có hương thơm, hơi ấm của tình người, xua đi sự lạnh lẽo của ốm đau, bệnh tật ở nơi này.

> Đứng dậy từ Hố Sâu
> 'Đại ca' khét tiếng một thời và sự đổi đời đáng nể

Hơn 2 năm nay, nồi cháo miễn phí của nhóm Hướng thiện, những người một thời lầm lỗi nay hoàn lương đến với những em bé ở khoa Nhi, bệnh viện K (cơ sở 2 Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội).

Mưa gió, lụt lội vẫn nấu cháo

Trời xế chiều, tôi gặp vợ chồng anh Đỗ Minh Hòa (trưởng nhóm Hướng thiện) lúc họ đang nấu cháo để mang tới bệnh viện. Hơi nóng của nồi cháo tỏa lên, nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán anh chị, mới thấy được tấm lòng họ dành cho những bệnh nhân nghèo.

“Nhóm anh nấu cháo miễn phí cho các trẻ em ở Viện K (cơ sở 2 Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) được hai năm. Chọn tên nhóm Hướng thiện vì bọn anh đều là những người một thời lầm lỗi phải tù tội, nay hoàn lương, muốn làm việc thiện giúp đời. Nhóm kết hợp với Tổng cục 8 (Bộ Công an) trong chương trình “hòa nhập cộng đồng”, anh Hòa chia sẻ.

Không muốn nhắc về quãng thời gian lạc lối, anh Hòa tâm sự: “Chuyện xưa đã qua rồi, giờ mình đã là doanh nhân thành đạt, muốn làm việc thiện giúp đời. Nhóm gồm 20 thành viên, mỗi tuần nhóm phát cháo hai lần vào chiều thứ 3 và thứ 7”.

“Ai là người đề xuất ý tưởng nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo?” Tôi hỏi. Chị Phạm thị Lan Hương, vợ anh Hòa vừa nấu cháo vừa cười bảo: “Đó là ý tưởng của chị”.

Năm 2011, chị Hương vào Bệnh viện Đa khoa Saint Paul (Hà Nội) trông mẹ chồng ốm gần một tháng. Ở đó thấy có rất nhiều người ngoại tỉnh, nhà lại nghèo đến nằm viện điều trị, có người phải nằm mấy tháng trời, khó khăn đủ bề, không chỉ tiền thuốc thang mà cơm cháo hàng ngày cũng là gánh nặng với họ. Thấy thương, chị về bàn với chồng, được anh nhiệt tình ủng hộ. Vợ chồng anh Hòa cùng nhau nấu cháo mang tới bệnh viện cho những bệnh nhân nghèo. Về sau anh Hòa rủ thêm bạn cùng cảnh lập nhóm Hướng thiện phát cháo miễn phí cho các em nhỏ ở khoa Nhi, Bệnh viện K.

Người nấu chính là chị Hương. Thứ 3 và 7 hàng tuần, chị và nhân viên đi chợ, nhóm lò ninh cháo. Mỗi nồi cháo được nấu từ 4,5 kg gạo tám thơm, 2 kg thịt thăn, hành khô. Lúc đầu chị Hương cho thêm cà rốt, khoai tây nhưng nhiều bệnh nhân không thích ăn nên chị nấu theo khẩu vị của người bệnh. Nấu xong, cháo được cho vào thùng cách nhiệt, chở tới viện.

Anh Hưng, thành viên trong nhóm chia sẻ: “Mới đầu, bọn anh chạm trổ đầy mình nên đến phát cháo mọi người còn ngần ngại. Nhưng sau người bệnh thấy thái độ phục vụ chu đáo, cháo ngon nên nhiều người bảo cứ trông đến ngày để ăn cháo nhóm Hướng thiện mang tới. Mỗi khi nghe bệnh nhân khen: “Cháo của Hướng thiện là ngon nhất”, cả nhóm đều xúc động. Dẫu trời mưa gió, lụt lội đến mấy, nhóm vẫn mang cháo đến bệnh viện vì biết có nhiều bệnh nhân đang chờ mình, nhóm không muốn thất hứa, dù chỉ một lần”.

Sống đâu chỉ cho riêng mình

Vợ chồng anh Hòa, chị Hương nấu cháo cho các bệnh nhân nghèo
Vợ chồng anh Hòa, chị Hương nấu cháo cho các bệnh nhân nghèo.
 

 “Múc cháo cho những bệnh nhân nghèo, thấy họ đón nhận, trân trọng bát cháo, nở những nụ cười thật tươi quên đi cảnh đau ốm bệnh tật của bản thân, mình cũng thấy ấm lòng. Làm việc nhỏ thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn”.  

Anh Đỗ Minh Hòa, trưởng nhóm Hướng thiện

Chiếc ô tô sang trọng đỗ trước sân khoa Nhi, Bệnh viện K tại cơ sở Tam Hiệp (Hà Nội). Hai người đàn ông mở cốp, khênh thùng cháo đặt lên bàn. Nắp thùng cháo vừa mở, mùi thơm ngậy của hành, thịt tỏa ra. Anh Hưng đi dọc hành lang của các phòng bệnh để thông báo cho người nhà bệnh nhân ra lấy cháo. Chị Hương, anh Hưng không ngơi tay múc từng ca cháo vào bát nhựa, cặp lồng đang đưa ra chờ đợi. Khoảng 20 phút, thùng cháo hết veo.

Bà Phạm Thị Quyên, quê ở Ninh Bình, cầm bát cháo nóng trên tay, nở nụ cười hiếm hoi khi cháu bà mắc bệnh phải chạy chữa dài ngày. Bà chia sẻ: “Cháo của mấy anh chị nhóm Hướng thiện ngon lắm. Hôm nay họ đến muộn hơn mọi ngày nhưng tôi vẫn chờ, mua cháo ở ngoài vừa đắt lại không ngon bằng”.

Em Nguyễn Phương Thảo, học lớp 7 cũng cầm bát ra lấy cháo cho anh trai mình. Em cười bảo: “Mấy cô chú ấy thật tốt, mang cháo cho anh trai cháu ăn mà không nhận tiền. Cháu cám ơn các cô chú ấy thật nhiều”.

Anh Hưng vừa múc cháo cho bệnh nhân vừa chia sẻ: “Khi san sẻ cho bệnh nhân được bát cháo, giúp họ có thêm sức khỏe để chống lại bệnh tật, mình thấy nhẹ nhõm vì đã làm được việc tốt cho đời, bù đắp những lỗi lầm đã gây ra”.

Mặc dù quán xuyến việc kinh doanh nhà hàng vất vả, nhưng chị Hương luôn dành thời gian để nấu những nồi cháo ngon nhất tới những bệnh nhân nghèo. Nhớ về kỷ niệm phát cháo cho bệnh nhân, chị Hương rớm nước mắt kể: “Trong một ngày phát cháo, có bác quê Yên Bái mang một ca lớn ra bảo: “Cô ở chăm chồng đã 3 tháng trời, chồng chưa khỏi thì con lại đổ bệnh phải vào điều trị cùng. Nhà khó khăn, thuốc thang cho chồng con hết, không còn đồng nào. Cháu cho cô xin 3 bát cháo được không?”

“Bình thường mỗi người chỉ được một bát, cô khó khăn thế cháu múc cho ba bát đầy”, chị trả lời. Khi nhận cháo xong, người phụ nữ ấy giàn giụa nước mắt. Hình ảnh đó ghi dấu ấn sâu sắc với chị Hương và nhóm Hướng thiện, họ cố gắng hơn để giúp đỡ được nhiều người như thế.

Anh Nguyễn Văn Bính, điều dưỡng viên khoa Nhi, Bệnh viện K, cho biết: Hướng thiện là một trong số nhiều nhóm thiện nguyện đến với bệnh nhân của bệnh viện hàng tuần. Những bệnh nhân điều trị ở đây, chủ yếu là những người ngoại tỉnh, đều có khó khăn về kinh tế nên những phần cơm, cháo từ thiện của các nhóm tình nguyện giúp đỡ họ rất nhiều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG