Nobel Văn chương 2020: Chưa thuyết phục?

Nữ thi sĩ Mỹ Louise Gluck giành Nobel Văn chương 2020 trước sự ngỡ ngàng của dư luận và ngay cả nhà thơ
Nữ thi sĩ Mỹ Louise Gluck giành Nobel Văn chương 2020 trước sự ngỡ ngàng của dư luận và ngay cả nhà thơ
TP - Nobel Văn chương 2020 cho nữ nhà thơ Mỹ Louise Gluck gây bất ngờ, thậm chí có những ý kiến trái chiều về quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Chủ tịch Ủy ban Nobel, ông Anders Olsson ca ngợi giọng điệu tối giản của nữ thi sĩ người Mỹ, đặc biệt là những bài thơ đi vào trọng tâm của cuộc sống gia đình. Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn chủ nhân cho giải Nobel Văn chương 2020 với lí do “âm điệu đầy chất thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp đơn sơ khiến sự hiện hữu của cá nhân trở nên phổ quát”. Anders Olsson đánh giá giọng thơ của Louise Gluck thẳng thắn và không khoan nhượng, nhưng cũng lấp lánh sự hài hước, dí dỏm.

Louise Gluck sinh 1943, được đánh giá là một trong những nhà thơ đại diện cho thi ca Mỹ đương đại. Xuất bản tập thơ đầu tiên năm 1968 Firstborn (Con đầu lòng), tới nay bà ra mắt cả thảy 12 tập thơ và vài tập tản văn. Độc giả Việt Nam gần như khá xa lạ với cái tên Louise Gluck nhưng ở nước Mỹ bà giành vô số giải thưởng danh giá trong đó phải kể giải Pulitzer về thơ (1993) với tập Hoa diên vĩ dại, Giải Văn chương Lannan cho thơ (1999), Giải thưởng Bollingen (2001), giải Sách Quốc gia Mỹ cho thơ năm 2014 (Đêm thủy chung và đức hạnh).

Sinh ra tại thành phố New York năm 1943, ngay từ nhỏ Gluck bị cuốn hút vào việc đọc và làm thơ. Cha mẹ đọc thần thoại cổ điển thay truyện kể trước giờ ngủ, vì thế Louise Gluck dường như bị các vị thần và anh hùng Hy Lạp mê hoặc. Đây cũng là những chủ đề mà sau này bà khai thác, khám phá khá dày đặc trong nhiều tác phẩm. Nữ thi sĩ viết một số câu thơ đầu tiên khi mới 5 tuổi, quyết tâm trở thành nhà thơ khi mới ở tuổi thiếu niên. Bà từng phải vật lộn với chứng biếng ăn, căn bệnh mà sau này bà cho là do ám ảnh về sự thuần khiết và sự kiểm soát.

Tác phẩm đầu tay Con đầu lòng được các nhà phê bình đón nhận nồng nhiệt, còn tác giả phải vật lộn với sự trì trệ, bế tắc nên bà nhận một vị trí giảng dạy tại Đại học Goddard ở Vermont. Quá trình đứng lớp với sinh viên thôi thúc Louise viết trở lại, bà tiếp tục xuất bản hàng chục tập thơ. Trong phần lớn thành quả lao động thơ ca, Gluck lấy cảm hứng từ nhiều nhân vật thần thoại. Trong tập thơ Meadowlands (Đồng cỏ, 1996), bà kết hợp hình ảnh của Odysseus và Penelope từ sử thi Odyssey của Homer với câu chuyện về sự tan vỡ của một cuộc hôn nhân thời hiện đại. Tác phẩm Averno lại được khơi gợi cảm hứng từ huyền thoại về Persephone như một lăng kính để phản ánh mối quan hệ mẹ con, đau khổ, về tuổi già và cái chết. Louise khuyên người đọc có thể tìm hiểu bà bắt đầu từ tập Averno chứ không phải ngay tập thơ đầu tiên.

 Những câu thơ của Gluck thường phản ánh mối bận tâm của bà với những chủ đề khá đen tối, cô đơn như sự phản bội, gia đình rạn nứt và các mối quan hệ hôn nhân, cái chết. Nhà phê bình kiêm nhà văn Daniel Mendelsohn, biên tập viên của tờ The New York Review of Books nhận định ngôn ngữ tự do, sự chắt lọc và việc thường xuyên sử dụng các nhân vật thần thoại quen thuộc mang đến cho thơ của Louise một cảm giác phổ quát và vượt thời gian.

“Khi bạn đọc những bài thơ của bà ấy về những điều khó khăn này, bạn cảm thấy được tẩy rửa hơn là chán nản”, Daniel Mendelsohn nói. Ông cũng cho rằng đây là một trong những cách cảm thụ thơ thuần túy nhất trong văn học thế giới lúc này. “Đó là một loại thơ tuyệt đối, thơ không có mánh lới quảng cáo, không chạy theo mốt hoặc xu hướng. Nó có phẩm chất của một thứ gì đó gần như đứng ngoài thời gian”, Daniel Mendelsohn đánh giá.

Đón tin Nobel tại nhà riêng, nữ thi sĩ 77 tuổi nói “hoàn toàn kinh ngạc khi họ chọn một nhà thơ trữ tình người Mỹ da trắng”. Tác giả thổ lộ khá sốc, bởi theo bà nhiều nhà thơ và nhà văn Mỹ xuất sắc khác đã bị bỏ qua. Thực tế thơ của Louise Gluck không phổ biến lắm ở châu Âu. Chẳng hạn tại Pháp, thơ của bà dịch rải rác trên tạp chí, nổi tiếng nhất vẫn là bài thơ Giọt tuyết- mô tả sự sống diệu kỳ trỗi dậy sau mùa đông- trích trong tập thơ Hoa diên vĩ dại. Thơ của Louise Gluck cũng chỉ được chuyển ngữ sang tiếng Đức khoảng 2007.

Kết quả Nobel Văn chương 2020 hẳn làm nản lòng những người hâm mộ Haruki Murakami, Anne Carson, James Joyce, Stephen King- những người có tên trong danh sách ứng viên hàng đầu Nobel Văn chương hàng chục năm nay, nhưng vẫn vô duyên. Vì đâu Viện Hàn lâm Thụy Điển nhất định lại xướng danh Louise Gluck?

Nhiều nhà bình luận cho rằng đây là lựa chọn an toàn của Viện Hàn lâm Thụy Điển sau nhiều bê bối ở hạng mục này: Năm 2018 Nobel Văn chương buộc phải hoãn trao do lùm xùm tấn công tình dục của nhà văn Pháp Jean-Claude Arnault. Năm ngoái, Viện Hàn lâm Thụy Điển tiếp tục gây tranh cãi khi trao cho nhà văn người Áo Peter Handke- người ủng hộ cho nhà độc tài Serbia Molosevic.

Nhà phê bình kiêm nhà văn Daniel Mendelsohn, biên tập viên của tờ The New York Review of Books nhận định ngôn ngữ tự do, sự chắt lọc và việc thường xuyên sử dụng các nhân vật thần thoại quen thuộc mang đến cho thơ của Louise một cảm giác phổ quát và vượt thời gian.

Theo Theo N.Y.Times, CNN, Figaro
MỚI - NÓNG