Trung Quốc:
Nở rộ tin được trả tiền
Chẳng hạn, một bài viết ca ngợi ông chủ một công ty phương Tây hoặc một ông chủ công ty Trung Quốc dễ dàng được đăng tải trên phiên bản Trung Quốc của tạp chí Esquire. Nhưng giá không rẻ chút nào - mỗi trang phải trả khoảng 20. 000 USD. Một bài viết ca ngợi như vậy nếu được đăng trên tờ Worker’s Daily (một trong những tờ báo của ĐCS Trung Quốc) cũng đắt không kém - chừng 1 USD cho một ký tự Trung Quốc.
Biểu giá tương tự cũng được áp dụng cho truyền hình. Chẳng hạn, có thể giới thiệu 2 lần một nhân vật nào đó, giả dụ ông chủ một công ty nào đó trên một chương trình truyền hình có đông đảo người xem với thời lượng tổng cộng là 5 giây. Chỉ cần như vậy là đã phải trả 5.000 USD. Nếu nhân vật đó muốn có đôi ba lời bình luận ngắn kéo dài 15 giây trong một chương trình tin tức, số tiền phải trả sẽ lên tới 9.000 USD. Còn nếu muốn có một cuộc phỏng vấn đặc biệt kéo dài 10 phút, đương nhiên tiền phải trả sẽ cao gấp vài lần và được thoả thuận cho từng trường hợp cụ thể.
Mặc dù pháp luật Trung Quốc nghiêm cấm báo chí đăng tải những tư liệu có tính chất quảng cáo được trả tiền nhưng trong thực tế quy định ấy ít khi được tuân theo.
“Nạn tham nhũng ở Trung Quốc ngày nay đã trở thành chuẩn mực của cuộc sống” – ông Sun Sjupi, một chuyên gia về báo chí hiện đang làm việc tại Viện Hàn lâm Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ New York Times đã tuyên bố như vậy. Ông nhấn mạnh: “Nhưng nạn tham nhũng trong giới báo chí nguy hiểm hơn nhiều so với nạn tham nhũng trong các lĩnh vực khác bởi vì mọi người bắt đầu hiểu rằng chẳng nên tin một chuyện gì hết”.
Một hiện tượng rất phổ biến là nhiều phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc không hề giấu giếm biểu giá cho những bài viết hoặc tư liệu quảng cáo mà ở Trung Quốc thường được gọi là “tin mềm” hoặc “tin được trả tiền”. |
Vũ Việt
Theo Komsomolskaja Pravda