Nở rộ dịch vụ vác xe máy 'né' CSGT

Nở rộ dịch vụ vác xe máy 'né' CSGT
TP - Do không muốn phải vòng xa và đặc biệt là để tránh chốt trực của CSGT ở cuối tuyến, những ngày qua dịch vụ vác xe qua dải phân cách để ra khỏi đường trên cao (ĐTC) đã nở rộ tại Hà Nội.

> 'Hốt bạc' nhờ dịch vụ vác xe máy qua cầu Thanh Trì

Xe máy được đội quân xe ôm vác ra khỏi ĐTC những ngày qua. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Xe máy được đội quân xe ôm vác ra khỏi ĐTC những ngày qua. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Tuy cấm xe máy và xe thô sơ nhưng thời gian qua các loại xe này vẫn tràn ngập ĐTC, đặc biệt tại chiều đường từ Lĩnh Nam đi Cầu Dậu.

Gần đây, do vị trí lên xuống ĐTC tại Cầu Dậu bị đóng lại nên người điều khiển xe máy đi theo hướng Lĩnh Nam - Cầu Dậu đã không thể xuống đường gom để đi vào các khu Linh Đàm, Kim Giang.

Để không phải vòng xa và đặc biệt không bị chốt trực của CSGT nút giao thông Thanh Xuân xử lý, nhiều người đi xe máy khi đến Cầu Dậu đã nhờ đội quân xe ôm khiêng vác qua dải phân cách để đi xuống dưới.

Có mặt trên tuyến ĐTC khu vực Cầu Dậu sáng 8-10, PV ghi nhận, nơi đây xe máy xe thô sơ và người đi bộ bị cấm qua lại nhưng khu vực này không khác gì cái chợ cóc.

Không chỉ xe khách đường dài đổ khách mà hằng ngày, ở đây còn có gần chục xe ôm túc trực để chở khách, gần đây xuất hiện thêm dịch vụ vác xe máy qua dải phân cách ĐTC.

Chỉ hơn một giờ có mặt, PV đã ghi nhận có hơn 10 người đi xe máy từ hướng cầu Thanh Trì, Lĩnh Nam đến Cầu Dậu đã nhờ đội xe ôm khiêng vác xe qua dải phân cách để đi xuống bên dưới, với giá 50.000 đồng/lượt.

Nói về lý do đi lên ĐTC sau đó phải nhờ xe ôm vác qua dải phân cách, ông Ngô Vĩnh Giang (quê Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết, từ quê lên thăm con ở khu đô thị mới Linh Đàm, khi từ QL 5 rẽ vào đường vành đai 3, do thấy nhiều xe máy chạy lên ĐTC nên ông cũng chạy theo, “nhưng khi đến khu vực Cầu Dậu thấy lối xuống Linh Đàm bị bịt, định đi tiếp rồi vòng lại nhưng mấy chú xe ôm nói nếu đi tiếp sẽ bị CSGT xử lý, sau đó khuyên tôi nên bỏ ra 50.000 đồng để họ vác xe qua”, ông Giang nói.

Vi phạm nhan nhản, xử lý thiếu kiên quyết

Ngoài hơn 10 trường hợp nhờ đội xe ôm vác qua dải phân cách, sáng 8-10 thời điểm PV có mặt tại khu vực Cầu Dậu còn chứng kiến hàng chục xe máy khác chạy trên ĐTC theo hướng Thanh Trì - Thanh Xuân.

Để tìm hiểu làm sao các xe máy lại có thể lên ĐTC và đi đến khu vực Cầu Dậu, thậm chí nút Thanh Xuân một cách dễ dàng, PV đã chạy dọc tuyến đường này để tìm hiểu.

Tại các đường gom dẫn lên ĐTC khu vực cầu Thanh Trì, sáng 8-9 do không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nên người điều khiển xe máy và xe thô sơ hầu như không gặp bất kỳ trở ngại nào khi chạy lên ĐTC.

Tương tự, Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, tại đường lên xuống ĐTC khu vực Lĩnh Nam, hằng ngày CSGT có chốt trực hai ca ở đây để ngăn không cho xe máy lên ĐTC, nhưng người điều khiển xe máy vẫn lên xuống.

Thời điểm PV có mặt phía đường dẫn lên còn cắm một mô tô chuyên dụng của CSGT, tuy nhiên do chỉ có xe mà không có người nên các xe máy từ nút giao thông Lĩnh Nam cứ vô tư lên ĐTC.

Thượng úy Lương Đình Hải, Đội CSGT số 4 cho PV Tiền Phong biết lý do chính khiến xe máy vẫn đi lại trên ĐTC là họ đi từ hướng Gia Lâm và cầu Thanh Trì lên.

Riêng phía đường dẫn Lĩnh Nam, từ khi Đội CSGT số 4 phân công anh em làm nhiệm vụ ở đây, xe máy đi lên ĐTC đã giảm.

Trong sáng 8-10 (từ giờ cao điểm đến khi TNGT xảy ra - khoảng 10h) ông đã xử lý gần 10 trường hợp xe máy đi từ cầu Thanh Trì lên bằng cách buộc người điều khiển quay đầu xuống đường gom.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG