Nỗ lực 'trẻ hóa' phim hình sự Việt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc “thay máu” dần ê-kíp sản xuất, đội ngũ diễn viên trẻ, cùng cách tiếp cận và khai thác đề tài mang hơi thở thời đại, gần gũi với cuộc sống hơn, đã góp phần mang đến không khí tươi mới cho thể loại phim hình sự Việt trên màn ảnh nhỏ- vốn xưa nay vẫn được coi là khô khan, giáo điều.

Không cứ phải súng đạn, đánh đấm

Với nhiều tình tiết lắt léo, khó đoán, “Biệt dược đen” đang là một trong những bộ phim truyền hình thu hút sự quan tâm của khán giả. “Biệt dược đen” nằm trong series “Cảnh sát hình sự”. Phim mang đến cho người xem những cuộc đấu trí căng thẳng giữa Đội Cảnh sát hình sự dũng cảm, mưu trí và những tên tội phạm xảo quyệt, tàn nhẫn. Với năng lực phá án, cuối cùng đội hình sự cũng tìm ra thủ phạm vụ giết người, một kẻ không ai ngờ tới, với sự dàn xếp tinh vi để dẫn nạn nhân đến cái chết và làm lạc hướng đội điều tra.

Kịch bản hấp dẫn, dàn diễn viên tài năng, “Biệt dược đen” không có nhiều cảnh đánh đấm, súng đạn giữa công an và tội phạm như thường thấy trong phim hình sự nhưng vẫn tạo được ấn tượng bởi cách dàn dựng, kể chuyện logic, hiện đại qua bàn tay của bộ đôi đạo diễn Phạm Gia Phương và Trần Trọng Khôi, hai người có khá nhiều kinh nghiệm ở thể loại phim điều tra phá án như phim “Mê cung”, “Mặt nạ gương”. Thêm vào đó, sự góp mặt của DOP Trần Kim Vũ với 2 giải Cánh diều vàng cho hạng mục Quay phim xuất sắc cũng là một đảm bảo về mặt hình ảnh cho “Biệt dược đen”.

Đạo diễn Trần Trọng Khôi cho biết, kịch bản phim gần như thay đổi liên tục, các nhân vật cũng thay đổi liên tục, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Anh cũng chia sẻ thách thức lớn nhất với ê-kíp chính là phim chiếu mạng. “Bởi khi khán giả được xem những bộ phim hình sự thế giới với chất lượng cao và cực kỳ chân thực mà mình cứ làm an toàn quá, cứ sợ bạo quá, hở quá thì đến bao giờ mới có một phim Việt Nam chiếu trên Netflix? Đó là tâm lý chung của chúng tôi khi làm phim này", Trần Trọng Khôi bày tỏ. Cũng vì đó, ê-kip chọn cách kể chuyện mới, đa chiều hơn, đưa vào phim hơi thở của xã hội hiện đại. Phim thiên về những cảnh đấu trí phá án, tư duy logic, nỗ lực của các chiến sĩ công an lần theo dấu vết tội phạm chứ không chú trọng về cảnh quay hành động. Đây là một xu hướng nổi trội của dòng phim này trong nhiều năm nay.

Nhìn lại dòng chảy phim hình sự Việt vài chục năm qua, có thể thấy sự chuyển mình rõ nét nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thay vì khai thác những yếu tố vốn quen thuộc với dòng phim này như vụ án buôn bán ma túy, cướp của giết người, các băng nhóm giang hồ mâu thuẫn nhau, nhiều phim đã có sự thay đổi trong việc khai thác vấn đề, như "Mặt nạ gương" đi vào lĩnh vực khá "hot" trong thời gian gần đây đó là trào lưu phẫu thuật thẩm mĩ cùng những hệ lụy của nó. Hay "Phố trong làng" lại tập trung phản ánh những câu chuyện đời thường trong công việc của những chiến sĩ buổi đầu làm Công an xã. Trước đó, năm 2017, "Người phán xử" gây sốt cũng vì kịch bản không theo lối mòn mô tả cuộc đối đầu thiện - ác giữa công an và tội phạm mà đi sâu vào câu chuyện gia đình ông trùm giang hồ Phan Quân- một điều mà trước nay hiếm thấy trên phim Việt.

“Trẻ hóa” đội ngũ làm phim

Nói về cái khó khi làm phim cảnh sát hình sự, các đạo diễn chia sẻ, đầu tiên là cần kịch bản hay. Ngoài câu chuyện hấp dẫn, kịch bản loại phim này còn phải đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ. Người viết kịch bản phải thực sự dụng công tìm hiểu, gặp gỡ các nhân chứng để nắm sâu hơn tâm lý tội phạm cũng như chuyên môn của công an điều tra. Phim hình sự cũng cần nhiều đại cảnh hoặc những cảnh quay hành động nhưng Việt Nam chưa có những phim trường đủ rộng, chất lượng. Một thách thức lớn nữa là làm sao lột tả được chính xác hình tượng người chiến sĩ công an trong thời đại mới một cách chân thực, sinh động nhưng không bị khô cứng, một chiều. Việc khai thác câu chuyện các vụ án điều tra phải cân đối ra sao để vừa đảm bảo yếu tố nghiệp vụ chuyên ngành vừa có được sức hấp dẫn của một bộ phim.

Từ năm 2008, bên cạnh những đạo diễn gạo cội, sê ri phim “Cảnh sát hình sự” bắt đầu được "giao phó" cho các đạo diễn trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X. 10 tập phim “Hành trình bí ẩn” (phát sóng năm 2008) nói về tội phạm ma túy xuyên biên giới do hai sinh viên vừa tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh là Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1979) và Trần Trọng Khôi (sinh năm 1983) thực hiện. Thời điểm đó không ít người đã tỏ ra lo lắng về việc liệu những đạo diễn trẻ này có đủ sức để gánh vác một bộ phim với đề tài hình sự, một đề tài khó về chuyên môn nhưng ít nhiều mang tính giải trí?

Tuy nhiên, sau khi lên sóng, phim đã nhận được những phản hồi tốt từ phía khán giả. Sau đó, một loạt phim “Cảnh sát hình sự” qua bàn tay của các đạo diễn trẻ liên tục ra đời như: “Đầm lầy bạc”, “Câu hỏi số 5” (đạo diễn trẻ Bùi Quốc Việt), “Mặt nạ hoàn hảo” (đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng), “Chỉ còn lại tình yêu” (đạo diễn Vũ Minh Trí), “Mê cung” (Nguyễn Khải Anh)… Sự "trẻ hóa" này đã cho thấy một sự kì vọng vào đội ngũ các đạo diễn kế cận, những người sẽ tiếp tục nỗ lực, tìm kiếm để có thể mang lại một "làn gió mới" cho sê ri phim “Cảnh sát hình sự”. Tuy còn những ý kiến trái chiều, song các đạo diễn trẻ ít nhiều đã mang đến một không khí tươi mới cho thể loại phim xưa nay vẫn được xem là “khó- khô- khổ”.

Nếu như trước đây, nhân vật công an đều do các nghệ sĩ tên tuổi đảm nhận nên thường rơi vào độ tuổi trung niên thì những năm gần đây, các đạo diễn đã mạnh dạn giao nhân vật mang sắc phục cho những gương mặt trẻ tuổi. Như Anh Tuấn, Đức Hiếu, Duy Khánh ở phim "Phố trong làng", Trương Minh Quốc Thái, Tô Dũng trong "Lửa ấm", Hà Việt Dũng, Cao Thái Hà, Thanh Bi trong "Bão ngầm", Thanh Sơn, Phan Thắng, Duy Khánh … trong “Đấu trí”. Ở bộ phim “Biệt dược đen” lần này, ngoài diễn viên Bảo Anh từng đóng nhiều phim hình sự thì Huỳnh Anh, Lương Thanh là những gương mặt trẻ, lần đầu tham gia thể loại phim này.

Nỗ lực 'trẻ hóa' phim hình sự Việt ảnh 1

Ê-kíp làm phim “Biệt dược đen” chọn cách nhìn thẳng, trực diện vào những mặt trái của xã hội.

Một điều đặc biệt, thay vì vẻ nghiêm túc, cứng rắn có phần lạnh lùng ở đa phần các nhân vật công an trước đây thì các nhân vật công an gần đây có sự trẻ trung, hài hước với nhiều nét tính cách đời thường hơn. Thậm chí, họ còn được khán giả nữ xưng tụng như "nam thần mang sắc phục Công an" như Bảo Anh, Mạnh Trường, Thanh Sơn, Duy Khánh, Xuân Phúc…

Không chỉ khai thác ở khía cạnh công việc, chuyên môn, giờ đây hình tượng nhân vật công an còn được bổ sung thêm tuyến tình cảm với những mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng đội với đủ cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố. Thậm chí, có cả những người mang sắc phục nhưng vì lợi ích cá nhân đã phạm sai lầm trong công việc và phải trả giá. Từ đó, lời thoại của nhân vật cũng gần gũi, dân dã và “đời" hơn.

Thời gian gần đây, các đơn vị sản xuất phim cũng rất quan tâm đến phản hồi của khán giả và chú trọng tăng tương tác của khán giả đối với các bộ phim thông qua mạng xã hội. Người xem có thể đưa ra bình luận, phản hồi về các tình tiết trong phim, thậm chí cả kết phim trên các trang fanpage. Ê-kíp sản xuất cũng thường xuyên cập nhật những hình ảnh về quá trình quay phim. Đối với các bộ phim hình sự, những cảnh quay “behind the scenes” (hậu trường) có sức hấp dẫn rất lớn với khán giả bởi họ luôn tò mò muốn biết những cảnh hành động được thực hiện như thế nào, những tình tiết bí ẩn được hé lộ ra sao…

MỚI - NÓNG