Nỗ lực khống chế COVID-19, Tống thống Hàn Quốc bị cáo buộc 'thân Triều Tiên'

Người biểu tình hóa trang thành Chúa Jesus trong cuộc tuần hành trước Nhà Xanh ngày 15/8. (Ảnh: CNN)
Người biểu tình hóa trang thành Chúa Jesus trong cuộc tuần hành trước Nhà Xanh ngày 15/8. (Ảnh: CNN)
TPO - Một tổ chức tôn giáo Hàn Quốc trở thành tâm điểm của đợt bùng phát dịch COVID-19 mới hiện nay đang bị chính phủ cáo buộc che giấu thông tin quan trọng và cản trở giới chức thực hiện nhiệm vụ. 

Vụ bê bối lần này gợi nhớ lại sự việc hồi tháng 2, khi nhà thờ Tân Thiên Địa trở thành ổ dịch với hàng ngàn người ở TP Daegu nhiễm virus nguy hiểm. Nhà thờ này cũng bị cáo buộc không hợp tác với chính quyền, trong khi các thành viên cáo buộc chính phủ và báo chí phỉ báng và đàn áp tôn giáo. 

Giờ đây, lịch sử có vẻ đang lặp lại với nhà thờ Sarang-jeil ở Seoul. Đây là xung đột mới nhất giữa một tổ chức tôn giáo với chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in, trong khi nhà lãnh đạo này đang cố gắng vừa khống chế dịch bệnh vừa tránh những cáo buộc đàn áp tự do tôn giáo.

Hàn Quốc báo cáo 288 ca mắc mới trong sáng nay, đa số trong đó ở Seoul và tỉnh Gyeonggi gần đó. Đợt dịch lần này liên quan đến nhà thờ Sarang-jeil, nơi đã có vài trăm ca dương tính, trong khi khoảng 400 tín đồ vẫn chưa được truy vết. 

Hôm 18/8, chính phủ Hàn Quốc ra lệnh cấm tập trung đông người tại tất cả nhà thờ ở Seoul và các khu vực xung quanh thủ đô. Lệnh cấm này lập tức vấp phải phản ứng từ các nhóm tôn giáo bảo thủ. 

Từ khi đợt dịch mới bùng lên hôm 12/8, hơn 1.500 ca mắc đã được phát hiện trên cả nước. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo cảnh báo làn sóng lần này có thể rất lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. 

Cảnh sát ở Seoul đang được huy động để tìm danh tính và truy vết tất cả các cá nhân liên quan đến nhà thờ, khi chính phủ hiểu rằng thời gian là yếu tố quan trọng để khống chế dịch bệnh và truy vết. Giới chức yêu cầu tất cả các tín đồ đi dự thánh lễ từ ngày 27/7-13/8 đi xét nghiệm và tự cách ly. 

Chính quyền Seoul nói sẽ yêu cầu nhà thờ Sarang-jeil và giáo chủ Jun Kwang-hoon đền bù thiệt hại vì gây lãng phí nguồn lực của chính quyền khi không chịu hơp tác. Ông Jun đang đối mặt với các cáo buộc vi phạm quy định cách ly và cản trở nỗ lực truy vết. 

Nhóm pháp lý của ông Jun bác bỏ cáo buộc nhà thờ đang cản trở việc truy vết bằng cách che giấu danh sách tín đồ. 

Nhà thờ Sarang-jeil tuyên bố sẽ kiện Bộ trưởng Y tế Park và quyền Thị trưởng Seoul Seo Jeong-hyup vì lan truyền thông tin sai và phỉ báng nhà thờ. 

Giáo chủ Jun cũng bất tuân trước sức ép của chính quyền. Cuối tuần qua, ông Jun tham gia cuộc biểu tình đông người ở Seoul. Cảnh sát khuyến cáo người dân không tập trung đông người vì sợ dịch bệnh lây lan mạnh, nhưng điều đó không ngăn được hàng ngàn người tụ tập trên phố. 

Ông Jun cởi khẩu trang trước khi có bài phát biểu trước đám đông: “Chiều nay, các thành viên hội đồng thành phố đến nhà thờ của chúng ta, họ gặp tôi. Tôi không bị sốt, không có triệu chứng gì. Nhưng họ bảo tôi tự cách ly ngay trước sự kiện này”. 

2 ngày sau, ông Jun có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, Văn phòng quận Seongbuk thông báo. Thông tin này làm dấy lên quan ngại rằng cuộc biểu tình vừa qua có thể tạo ra những ổ dịch mới.

Dù ông Jun và nhà thờ Sarang-jeil nhận được một vài đồng cảm từ những người chỉ trích Tổng thống Moon và các nhóm tôn giáo bảo thủ, nhưng hành động của giáo chủ này cũng những hình ảnh ông ta ngồi trong chiếc xe cứu thương sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính mà vẫn đeo khẩu trang dưới cằm đã châm ngòi cho làn sóng chỉ trích dữ dội trên mạng. 

Trong phát biểu đưa ra ngày 18/8, Thứ trưởng Y tế Kim Ganglip nói rằng tuần này có thể là “thời điểm bước ngoặt quan trọng” để xem liệu ổ dịch ở Seoul có lan ra cả nước hay không. 

Nỗ lực khống chế COVID-19, Tống thống Hàn Quốc bị cáo buộc 'thân Triều Tiên' ảnh 1 Đám đông biểu tình ở Seoul hôm 15/8 để phản đối chính phủ. (Ảnh: CNN)

Gs Park Kwang-soo, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về tôn giáo tại ĐH Wonkwang, cho rằng một số tín đồ có thể thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của virus corona. 

“Họ tin vào Chúa và tin rằng Chúa là người chữa lành mọi vết thương. Họ tin rằng niềm tin có thể giải quyết cả vấn đề bệnh tật”, ông nói. 

Đây không phải lần đầu tiên ông Jun chống đối pháp luật. Đầu năm nay, giáo chủ này bị bắt vì hoạt động biểu tình trái phép trước thềm cuộc tổng tuyển cử. Ông này hiện vẫn đang trong thời gian tại ngoại khi quá trình xét xử diễn ra. 

“Một số nhà thờ bảo thủ khác cũng có xu hướng cho rằng chính phủ của Tổng thống Moon chống lại tự do tôn giáo”, GS Tark Ji-il, công tác tại ĐH Trưởng lão Busan, đánh giá. 

Cuộc điều tra dân số năm 2015 xác định có khoảng 44% người dân Hàn Quốc theo tôn giáo, nhưng khoảng 63% trong số đó theo các giáo phái thuộc Cơ đốc giáo và nhà thờ xuất hiện phổ biến trên cả nước. Bản thân Tổng thống Moon cũng thực hành Công giáo. 

Vì vậy, chính phủ Hàn Quốc không cấm tụ tập tôn giáo trên cả nước mà đề xuất thực hiện thánh lễ trực tuyến để ngăn virus lây lan. Những người trực tiếp đến nhà thờ được yêu cầu giãn cách và đeo khẩu trang. 

Nhưng điều này không ngăn được những người phản đối cáo buộc ông Moon là chống tôn giáo, thậm chí cho rằng ông thân với Bình Nhưỡng. 

Trong cuộc biểu tình cuối tuần qua, ông Jun nhắc đi nhắc lại rằng Tổng thống Moon “đang bàn giao Hàn Quốc cho Triều Tiên”. Một người ủng hộ nhà thờ thậm chí còn giương khẩu hiệu: “Bỏ tù Moon Jae-in là cách phòng dịch tốt nhất”. 

Còn ông Moon gọi cuộc biểu tình trái phép là “hành động thiếu khôn ngoan đang cản trở nỗ lực của mọi người nhằm khống chế virus corona lây lan”. Ông cho rằng đây là hành động không thể tha thứ được, có thể gây nguy hiểm cho cuộc sống của người khác. 

Theo theo CNN
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.