Nỗ lực hồi phục bị xóa sạch, chứng khoán Việt lại giảm mạnh nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thông tin Down Jones giảm điểm gây trở ngại tâm lý nhất định cho nhà đầu tư trong nước, đặc biệt khi VN-Index mới trải qua 1 phiên hồi phục mong manh. Suốt phiên giao dịch hôm nay (6/10), chứng khoán trong nước chìm trong sắc đỏ. Mức giảm của VN-Index còn lớn hơn số điểm tăng ngày 5/10.

Nỗ lực hồi phục trước đó bị xóa sạch. Kết thúc phiên hôm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có mức giảm mạnh nhất thế giới.

Nỗ lực hồi phục bị xóa sạch, chứng khoán Việt lại giảm mạnh nhất thế giới ảnh 1

Kết thúc phiên 6/10, thị trường chứng khoán Việt Nam có mức giảm mạnh nhất thế giới (Dữ liệu: Investing.com)

Trên sàn HoSE, gần 430 cổ phiếu giảm giá, trong đó 58 mã nằm sàn xuất hiện hầu khắp các nhóm ngành. Nhóm vốn hóa lớn, đại diện là VN30-Index còn giảm mạnh hơn chỉ số chính, gây thêm áp lực lên thị trường. 28/30 cổ phiếu rổ VN30 giảm giá, GVR giảm sàn. Duy nhất VIC giữ được sắc xanh, tăng 0,2%.

Đáng chú ý, cổ phiếu của Vingroup giữ mạch 5 phiên tăng liên tiếp, bất chấp thị trường điều chỉnh. VIC vừa được HoSE cấp giao dịch ký quỹ (margin) trở lại, do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên là số dương.

Các nhóm có sức ảnh hưởng lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, xây dựng, vật liệu... đều ngập sắc đỏ, tập trung nhiều mã giảm sàn. Ở nhóm ngân hàng, LPB giảm sàn, nhiều mã như ABB, OCB, MBB, SHB, STB cũng giảm mạnh 5-6%. Tuy nhiên, EIB lại một lần nữa gây bất ngờ. Tiếp nối phiên tăng trần ngày 5/10, EIB hôm nay đóng cửa tăng sát giá trần (+6,3%) lên gần 37.000 đồng/cổ phiếu.

Từ đầu tháng 9 đến nay, lượng lớn cổ phiếu EIB được ghi nhận giao dịch thỏa thuận với giá từ 33.000-39.000 đồng/cổ phiếu, giúp cổ phiếu nhà băng này lội ngược dòng tăng mạnh so với cuối tháng 8, trong khi giá các cổ phiếu ngân hàng khác đều lao dốc mạnh.

Mới nhất, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - con gái của thành viên Hội đồng quản trị Eximbank Lê Hồng Anh - thông báo sẽ bán thỏa thuận toàn bộ khoảng 11 triệu cổ phiếu EIB hiện có, chiếm tỷ lệ 0.899% vốn của ngân hàng, trong thời gian từ ngày 10-31/10.

Nỗ lực hồi phục bị xóa sạch, chứng khoán Việt lại giảm mạnh nhất thế giới ảnh 2

Chứng khoán trong nước chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 6/10.

Nhóm bất động sản sau ngày giao dịch đua trần hôm 5/10, nay lại giảm sàn hàng loạt: IJC, TCH, GEX, DXG, KBC, DRH, HDG, NLG... Tương tự, nhóm chứng khoán cũng có hàng loạt mã giảm sản, gồm nhiều cổ phiếu lớn như VND, HCM, các mã CTS, BSI, VCI, VIX... SSI giảm xuống sát giá sàn.

Diễn biến tiêu cực bao trùm thị trường, áp lực bán gia tăng về cuối phiên, đẩy thanh khoản tăng trở lại, giá trị khớp lệnh HoSE lấy lại ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Thanh khoản cơ sở vẫn thấp hơn nhiều lần so với phái sinh. Giá trị giao dịch hợp đồng tương lai tháng 10 lên tới hơn 45.000 tỷ đồng. Hôm nay, phe “Short” lại có ngày thắng thế.

Trong phiên thị trường điều chỉnh mạnh, trên HoSE có 3 cổ phiếu tăng trần là STG, TNC, L10, khối lượng giao dịch có mã chưa tới vài trăm cổ phiếu; trong đó L10 đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 29,74 điểm (-2,69%) xuống 1.074,52 điểm. HNX-Index giảm 6,99 điểm (2,89%) xuống 235,13 điểm. UPCoM-Index giảm 1,38 điểm (-1,65%) xuống 82,41 điểm.

Thanh khoản tăng trở lại, giá trị khớp lệnh HoSE tăng nhanh về cuối phiên, lên hơn 20% so với phiên trước, đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Về giao dịch khối ngoại, phe mua - bán khá cân bằng, dù vậy lực bán vẫn mạnh hơn, giá trị bán ròng là hơn 131 tỷ đồng, tập trung vào HPG, PHS, NVL, STB...

Hơn 60 mã không đủ điều kiện giao dịch margin

Theo công bố mới nhất của HoSE, có 62 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) trong quý IV năm nay. Cụ thể:

- 19 mã cổ phiếu thuộc diện bị cảnh báo: CIG, DLG, DXV, FLC, GAB, HAI, HNG, ITA, NVT, OGC, PIT, PTL, RDP, SCD, SMA, TCR, TNI, TTF, VOS.

- 18 thuộc diện bị kiểm soát: AMD, AST, HAG, HOT, HU1, HU3, HVN, JVC, LHG, MCG, PMG , QBS, SII, SJD, TDH, TGG, UDC, VFG.

- 15 mã có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên BCTC soát xét bán niên năm nay là số âm: AGM, ASP, BCE, HAS, KHP, LEC, MHC, POM, PSH, PTC, PVD, SBV, SJF, VDS, VIP.

- 2 mã thuộc diện thời gian niêm yết dưới 6 tháng: FUCTVGF4, FUEFCMID

- 3 mã chưa đủ thời gian 6 tháng đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ gồm: FIR, VAF, VNS

- 2 mã nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm thuế như: SCS, TDW.

- 1 mã chậm công bố thông tin BCTC kiểm toán 2021 quá 5 ngày làm việc kể từ khi hết hạn công bố: VMD.

- 2 mã chứng chỉ quỹ FUEIP100 của Quỹ ETF IPAAM VN100 và FUEKIV30 của Quỹ ETF KIM Growth VN30 cũng không được giao dịch ký quỹ trên HoSE trong quý IV do quỹ đầu tư đại chúng có tối thiểu một tháng có giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp.

MỚI - NÓNG