Hàng trăm hội nhóm được lập tại TPHCM trong những ngày qua không chỉ hỗ trợ y, bác sĩ tuyến đầu mà còn tập trung chăm lo, hỗ trợ cứu chữa F0 đang điều trị cách ly tại nhà.
“Chạy” đến 3 giờ sáng
Nhận được điện thoại của người nhà bệnh nhân từ đường dây nóng phòng, chống dịch của Trạm Y tế phường 5, quận Tân Bình, báo có bệnh nhân F0 tuổi cao chữa trị tại nhà đang trở nặng với triệu chứng khó thở, Đội tình nguyện viên phản ứng nhanh phường 5 lập tức lên đường. Theo họ là máy thở oxy chuyên dụng, dụng cụ đo nhiệt độ, máy đo nồng độ oxy trong máu, máy đo huyết áp...
Tính đến ngày 15/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà ở TPHCM là 35.900 người. Trong đó có 11.444 trường hợp F0 mới và 24.456 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.056 người.
Qua quá trình khám lâm sàng, chỉ số oxy trong máu là 78, mức thấp, sốt 39.1 độ, đội phản ứng nhanh tiến hành dùng máy thở tăng nồng độ oxy trong máu rồi tiến hành hạ sốt cho bệnh nhân. Sau 20 phút sơ cứu ban đầu, bệnh nhân tạm ổn định. “Khi thấy chỉ số oxy trong máu lên 94%, hạ sốt còn 38 độ, bệnh nhân đã khoẻ hơn, không chỉ gia đình F0 vui mừng mà chúng tôi cũng mừng lây”, y tá Nguyễn Thị Mây cho biết.
Tư vấn, hỗ trợ điều trị bệnh nhân tại nhà |
Từ ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, bệnh nhân mắc COVID-19 được phân bổ về cách ly ở quận Tân Bình liên tục gia tăng. Để giúp F0 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, Trạm y tế phường 11 thường xuyên thăm hỏi và hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị giảm triệu chứng. Nhớ lại thời kỳ khởi phát bệnh của các F0 với triệu chứng như sốt cao, ho khan, tức ngực, khó thở, các y bác sĩ nơi đây phải chạy khắp nơi, từ nhà bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, có đêm họ làm việc đến 3 giờ sáng.
Cử nhân Nguyễn Huỳnh Thanh Huy, Trưởng Trạm y tế phường 11, quận Tân Bình cho biết, một số bệnh nhân sau khi được uống thuốc ngày đầu tiên với kháng sinh kèm theo corticoid đã giảm rõ rệt triệu chứng tức ngực, khó thở. Số khác sử dụng thuốc đến ngày thứ 3 đã ngửi được mùi trong khoảng cách một mét, nếm được vị và chỉ còn triệu chứng ho, nhiều đờm. “Ngày thứ 5, các bệnh nhân dần dần hồi phục sức khỏe trong trạng thái của người bình thường, không còn sốt, ho, đau họng, khó thở khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc”- cử nhân Huy chia sẻ.
Nhiều đội phản ứng nhanh hỗ trợ điều trị F0 tại nhà được thành lập tại Quận 7 với “Túi thuốc cùng F0 chiến thắng COVID-19” hoạt động bất kể ngày đêm khi người dân cần. Trưởng nhóm phản ứng nhanh Nguyễn Nhật Minh cho biết, trong túi thuốc lúc nào cũng 7 loại dược phẩm được khuyến cáo để bổ trợ nâng cao thể trạng và giảm một số triệu chứng lâm sàng cho bệnh nhân đang cách ly tại nhà. “Gia đình nào có F0 là chúng tôi tìm đến, ngoài hỗ trợ túi thuốc cho họ, chúng tôi còn giúp những F0 nặng liên hệ với các bệnh viện để đưa họ đến điều trị khi trở nặng”, anh Minh cho biết.
Tổ phản ứng nhanh với nòng cốt 6 bác sĩ và 2 dược sĩ tại quận Tân Bình không chỉ hỗ trợ theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của F0 mà còn can thiệp y tế khẩn cấp hoặc cung cấp bình oxy đến tận nhà và chuyển viện khẩn cấp bất kể giờ nào.
Lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0
Trao đổi với PV Tiền Phong, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, với những trường hợp F0 đang theo dõi y tế tại nhà, Sở đã có hướng dẫn về các giải pháp chủ động chăm sóc, sử dụng thuốc cho từng trường hợp cụ thể. Thành phố đang chủ động tăng cường thêm xe cứu thương, tăng khả năng tiếp nhận cuộc gọi hỗ trợ người dân qua tổng đài 1022. Lực lượng y tế trực tiếp tư vấn là những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành. Bên cạnh đó, thành phố đang tiếp nhận thông tin, điều phối bệnh nhân trên toàn thành phố qua tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115.
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều đã quá tải, y bác sĩ không muốn bỏ mặc bệnh nhân nhưng không thể tiếp nhận thêm vì không đủ nhân lực, không đủ trang thiết bị để hỗ trợ cứu chữa. “Trung bình một ngày hiện nay, tôi tiếp nhận, hỗ trợ qua điện thoại, hỗ trợ trực tuyến cho khoảng 500 bệnh nhân. Có nơi chỉ trong vài ngày đã có chục người chết vì COVID-19. Có những gia đình nhiều người nhiễm nhưng nỗ lực tiếp cận y tế trở nên vô vọng” - bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM chia sẻ.
Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng cao, TPHCM đã khẩn trương lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà trên tất cả các phường, xã thị trấn và công bố số điện thoại để người dân tiện liên lạc khi cần. Mỗi tổ phản ứng nhanh, gồm các bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế và tình nguyện viên, công an, Đoàn thanh niên... Khi F0 có triệu chứng chuyển bệnh sẽ gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.