Nỗ lực của chàng trai cao 1,2 m

Nỗ lực của chàng trai cao 1,2 m
27 tuổi, cơ thể teo tóp với chiều cao 1,2 m, đôi tay cụt ngủn, nhưng Trần Văn Châu (ở xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã không đầu hàng số phận.

Nỗ lực của chàng trai cao 1,2 m

27 tuổi, cơ thể teo tóp với chiều cao 1,2 m, đôi tay cụt ngủn, nhưng Trần Văn Châu (ở xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã không đầu hàng số phận.

Anh Châu đang sửa chữa đồ điện tử
Anh Châu đang sửa chữa đồ điện tử. Ảnh: Ngọc Nhuận

Tự học rồi làm nghề sửa chữa điện tử, anh không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn phụ giúp gia đình.

Là con trai út trong một gia đình có ba người con, lúc nhỏ sinh ra Châu đã có cơ thể nhỏ bé. Anh kể: “Khi tôi đang học lớp 9 thì tự nhiên đôi chân ngày càng teo lại, đau nhức lắm, không đi đứng được nữa, đành phải nghỉ học”. Dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng cha mẹ Châu vẫn chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh cho con.

Đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, bệnh không khỏi mà đôi chân của Châu ngày càng bé dần. Rồi đến lúc Châu không đi lại được, chỉ nằm một chỗ, muốn di chuyển phải sử dụng đôi tay nhỏ bé, ngắn ngủn của mình để trườn đi như đứa trẻ.

Trong thời gian ở nhà, vì chỉ nằm một chỗ nên cái ti vi được xem là người bạn thân của Châu. Cả ngày anh chỉ nằm xem ti vi, đặc biệt là các chương trình truyền hình về khoa học, điện tử anh rất thích xem và đâm ra mê nghề điện tử.

Rồi anh tập tành, tự tìm tòi tháo lắp và sửa chữa một số vật dụng thông thường như: lồng đèn trung thu, ô tô chạy bằng pin, đèn pin… Với niềm đam mê, cần cù chịu khó, dần dần Châu đã sửa chữa được một số vật dụng điện tử đơn giản.

Một hôm, mẹ Châu nhặt được một cái radio bị hỏng đem về, anh đã tự tìm tòi sửa chữa thành một chiếc radio “biết nói”. Sau đó, được ba mua cho một cái cassette về nghe, Châu đã tháo cái máy cassette để nghiên cứu nguyên lý hoạt động. Từ đó, tay nghề sửa chữa điện tử của anh tiến bộ rõ rệt và được nhiều người biết đến.

Châu sắm sửa đồ nghề mở tiệm sửa chữa điện tử đồng thời bắt đầu tìm tòi sửa chữa các loại thiết bị khác như: quạt điện, nồi cơm điện, đầu đĩa, âm ly, quấn loa...

Rồi anh tự chế, quấn loa và đóng loa thùng. Các sản phẩm loa thùng của Châu tuy mẫu mã không đẹp nhưng âm thanh nghe rất hay, được nhiều người trong xã ưa thích mua về sử dụng.

Với số tiền dành dụm được, anh sắm cho mình một chiếc điện thoại di động có chức năng chụp ảnh, quay phim, nghe nhạc với giá gần 2 triệu đồng. Nhưng cũng vì óc tò mò, điện thoại mới mua về đã bị Châu tháo tung ra để “ngâm cứu”.

Từ đây, Châu có thêm nghề sửa chữa điện thoại di động. Hiện tiệm sửa chữa điện tử của Châu trong xã ai cũng biết và lượng khách hàng tìm đến ngày càng nhiều.

Bình quân mỗi tháng anh kiếm được từ 500.000 đến trên 1,5 triệu đồng, cộng với khoản trợ cấp cho người tàn tật của n0hà nước 360.000 đồng/tháng, cũng đủ cho Châu có thu nhập và phụ giúp ba mẹ lo cho gia đình.

Theo Ngọc Nhuận
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG