Nợ công trong ngưỡng an toàn

Nợ công trong ngưỡng an toàn
TP - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 (khoá XIII) hôm qua (12-11).

> Đại biểu, cử tri “chấm điểm” chất vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng

Tái cơ cấu 5/9 ngân hàng yếu kém

Phó Thủ tướng cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2011 - 2015, trần khống chế dư nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP.

Tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2011, dư nợ công là 54,9% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,2% GDP; ước cuối năm 2012, các chỉ số tương ứng là 55,4% và 43,1%, nằm trong giới hạn an toàn.

Để quản lý nợ công an toàn và bền vững, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý đầu tư, cơ cấu lại đầu tư công, đặc biệt là từ vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ; gắn kết chặt chẽ việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay...

Đối với nợ của các địa phương, sẽ tăng cường cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc huy động và trả nợ phù hợp.

Về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó đã chỉ đạo tổ chức đánh giá, phân loại, phê duyệt, thực hiện phương án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém.

Trong quá trình xử lý, về cơ bản, việc chi trả tiền gửi tại các ngân hàng diễn ra bình thường, thanh khoản của các ngân hàng vẫn bảo đảm.

Cụ thể, Chính phủ đã chấp thuận phương án cơ cấu lại của 5/9 ngân hàng yếu kém (hợp nhất 3 Ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa thành NH Sài Gòn; sáp nhập NH Nhà Hà Nội vào NH Sài Gòn - Hà Nội); tự củng cố, chấn chỉnh NH Tiên Phong; tích cực hoàn thiện phương án cơ cấu lại 3 ngân hàng còn lại.

Chậm xử lý nợ xấu

Chính phủ đã triển khai các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, bán nợ xấu có tài sản bảo đảm; xử lý nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của tổ chức cho vay; mua bán nợ...

“Tuy vậy, tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả còn hạn chế. Đây là vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của ngành ngân hàng và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan” - Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại theo lộ trình, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xử lý nợ xấu, minh bạch hoá và triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng, tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Phó Thủ tướng cho biết, việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng đã phát sinh hệ quả là sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh báo hàng giả 'tấn công' thị trường Tết
Cảnh báo hàng giả 'tấn công' thị trường Tết
TPO - Ngày 5/12, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội, Cục Quản lý Thị trường TPHCM đã thông tin về vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác để không sập bẫy gian thương.
Công nhân livestream công việc ngay tại nhà máy thu hút nhiều người theo dõi
Công nhân với nghề tay trái: Kiếm tiền từ công nghệ
TP - Livestream (phát trực tiếp), làm clip ngắn ngay tại nhà máy, hoặc chia sẻ cuộc sống thường ngày cũng như tham gia giới thiệu sản phẩm do chính công nhân thực hiện đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người có được thu nhập đáng kể từ công việc này.