Bỏ lại ước mơ dang dở
Về xứ Thanh những ngày này hỏi về Hoàng Đức Hải (ở thôn Hồng Kỳ, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ai cũng biết và tiếc thương người thanh niên dũng cảm đã xả thân quên mình cứu người giữa dòng nước dữ. Bên bàn thờ con còn nghi ngút khói hương, ông bà Hoàng Văn Thơ, Vũ Thị Lượt (bố mẹ của Hải) cùng người con gái bần thần, thương nhớ Hải. Ông Thơ cho biết, vợ chồng làm nghề thu mua hải sản ven bờ. Hải là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em. Cuộc sống vất vả, Hải luôn nỗ lực học tập để báo hiếu bố mẹ.
Hải ra đi khi đang là sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, với nhiều dự định, ước mơ còn dang dở. “Tính nó hiền lành, chịu khó, chả bao giờ nói nặng lời với ai. Về quê nghỉ tết vừa rồi, nằm ngủ cùng giường với bố, nó còn xin bố mẹ cho đi học thêm ngoại ngữ. Nó nói ra trường sẽ sớm tìm kiếm việc làm ổn định để hỗ trợ, lo cho bố mẹ. Nào ngờ...”, ông Thơ nghẹn ngào kể lại.
Em gái Hải- Hoàng Thị Hoài Hương (học sinh lớp 11, trường THPT Tĩnh Gia 2), đi cùng anh hôm đó khi được hỏi về tình huống Hải lao mình xuống sông cứu người, em cứ khóc nấc lên từng hồi, nước mắt giàn giụa. Hương chưa thể quên được hình ảnh người anh trai mất đi ngay trước mặt, còn mình bất lực. “Trước khi anh nhảy xuống sông cứu người còn dặn với lại: ‘Em cầm mũ bảo hiểm và ngồi chờ anh’. Chứng kiến anh nhảy xuống cứu được người, còn bản thân bị nhấn chìm em đã gào thét gọi tên anh mãi. Em đã khóc nhiều ngày nay và cầu mong anh được siêu thoát…”, Hương nhớ lại.
Chị Lê Thị Loan (40 tuổi, giáo viên trường THCS Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) khi nhắc đến ân nhân của mình đã rất xúc động. Chị Loan nhớ lại: Hôm đó tôi cùng hai con gái nhỏ ra sông Yên thả cá. Cháu Đặng Minh Trang (8 tuổi) xuống rửa chân không may bị trượt chân trôi ra ngoài. Tôi lao xuống cứu con nhưng không thành. Em Lê Bá Khánh, 15 tuổi, học sinh lớp 9, trường THCS Hải Châu, thấy tôi chới với giữa dòng nước đã lấy sào lội xuống để tôi bám rồi kéo vào bờ. Thấy con gái vẫn bị trôi, tôi hoảng loạn lại nhảy xuống nước. Con gái lớn Đặng Thị Thùy Linh, học lớp 8, trong lúc sợ hãi đã bám chặt lấy chân mẹ rồi cả hai mẹ con bị đuối nước.
Hải biết được 3 mẹ con chị Loan đang ở dưới hồ nước khi được Khánh thông báo. Không do dự, Hải chạy đến nhảy xuống bơi ra kéo cháu Trang vào bờ trước. Khi gần vào đến bờ Hải bị đuối sức, nước chảy xiết nên cậu bị cuốn chìm xuống. Rất may cho mẹ con chị Loan sau đó được sự hỗ trợ của em Lê Ngọc Vương (20 tuổi, ở thôn Thắng Lợi, xã Hải Châu) đã vào bờ an toàn. Còn Hải, sau 3 giờ tìm kiếm, lực lượng cứu hộ phát hiện thi thể anh nằm ở độ sâu 8m, dưới đáy sông, cách bờ khoảng 20m. “Cứ nghĩ vì mẹ con tôi mà em Hải phải hy sinh khiến trái tim tôi đau đớn. Hải đã nhường sự sống cho mẹ con tôi…”, chị Loan nói.
Hoàng Đức Hải mất đi, nhiều người dân đã tìm về thắp cho anh nén nhang, cảm tạ tấm lòng quả cảm của cậu. Gặp lại những người thân, hàng xóm láng giềng của Hải và cả mẹ con cô giáo Loan, chúng tôi cảm nhận được trong nỗi đau xót ấy còn có cả niềm tự hào về cậu.
Xả thân cứu người
Câu chuyện xúc động về sự dũng cảm hy sinh của thượng sĩ Bùi Minh Quý (25 tuổi, quê Thanh Hương, Thanh Liêm, Hà Nam), Cảnh sát PCCC tỉnh Gia Lai khi lao vào dòng nước xoáy của đập thuỷ điện để cứu người dân mắc kẹt sẽ luôn được người dân Gia Lai kể lại trong niềm tự hào về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân.
Trước đó, ngày 3/3, Đội Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn khu vực An Khê, Công an tỉnh Gia Lai nhận được tin báo về một xe ô tô chở mía bị kẹt tại đập tràn qua Nhà máy Đường An Khê (thị xã An Khê). Do xe bị chết máy, tài xế bị kẹt lại trong ca bin, nước lũ mỗi lúc dâng cao đe dọa tính mạng. Lúc này, thượng sĩ Bùi Minh Quý dù không phải ngày trực vẫn xung phong đi cứu người. Tại hiện trường, anh Quý trong vai trò Tiểu đội trưởng đã chỉ huy tiểu đội cứu hộ gồm 5 người (đều là lính nghĩa vụ) tham gia cứu nạn.
Tính mạng tài xế bị đe dọa chỉ còn tính từng phút, lo ngại đồng đội thiếu kỹ năng, anh Quý một mình bơi ra giữa dòng nước lũ. Bất ngờ, nước lũ đổ về nhanh và chảy xiết hơn. Anh đã không thể chống chọi với dòng lũ dữ. Khi bơi tới đúng vị trí chiếc xe tải, anh Quý bị nước cuốn đập vào thành xe. Anh bị choáng, lũ cuốn anh đi trong sự bất lực của đồng đội. Sau hơn 1 tiếng nước rút, các đồng đội tìm thấy thi thể anh mắc kẹt tại một hốc đá.
Nói về thượng sĩ Bùi Minh Quý, thiếu tá Trần Đăng Khoa, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ khu vực An Khê nghẹn ngào: Trong công việc Quý rất nhiệt tình, sẵn sàng xung phong đi làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào, kể cả ngày không trực, mưa gió. Quý luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Còn trong cuộc sống, anh sống rất tình cảm và được anh em đồng đội, mọi người yêu quý. Quý đang hoàn tất các thủ tục để kết nạp Đảng. Quý cũng đã có người yêu ở An Khê. Hai đứa dự định năm nay tổ chức đám cưới. Vậy mà…
Thiếu tá Khoa cho biết thêm, hoàn cảnh gia đình Quý rất khó khăn. Anh là con độc nhất trong gia đình nghèo, cha bị bệnh tâm thần, mẹ lại hay ốm đau. “Dự đám tang của Quý, nhiều anh em đồng đội không cầm được nước mắt. Chứng kiến sự khó khăn, mất mát của gia đình Quý, các tổ chức, ban ngành, đoàn thể tại thị xã An Khê đã phát động hỗ trợ để tiễn đưa người chiến sĩ trẻ về nơi an nghỉ cuối cùng. Đồng thời, có nguồn kinh phí để hỗ trợ chăm lo cho cha mẹ Quý”, thiếu tá Khoa nói.
Ghi nhận sự hy sinh của thượng sĩ Quý, mới đây đại tá Vũ Văn Lâu, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm từ thượng sĩ lên thiếu úy trước thời hạn; T.Ư Đoàn quyết định truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Bùi Minh Quý.
(Còn nữa)
Sau khi sinh viên Hoàng Đức Hải mất đi, Thủ tướng Chính phủ, T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa... đã truy tặng Bằng khen, Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. Mới đây, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tổ chức phát động cuộc vận động: “Noi theo hành động dũng cảm cứu người của đoàn viên Hoàng Đức Hải”.