Những vũ khí gây kinh hoàng trên chiến trường cổ đại

Móc Acsimet dùng để phá chiến thuyền địch hay súng phun lửa sơ khai là những vũ khí kỳ lạ thời cổ đại được cho là có khả năng thay đổi cục diện chiến trường.

Khi nói đến chiến tranh thời cổ đại, phần lớn mọi người đều cho rằng chúng chẳng có gì ngoài giáo mác, cung tên hay ghê gớm nhất cũng chỉ là máy bắn đá. Thế nhưng, trong thực tế, các chiến binh thời xa xưa còn sở hữu những vũ khí vô cùng lợi hại và tinh vi khác. Dưới đây là 4 trang bị gây ấn tượng thời cổ đại theo đánh giá của trang tin quân sự Wearethemighty.com

Móc Acsimet

Những vũ khí gây kinh hoàng trên chiến trường cổ đại ảnh 1

Móc Acsimet. Ảnh minh họa: Wearethemighty.com

Nhà toán học kiêm chuyên gia phát minh trứ danh người Hy Lạp Acsimet đã phát triển nhiều vũ khí để hỗ trợ hệ thống phòng thủ tại quê hương ông ở thành phố Syracuse trên đảo Sicily. Những vũ khí này bao gồm các phiên bản cải tiến của vũ khí tầm xa thời bấy giờ như máy bắn đá hay máy bắn tên ballista.

Ông cũng được cho là đã thiết kế ra một số vũ khí khá kỳ lạ để hỗ trợ sứ mệnh bảo vệ tuyến đê biển của Syracuse trước những cuộc tấn công của các chiến thuyền La Mã thời Chiến tranh Punic lần thứ hai, giai đoạn từ năm 218 đến 202 trước Công nguyên.

Mặc dù kiểu dáng chính xác của móc Acsimet đến nay vẫn chưa sáng tỏ nhưng theo miêu tả của nhiều chuyên gia, nó là một cần trục lớn có gắn một chiếc móc hàm khổng lồ. Khi chiến thuyền La Mã áp sát đê biển, móc Acsimet sẽ được thả xuống để quặp vào thuyền địch rồi nhấc bổng chúng lên khỏi mặt nước. Khi bị thả xuống biển, những chiến thuyến này sẽ bị lật hoặc ít nhất là va chạm mạnh với mặt nước rồi vỡ tan, các thủy thủ cũng bị bắn tung ra ngoài.

Nhà sử học Titus Livius cho rằng hạm đội La Mã đã hứng chịu thương vong khủng khiếp trước loại vũ khí này.

Một nhóm chuyên gia làm việc cho kênh truyền hình Discovery từng tái tạo móc Acsimet bằng cách vận dụng công nghệ thời đại đó, đồng thời thử dùng nó để lật úp một bản sao chiến thuyền La Mã nhằm chứng minh rằng móc Acsimet quả thực là một vũ khí cực kỳ hữu hiệu.

Gương hội tụ ánh sáng mặt trời

Những vũ khí gây kinh hoàng trên chiến trường cổ đại ảnh 2

Chiếc gương hội tụ ánh sáng mặt trời thành tia nhiệt đốt cháy thuyền chiến địch. Ảnh minh họa: Wearethemighty

Một phát minh khác của Acsimet còn gây tranh cãi và ẩn chứa nhiều điều kỳ bí hơn là một dạng vũ khí chiếu tia nhiệt giúp thiêu cháy chiến thuyền kẻ thù. Theo đó, hàng loạt tấm gương lồi sẽ được đặt ở các vị trí chiến lược nhằm hội tụ ánh sáng Mặt Trời vào một điểm trên thuyền gỗ của địch, khiến nó bốc cháy. Cơ chế hoạt động của vũ khí này hoàn toàn giống hành động sử dụng kính lúp để đốt cháy giấy dưới ánh nắng.

Hầu hết các chiến thuyền La Mã thời đó đều có phủ một lớp hắc ín để giúp bịt kín các kẽ hở, ngăn nước rò rỉ vào. Tuy nhiên lớp hắc ín này khiến chiến thuyền rất dễ cháy khi bị chiếu tia nhiệt.

Một số nhà sử học cổ đại ghi chép rằng gương chiếu tia nhiệt từng được triển khai trong trận La Mã vây hãm Syracuse năm 212 trước Công nguyên. Song, sau khi thử tái dựng gương chiếu tia nhiệt, Viện Công nghệ Massachusetts cùng một số nhóm nhà khoa học khác kết luận rằng đây là loại vũ khí gần như phi thực tế.

Lý do là để vận hành vũ khí này người ta phải phụ thuộc vào vị trí Mặt Trời cũng như đòi hỏi bầu trời phải quang mây. Hơn nữa, gương chiếu tia nhiệt chỉ phát huy tác dụng đối với các mục tiêu đứng yên bởi nó cần nhiều thời gian để kích cháy.

Dù có thành công đi chăng nữa thì gương chiếu tia nhiệt cùng lắm cũng chỉ có thể tạo ra các đám cháy nhỏ dễ dàng dập tắt. Nếu muốn tấn công chiến thuyền, những mũi tên lửa hay máy bắn đá là các vũ khí khả dĩ hơn bởi có tầm bắn xa và dễ dàng triển khai.

Tác dụng thực tế duy nhất của gương chiếu tia nhiệt là khiến thủy thủ trên các chiến thuyền địch lóa mắt. Mặc dù còn khiếm khuyết nhưng ý tưởng về việc sử dụng ánh sáng làm vũ khí gây chết người chính là tiền đề cho sự ra đời của vũ khí laser hiện đại ngày nay.

Vũ khí sinh học

Sau hàng loạt xích mích, Hãn quốc Kim Trướng (tên gọi một Hãn quốc Hồi giáo Mông Cổ) năm 1346 kéo quân bao vây thành phố Caffa (lãnh thổ Crimea ngày nay). Khi đó, bệnh dịch hạch đang hoành hành ở Crimea và nó nhanh chóng lây nhiễm sang các binh sĩ Mông Cổ, khiến hàng nghìn người tử vong.

Theo ghi chép của công chứng viên người Italy Gabriele de’ Mussi, lúc bấy giờ, hoàng đế Hãn quốc Kim Trướng Trát Ni Biệt (Janibeg) đã ra lệnh ném thi thể của các binh sĩ thiệt mạng do dịch hạch sang bên kia thành lũy của Caffa.

"Chẳng bao lâu sau, những thi thể phân hủy đã gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Mùi hôi thối nồng nặc đến nỗi không một ai trong vài nghìn người bị vây hãm dám bước qua các xác chết này", Mussi viết. Hơn nữa, bệnh dịch hạch còn lây lan với tốc độ chóng mặt. Cuối cùng, mọi người trong thành phố đều chết dần do nhiễm bệnh.

Các tàu buôn của Italy được cho là đã phát tán dịch hạch sang châu Âu khi bỏ chạy khỏi thành phố Caffa và gây ra đại dịch kinh hoàng, còn gọi là Cái chết Đen, khiến hơn 25% dân số của lục địa này tiêu vong. Dẫu vậy, giới chuyên gia nhận định, trận vây hãm Caffa dường như chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong việc làm bùng phát đại dịch bởi thực tế, châu Âu bị ảnh hưởng bởi rất nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau.

Súng phun lửa

Những vũ khí gây kinh hoàng trên chiến trường cổ đại ảnh 3

Súng phun lửa. Ảnh minh họa: Wearethemighty

Hàng loạt vũ khí phun lửa và chất lỏng gây cháy từng xuất hiện từ thời cổ đại nhưng Đế quốc Đông La Mã được cho là nơi tạo ra một loại vũ khí phun lửa vô cùng đặc biệt. Các nhà sử học còn miêu tả đây là phiên bản thô sơ của bom napalm ngày nay.

Giới khoa học vẫn chưa nắm rõ về cấu tạo của vũ khí này, nhưng theo một số bản ghi chép, chúng thường sử dụng một chất dễ cháy gọi là naptha hay "lửa Hy Lạp". Naptha sẽ được đốt cháy lên trong các bình đất sét, sau đó người ta sẽ ném chúng bằng tay hoặc máy bắn đá nhắm vào chiến thuyền, các phương tiện vây hãm và binh sĩ đối phương.

Naptha cũng được dùng trong một số phiên bản sơ khai của súng phun lửa. Các đạo quân cổ đại sẽ đổ đầy naptha vào các ống đồng lớn rồi đặt trên mũi chiến thuyền. Sau đó, họ đẩy hơi vào ống đồng để bắn chất lỏng gây cháy này sang thuyền kẻ thù. Naptha chỉ có thể bị dập tắt bằng cát. Nếu dùng nước để dập sẽ chỉ khiến nó lan rộng ra và đám cháy càng trở nên dữ dội.

Ngoài súng phun lửa lắp trên chiến thuyền, người cổ đại còn có cả một loại súng phun lửa cầm tay với tên gọi cheiroseiphon. Chúng thường được dùng để đốt cháy các tháp chiến đấu, song một số chiến lược gia của Đế quốc Đông La Mã cũng sử dụng cheiroseiphon trên chiến trường nhằm gây khiếp sợ và phá vỡ đội hình đối phương.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG