Những trường hợp không nên tiêm vaccine

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Nguyên Viện Phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) để giải đáp những thắc mắc của độc giả xoay quanh việc chủng ngừa.

Có phải chất lượng vaccine ngoại tốt hơn vaccine trong nước?

Về nguyên tắc chung cơ bản: vaccine sản xuất ở đâu cũng phải đảm bảo an toàn và hiệu quả bảo vệ để phòng bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới đề ra nên vaccine sản xuất ở trong nước hay vaccine ngoại cũng đều phải tuân thủ và đáp ứng ngặt nghèo tiêu chuẩn này.

Ở Việt Nam cũng đã có hệ thống sản xuất vaccine hơn 50 năm nay đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã được cung cấp hầu hết các vaccine sản xuất tại Việt Nam: Bại liệt, sởi, Viêm não Nhật Bản, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao...

Việt Nam chưa sản xuất được vaccine phòng được nhiều bệnh cùng lúc nhưng những loại vaccine phòng riêng rẽ cho từng loại bệnh thì chúng ta đã làm được. Trên thực tế thì chất lượng vaccine nội không thua kém so với vaccine ngoại mà giá thành còn rẻ hơn rất nhiều.

Xin bác sĩ cho biết việc dùng vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng đã đủ chưa hay phải dùng thêm vaccine dịch vụ?

Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia của Việt Nam chỉ chủng phòng ngừa một số bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi/viêm màng não, viêm gan B, lao, sởi, bại liệt...còn một số các bệnh dịch khác như viêm màng não mủ, quai bị, rubelle, cúm, tiêu chảy do rotavirus, thủy đậu, não mô cầu, ung thư cổ tử cung, viêm gan A, vaccine 5 hay 6 trong 1… phải dùng tiêm vaccine dịch vụ.

Những trường hợp nào không nên tiêm vaccine?

Mọi người chỉ được tiêm vaccine khi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, bất cứ một biểu hiện bệnh như sốt cao, mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, viêm da mủ, bệnh chàm ngoài da, hoặc các bệnh mãn tính như lao phổi, tràn dịch màng phổi, viêm thận mãn tính… thì không nên tiêm vaccine.

Nguyên nhân là do lúc đó hệ miễn dịch của cơ thể đã yếu, bản thân nó đã phải chống chọi với các tác nhân gây bệnh khác rồi do đó nó không thể đáp ứng được với những kháng nguyên mới được tiêm từ vaccine.

Bên cạnh đó, những trẻ bị AIDS thì không nên tiêm vaccine phòng lao, những người có tiền sử dị ứng với các thành phần của vaccine cũng không nên tiêm.

Có thể tiêm nhiều loại vaccine cùng lúc không?

Tùy từng loại vaccine mới có thể quyết định xem chúng có tiêm cùng lúc với nhau được không. Ví dụ như vaccine 5 trong 1 có thể phòng được 5 bệnh chỉ với 1 mũi tiêm, hay như sởi, quai bị, rubella cũng được phối hợp trong một mũi tiêm giúp giảm được số lần tiêm.

Việc có thể tiêm cùng lúc nhiều vaccine rất tốt, nó có thể giảm được số lần đến cơ sở y tế, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Tuy nhiên, không phải loại vaccine nào cũng kết hợp được với nhau, ví dụ như thủy đậu và sỏi,quai bị, rubella là các vaccine sống giảm độc lực nên phải tiêm cách nhau ít nhất 1 tháng.

Do đó, nếu muốn tiêm cùng lúc nhiều loại vaccine cho trẻ, phụ huynh cần hỏi bác sĩ tiêm phòng để được tư vấn đầy đủ.

Tiêm chủng được diễn ra trong một quá trình dài, nên rất nhiều trường hợp làm thất lạc, nhàu nát, hỏng sổ theo dõi. Lúc đó họ cần làm gì?

Hiện nay các cơ quan đều áp dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi khách hàng. 

Thông thường thì trẻ đã được tiêm những loại vaccine nào đều được cơ sở tiêm cập nhật trong sổ theo dõi điện tử này. Tuy nhiên, hệ thống dù hiện đại đến đâu vẫn có những nguy cơ trục trặc, hay bị lỗi, do đó, lý tưởng nhất vẫn là phụ huynh phải có ý thức bảo quản cẩn thận sổ theo dõi tiêm chủng của con em mình như bảo vệ chứng minh thư.

Nếu tiêm chậm hơn hoặc sớm hơn thời điểm cần tiêm chủng có được không? Khoảng thời gian cho phép được “du dịch” là bao nhiêu?

Như đã nói ở trên, tiêm phòng còn phải dựa vào tình trạng sức khỏe của người đi tiêm. Thông thường thì có lịch tiêm chủng phù hợp với từng lứa tuổi và loại vaccine, tuy nhiên, trong thời điểm đáng ra phải tiêm nhưng cơ thể có biểu hiện bệnh thì không nên tiêm. Sau đó, bạn nên tiêm vào thời gian gần nhất có thể.

Hiện nay có một số trường hợp dùng dịch vụ tiêm vaccine tại nhà, điều này có nên không?

Tiêm tại nhà hay tiêm ở nơi công cộng thì đều phải tuân thủ quy trình tiêm an toàn như nhau cả, cơ bản nhất là người thực hiện phài tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình tiêm chủng, trình độ của bác sĩ và ekip tiêm.

Nếu tiêm tại nhà cũng là bác sĩ đã được đào tạo, tập huấn về tiêm chủng thì họ cũng phải hiểu biết hết về những quy định trong tiêm chủng.

Ưu điểm của tiêm tại nhà là bác sĩ đó có thời gian để khám kĩ càng hơn, do đó nếu có điều kiện thì chúng ta có thể sử dụng dịch vụ này.

Nếu là bác sĩ và ekip tiêm đã được đào tạo thì họ sẽ biết cách để làm đúng quy trình để bảo quản vaccine tốt nhất. Tuy nhiên nếu tiêm tại nhà khi có sự cố xảy ra sau tiêm sẽ khó có điều kiện sơ cứu cơ bản như các điểm tiêm chủng.

“Phác đồ” vaccine cho từng đối tượng

Bạn không nhớ mình nên tiêm vaccine gì vào giai đoạn nào? Bạn không nhớ rõ con mình đã chủng ngừa gì, cần thêm vaccine nào? “Phác đồ” dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng ghi nhớ.

Tuổi

Vaccine phòng bệnh

Lịch tiêm

Trẻ sơ sinh (càng sớm càng tốt)

Lao (BCG)

Mũi 1: Có thể nhắc lại sau 4 năm

Viêm gan B

Mũi 1

Bại liệt

Bại liệt sơ sinh

1 tháng tuổi

Viêm gan B

Mũi 2

2 tháng tuổi

Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt

Mũi 1

Viêm màng não mủ, viêm họng, viêm PQ, viêm phổi... do trực khuẩn H.influenza tuýp b

Mũi 1

Viêm gan B

Mũi 3 (Một năm sau nhắc lại mũi 4 và 8 năm sau nhắc lại mũi 5)

3 tháng tuổi

Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt

Mũi 2

Viêm màng não mủ, viêm họng, viêm PQ, viêm phổi…do trực khuẩn H.influenza týp b

Mũi 2

4 tháng tuổi

Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt

Mũi 3 (nhắc lại sau 1 năm)

Viêm màng não mủ, viêm họng, viêm PQ, viêm phổi…do trực khuẩn H.influenza týp b

Mũi 3 (nhắc lại sau 1 năm)

9 tháng tuổi

Vaccine phối hợp sởi, quai bị, rubella (MMR)

Tiêm 1 mũi, 4-6 năm sau tiêm nhắc lại (Khi cần thiết nhắc lại sau 15 tháng)

Thủy đậu (Varicella)

Tiêm 1 mũi duy nhất (9 tháng – 12 tuổi)
Nếu trên 12 tuổi: tiêm 2 mũi (cách nhau 6 – 8 tuần)

12 tháng tuổi

Viêm não Nhật Bản B

Tiêm 3 mũi (2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần và mũi 3 sau 1 năm)

15 tháng tuổi

Vaccine phối hợp sởi, quai bị, rubella (vaccine MMR)

Tiêm 1 mũi (nhắc lại sau 4-5 năm)

18 tháng và người lớn

Viêm màng não do não mô cầu

Tiêm 1 mũi
(Cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần hoặc theo chỉ định khi có dịch)

24 tháng tuổi

Viêm gan A

Tiêm 2 mũi
Từ 2-15 tuổi: khoảng cách giữa 2 mũi là 6 tháng

Viêm phổi, viêm màng não mủ.. do phế cầu khuẩn

Tiêm 1 mũi
(Cứ 5 năm nhắc lại 1 lần)

Thương hàn (Typhoid

Tiêm 1 mũi. Cứ 3 năm nhắc lại 1 lần

36 tháng

Vaccine cúm

1 liều mỗi năm
(trẻ dưới 8 tuổi: chưa mắc cúm hoặc chưa tiêm chủng phải tiêm liều thứ 2 sau 4 tuần)

Lưu ý:Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt nên nhắc lại khi 4-6 tuổi, 10-11 tuổi và 16-21 tuổi.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.