Tuy nhiên, nhiều trường hợp vì bố mẹ không chú ý đến những bất thường đó mà đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Ví dụ như khi trẻ sốt, kèm theo cứng cổ nếu bố mẹ không để ý kỹ thì nghĩ con sốt thông thường nên cho uống thuốc hạ sốt. Thế nhưng, nếu trẻ bị viêm não mô cầu mà vẫn được theo dõi, dùng thuốc hạ sốt tại nhà thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, có những dấu hiệu mà bố mẹ và người chăm sóc trẻ không thể chủ quan, “coi thường” vì nghĩ là triệu chứng bệnh đơn giản, có thể tự chữa được và tự khỏi. Theo TS Lê Minh Hương, khoa Miễn dịch-dị ứng-khớp, BV Nhi Trung ương thì đó là các triệu chứng sốt cao trên 39 độ C ở trẻ dưới 2 tuổi.
Thông thường, trẻ em hay bị sốt do các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn và ngay cả khi mọc răng. Tuy nhiên, khi cơn sốt trên 39 độ C tấn công trẻ thì cần lưu ý- đặc biệt với trẻ dưới 3 tháng vì ở tuổi này trẻ dễ bị sốt cao co giật gây ảnh hưởng đến tính mạng. Lúc này, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt và đưa đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây sốt. Còn khi trẻ đã trên 2 tuổi, sốt là bệnh lý phổ biến nên bạn không cần quá lo lắng nếu thấy bé không mất nước và không có biểu hiện bất thường. Bố mẹ có thể dùng thuốc hạ nhiệt như paracetamol với liều 10mg/kg/1 lần cho trẻ và 4-6 tiếng sau có thể nhắc lại. Nếu trẻ không hạ sốt dù đã uống thuốc, hoặc sốt kéo dài hơn 5 ngày, hãy đi khám tại các cơ sở y tế vì khả năng bị nhiễm khuẩn cao.
Triệu chứng tiếp theo cha mẹ cần chú ý là trẻ sốt kèm theo cứng cổ, đau đầu hoặc phát ban. Khi trẻ sốt và kèm theo xuất hiện các ban giống như vết bầm tím hoặc đốm nhỏ hình sao cần đưa trẻ đến BV ngay vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não, viêm não do mô cầu. Bệnh này rất nguy hiểm đến tính mạng vì diễn biến nhanh và nặng.
Cũng theo TS. Hương, một số dấu hiệu nữa mà cha mẹ cần quan tâm là khi trên da trẻ xuất hiện các ban bất thường. Đó là những nốt mẩn theo các xoáy tròn, có những đốm nhỏ li ti không biến mất khi ấn lên da, hoặc xuất hiện các vết bầm lớn. Những dấu hiệu này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm như rối loạn đông máu. Vì thế, trẻ cần được đưa đi khám sớm để phát hiện kịp thời. Hoặc nếu tự nhiên trên da lại xuất hiện ban lớn đa hình thái, thường hơi sưng lên và ngứa có thể là dấu hiệu dị ứng. Ngoài ra trẻ có thể kèm sưng môi hoặc khò khè khó thở…Trên da trẻ tự nhiên xuất hiện nốt ruồi mới hoặc hình dạng nốt ruồi cũ thay đổi cũng là điều cần lưu ý bởi đó có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư da.
Những cơn đau bụng ở trẻ cũng cần được chú ý bởi đôi khi chỉ đơn giản là trẻ đau bụng do chạy nhảy nhiều hoặc đau tiêu hóa nhưng cũng có những trường hợp rất nguy hiểm. Với trẻ lớn xuất hiện đau bụng phía dưới, bên phải hoặc đột nhiên đau quặn bụng... thì bố mẹ bảo trẻ thử nhảy lên xuống, nếu thấy đau hơn khi làm vậy thì đó có thể là dấu hiệu đau ruột thừa. Ở trẻ nhỏ bị đau bụng thất thường, lúc thì quặn thắt lúc lại không sao, đó có thể là dấu hiệu của chứng lồng ruột-một loại rối loạn nghiêm trọng ở trẻ nhỏ khi các đoạn ruột bị vướng vào nhau. Trong cả hai trường hợp trên đều phải nhanh chóng đưa trẻ đến BV để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
TS Hương đưa ra lời khuyên, khi lên chức cha mẹ, đồng nghĩa với việc bạn phải kiêm luôn vai trò bác sĩ, phải học cách bắt bệnh cho con mỗi khi chúng sổ mũi, hắt hơi, khó chịu… Bạn cũng cần biết xử lý những tình huống thông thường và đặc biệt phải biết nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm của trẻ để đưa trẻ đến bác sĩ kịp thời. Không nên chủ quan nghĩ rằng "nhẹ thôi mà", "đơn giản, ra hiệu thuốc mua vài viên thuốc uống là khỏi" để tự điều trị cho con mà cần lưu ý kỹ những triệu chứng, dấu hiệu cụ thể để phòng tránh cho con những bệnh nguy hiểm một cách kịp thời.
Theo Pháp Luật Xã Hội