Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, người đại diện quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại, thì không thể đưa vụ án ra xét xử khi còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ.
Vợ nhà báo Hoàng Hùng. |
Theo báo Thanh Niên, trong một văn bản gửi cho Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh ngày 20 - 5 - 2011, Giám đốc Công an tỉnh Long An khẳng định: “ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên Đội trưởng QLTT số 5 thuộc Chi cục QLTT Long An) có biểu hiện che giấu tội phạm. Cụ thể là sau khi nhà báo Lê Hoàng Hùng bị phóng hỏa, ông Tâm thường xuyên liên lạc điện thoại với bà Liễu, đến nhà Liễu hai lần để động viên và hướng dẫn cách trình bày đối phó với cơ quan điều tra… Chính vì vậy mà bà Liễu đã quanh co, chậm ra tự thú, gây khó khăn cho công tác điều tra”.
Vậy mà trong cáo trạng truy tố bà Trần Thúy Liễu thì vai trò của ông Tâm lại không được nhắc đến. Trước và sau khi vụ án xảy ra, ngoài việc hai người liên lạc với nhau bằng thư tay, chỉ trong một tháng rưỡi ông Tâm đã gửi tổng cộng 561 tin nhắn và 512 cuộc gọi vào số máy điện thoại của bà Liễu.
Đây cũng là tình tiết mà luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại yêu cầu phải làm rõ xem nội dung hơn 1.000 tin nhắn và cuộc gọi đó nói gì?
Một vấn đề khác là chuyện “cửa đóng hay mở”. Theo hồ sơ vụ án thì ngay sau khi ông Hùng bị phóng hỏa, một số nhân chứng là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường đều khai cửa rào và cửa chính tầng trệt đã mở. Còn cháu Lê Hồng Châu thì cho biết khi nghe tiếng ông Hùng kêu cứu, cháu nghe có tiếng chân người chạy “bịch, bịch” rất nhanh từ trên lầu xuống cầu thang... Tuy nhiên, sau đó thì những người này đã thay đổi lời khai.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An thì: “Sau khi nghe tiếng la cháy, ông Mến và anh Nghĩa chạy đến trước sân nhà Liễu đều xác định cửa chính tầng trệt nhà Liễu khóa kín không vô được”.
Theo Hoàng Phương
Thanh Niên