Những tỉnh, thành nào đã tiêm mũi 2 vắc xin cho trẻ em?

0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ emẢnh: Long Phạm
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ emẢnh: Long Phạm
TP - Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ tháng 3 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ 93 đợt vắc xin phòng COVID-19 với tổng số gần 135 triệu liều. Tính đến sáng 23/11, cả nước có 23 tỉnh, thành tiêm vắc xin cho trẻ em. Hà Nội là địa phương mới nhất triển khai hoạt động này.

23 địa phương tiêm vắc xin cho trẻ em

Về tiêm chủng cho đối tượng từ 12-17 tuổi, hiện đã có 22 tỉnh, thành phố: Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang đang triển khai tiêm vắc xin cho trẻ.

Đến nay, các địa phương này đã tiêm được 1.832.424 liều vắc xin cho trẻ, trong đó có 1.828.095 liều mũi 1 và 4.329 liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 20% dân số từ 12 đến 17 tuổi. TPHCM là nơi triển khai tiêm cho trẻ đầu tiên (từ 27/10) và là địa phương có số lượng tiêm nhiều nhất với hơn 660.000 liều. Kế tiếp đó là các tỉnh như Quảng Ninh, Bình Dương, Cà Mau.... Các tỉnh đã tiêm mũi 2 cho trẻ gồm: Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Nai, An Giang, Bình Dương.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, căn cứ vào số lượng vắc xin Comirnaty (Pfizer) mà Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư vừa cấp cho thành phố, trong chiều 22/11, 304.140 liều vắc xin được phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã. Sáng nay (23/11), Hà Nội chính thức triển khai tiêm cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn.

Cụ thể, sẽ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 15-17 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn thành phố theo lộ trình hạ dần độ tuổi (có thể sử dụng để tiêm trả mũi 2 cho trẻ từ 15 đến 17 tuổi sau khi đã hết đối tượng tiêm mũi 1 trên địa bàn), bảo đảm khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất là 3 tuần. Thời gian hoàn thành đợt tiêm chủng này trước ngày 25/11.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đồng thời chuẩn hóa, liên thông dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Bên cạnh đó, rà soát, thống kê các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi để chuẩn bị xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 với các trường hợp đủ thời gian, ưu tiên người trên 50 tuổi.

Với số lượng 304.140 liều vắc xin, quận Đống Đa được nhận 19.188 liều, tiếp đến là huyện Đông Anh nhận 15.894 liều, quận Cầu Giấy nhận 15.665 liều, huyện Ba Vì nhận 12.414 liều, quận Nam Từ Liêm nhận 12.312 liều, quận Hà Đông nhận 11.478 liều, các quận, huyện, thị xã còn lại tiếp nhận từ hơn 5.000 đến 11.000 liều.

“Đối tượng cần tiêm đợt này nằm trong nhóm từ 15 đến 17 tuổi, gồm trẻ đi học và trẻ không đi học. Việc tổ chức buổi tiêm chủng bảo đảm đúng, đủ đối tượng, sử dụng vắc xin hiệu quả, tránh hao phí. Triển khai theo hình thức giảm dần độ tuổi, cuốn chiếu theo từng trường. Địa điểm triển khai: Tại các trường học đối với trẻ em đang đi học hoặc tại trạm y tế đối với trẻ em không đi học hoặc học trên địa bàn tỉnh, thành phố khác, tiêm vét cho đối tượng tạm miễn hoãn”, Sở Y tế Hà Nội lưu ý.

Riêng với trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu…, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã sẽ cung cấp vắc xin để các bệnh viện thực hiện tiêm chủng cho trẻ.

Trước đó, theo kế hoạch mà UBND thành phố Hà Nội đề ra, ngay sau khi tiếp nhận vắc xin, chỉ trong 2 ngày, thành phố sẽ tiêm chủng xong cho học sinh trung học phổ thông.

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cho số học sinh trung học phổ thông này trở lại trường. Như vậy Hà Nội trở thành địa phương thứ 23 trên cả nước tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.

Đã tiêm hơn 80% vắc xin được phân bổ

Trong số vắc xin về Việt Nam, vắc xin Sinopharm chiếm nhiều nhất với 48,5 triệu liều, tiếp đến là AstraZeneca với hơn 46,7 triệu liều; vắc xin Pfizer và Moderna hơn 33,3 triệu liều, còn lại là vắc xin Abdala và Sputnik V.

Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 công bố ngày 22/11, cả nước hiện đã tiêm hơn 109 triệu mũi (chiếm hơn 80% số lượng vắc xin được phân bổ), trong đó có khoảng 67 triệu mũi 1 và khoảng 42 triệu mũi 2. Theo Bộ Y tế, các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Hiện, tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 89,9% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin là 56,9% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 82,2% và 48,6%; miền Trung là 87,4% và 40,1%; Tây Nguyên là 86,6% và 18,6%; miền Nam là 97,3% và 73,8%.

Có 58 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 22 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ trên 95% là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.