Những thú tiêu khiển độc hại của giới trẻ
> Giới trẻ Việt đang chạy theo mốt 'tàn phá não bộ'?
> 'Bóng cười' gây xôn xao giới trẻ Sài thành
> Bé gái 'phê' keo con chó té sông chết đuối
Những thú vui mà khi nhắc đến nhiều người phải giật mình.
Thêu tranh chữ thập có thể gây ung thư
Một chủ cửa hàng bán tranh thêu chữ thập tùy mẫu tranh và kích cỡ tranh, từ 30.000- 650.000 đồng/bộ không ngại nói rằng :“3.000 đồng/tép làm gì có chuyện “chính hãng”, người ta làm theo code màu của DMC, nhưng đều là hàng ngoại nhập, bảo đảm thêu rất đẹp”.
Không khó để mua nhiều loại chỉ trên bao bì in toàn chữ Trung Quốc, người bán cho biết loại này rất nhiều người mua vì giá rẻ, chỉ 1.000đ/tép, lại có đủ gam màu, có cả chỉ loang (sợi chỉ có màu đoạn đậm, đoạn nhạt) và loại chỉ pha trộn nhiều màu sắc khác nhau để tạo hiệu ứng cho tranh, chỉ 3D bóng tạo tranh thêu nổi, chỉ kim tuyến,... Nhiều loại bó cuộn, bán theo ký.
Vấn đề đáng lo là phần lớn các mẫu vải tranh thêu chữ thập, nguyên liệu chỉ lưu thông trên thị trường Việt Nam chưa có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. Thế nhưng, nhiều chị em đổ xô thêu tranh. Dù có dụng cụ xỏ chỉ kèm theo, nhưng nhiều người có thói quen ngậm đầu chỉ để xỏ kim. Chị Xuân Lan (ngụ Q.5, TPHCM) phản ảnh: con gái chị và một số người bạn có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt,… sau khi thêu tranh chữ thập.
Ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TT 3) cho biết, chưa có đơn vị nhập khẩu chỉ thêu, vải thêu nào đăng ký kiểm định chất lượng tại TT 3. Phần lớn hàng được nhập theo đường tiểu ngạch.
Hiện nay chưa có quy định bắt buộc nào áp dụng cho mặt hàng tranh thêu, riêng chỉ thêu thuộc nhóm vật liệu dệt phải qua kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Công thương vì có khả năng chứa phẩm màu nhuộm azo (chất thuộc danh mục cấm) và formandehyt (chất có nguy cơ gây dị ứng, ung thư đối với người tiếp xúc nhiều).
Thú chơi côn trùng độc hại
Để chứng tỏ "đẳng cấp" chơi khác người, nhiều dân chơi đang đổ xô săn lùng những con vật độc, lạ để nuôi, chơi, bất chấp nguy hiểm rình rập.
Gần đây, mốt chơi bọ cạp đen, rết khổng lồ, nhện "khủng" đang rộ lên trong giới dân chơi Hà Nội. Thông thường, người bán bọ cạp thường khẳng định đã rút hết nọc độc. Song, trên thực tế, các loài bọ cạp được rao bán trên đường phố và qua các trang mạng ở Hà Nội đa số là một loài bọ cạp đen có độc.
Theo các chuyên gia y tế, vết đốt của bọ cạp đen để lại như vết ong đốt, gây sưng phồng, đỏ và đau nhức, đôi khi còn bị bầm tím. Có khi, nạn nhân chỉ cảm thấy hơi bị ngứa rát ở chỗ bị chích nhưng liền sau đó bị chóng mặt, đổ mồ hôi chảy nước mắt, nước mũi, buồn nôn, cứng chân tay. Đối với trẻ em và người bị dị ứng với nọc bọ cạp, việc bị bọ cạp đốt có thể gây sốc phản vệ, trong một số trường hợp sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Rết khổng lồ được nuôi trong tủ kính lớn hoặc trong các chai, lọ thủy tinh để hở nắp. Nuôi loài này khá dễ, chỉ cần đảm bảo đủ không khí, nước và ít mồi, là rết có thể sống được trong chai đến hai tháng.
Tuy nhiên, không ít dân chơi cũng vì thú vui này mà lãnh đủ hậu quả khi bị rết cắn, tay chân phồng rộp, sưng tấy. Nọc độc của rết khổng lồ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người chơi về lâu dài, thậm chí có thể gây sốt, nôn mửa...
"Bóng cười" đầu độc giới trẻ
Thời gian qua, một bộ phận giới trẻ thành phố đang “phát sốt” lên vì một thú chơi mới mang tên “bóng cười”. Tuy nhiên, phần nhiều trong số đó không biết rằng đang tự đầu độc sức khỏe của mình bằng thú tiêu khiển độc hại này.
"Bóng cười” thường được bán và sử dụng rộng rãi ở một số quán bar, quán karaoke. Số tiền phải bỏ ra để mua 1 quả “bóng cười” không cao, chỉ từ 50.000 đồng – 60.000 đồng/quả. Chính vì giá cả phải chăng nên rất nhiều bạn trẻ dù không phải là “dân chơi” cũng có thể mua và sử dụng trong khoảng thời gian dài.
Người chơi chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng, hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên. Cứ như vậy lặp lại khoảng 4-5 lần sẽ khiến bất cứ ai dù đang vui hay buồn đều sẽ cười thả phanh mà không biết tại sao mình cười. Được biết, “bóng cười” cấu tạo giống bóng bay, bên trong chứa một loại khí có tác dụng gây cười, thực chất là khí Nitrô Ôxy (N2O). Khi hít vào, khí gây cười sẽ tạo cho "người chơi" cảm giác phấn khích, lâng lâng, quay cuồng, bật cười vô cớ.
Theo bác sĩ Đào Minh Châu, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng, N2O là loại khí giảm đau, có vị ngọt nhẹ, không màu. Chất này có thể gây tê, mê toàn thân nhưng không mất tri giác. Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi vì khí này tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh khí N2O sẽ gây rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, nếu dùng nhiều sẽ bị nhiễm độc và sẽ gây nghiện. Khi hít phải một lượng nhỏ, N2O có thể gây phấn khích, kích động nhẹ, khiến người sử dụng cười “vô cớ”. Tác dụng này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn khiến người chơi phải tiếp tục hít thêm nữa để tăng độ “phê”.
Hít keo độc hại, thú vui chết người của teen
Thổi phồng chiếc túi ni lông chứa đầy keo lỏng rồi úp vào mũi hít lập tức khuôn mặt giãn ra đờ đẫn vì "phê" keo.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc bệnh viện tâm thần TP HCM cho biết, trào lưu hít keo này đã có ở nước ngoài từ lâu. Một số người nghiện thuốc phiện nhưng không có nhiều tiền mua heroin, nên hít keo thay thế. Loại này giá thành rẻ hơn mà vẫn mang lại được cảm giác "đê mê" tương tự ma túy.
Theo bác sĩ Thắng, sau một thời gian hít, các hóa chất này đi vào cơ thể người sử dụng sẽ làm chết tế bào thần kinh trung ương, sau đó gây ra các bệnh nghiêm trọng ở phổi, bao tử, tim, gan thận,...
Theo Đất Việt