Những thủ phạm làm bạn thức giấc lúc nửa đêm

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Còn gì khó chịu bằng khi đang ngon giấc đột nhiên bị tỉnh dậy.

Truy tìm thủ phạm

Một số thủ phạm dưới đây làm bạn tỉnh giấc lúc nửa đêm:

1. Đau: Đau lưng, đau đầu và các bệnh đau mãn tính khác… thường xuyên gây đau nhức về đêm là nguyên nhân chính của việc thức giấc có liên quan đến những cơn đau.

2. Căng thẳng: Tỉnh ngủ và mất ngủ là dấu hiệu của trầm cảm và quá lo âu. Nếu căng thẳng vì các sự kiện như tiền bạc hoặc các vấn đề hôn nhân thường bắt đầu bằng triệu chứng thao thức, ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc; có thể sẽ kéo dài thành mãn tính.

3. Ngáy: Ở Việt Nam, có tới 45% số người trên 40 tuổi mắc chứng ngủ ngáy. Ngáy đơn thuần không phải là một vấn đề lớn nhưng có một số trường hợp ngáy thường đi kèm với ngưng thở khi ngủ, một chứng rối loạn liên quan đến bệnh tim, huyết áp cao và đột quỵ.

4. Jet lag (thay đổi múi giờ): Lệch múi giờ thường kéo theo sự thay đổi của đồng hồ sinh học, bộ não chưa kịp thích ứng chắc chắn sẽ dẫn đến mất ngủ hoặc ngủ không đúng giấc. Bạn có thể thấy buồn ngủ ban ngày, còn ban đêm mắt lại rất tỉnh táo và phải mất ít nhất hai ba ngày để tự điều chỉnh. Nếu bạn cứ phải di chuyển giữa khoảng cách xa nhiều lần có thể dẫn đến mất ngủ kinh niên.

5. Đổi ca làm việc: Những người làm việc thay đổi ca luân phiên có mức độ serotonin thấp, một hormone dẫn truyền thần kinh giúp điều hòa giấc ngủ. Chính vì thế họ không giữ được thói quen giờ giấc đi ngủ và thấy buồn ngủ trong những cung giờ khác nhau.

6. Thay đổi nội tiết tố: Mãn kinh, kỳ kinh nguyệt, mang thai là một trong những nguyên do chính của các vấn đề giấc ngủ ở phụ nữ.

7. Bệnh: Bệnh phổi hoặc hen suyễn với các vấn đề như thở khò khè, khó thở có thể làm phiền giấc ngủ của bạn nhất là vào sáng sớm. Nếu bạn bị suy tim, bạn có thể gặp khó khăn vì những cơn thở bất thường. Parkinson và các bệnh về thần kinh khác cũng kéo theo mất ngủ thành tác dụng phụ thường xuyên. Các bệnh đường tiết niệu, sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi bàng quang…) u xơ tuyến tiền liệt, đái tháo đường thường gây đi tiểu nhiều lần trong đêm.

8. Thuốc: Thuốc sẽ khiến bạn mất ngủ, đặc biệt nếu thời gian uống thuốc sát giờ đi ngủ và uống với liều lượng cao.

Điều trị chứng mất ngủ

Việc điều trị mất ngủ chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp với điều trị nguyên nhân nếu xác định được nguyên nhân gây mất ngủ.

1. Loại bỏ nguyên nhân chủ quan:Bạn nên cố gắng tìm hiểu xem tác nhân gây tỉnh giấc, mất ngủ là gì, có thể bạn đang mắc vào những nguyên nhân kể trên. Khi đã đoán biết được lý do, bạn có thể tự điều chỉnh mà không cần đến sự can thiệp của các bác sỹ.

2. “Vệ sinh” giấc ngủ:Bạn hãy tạo cho mình tâm trạng thư thái, để đầu óc hoàn toàn nghỉ ngơi, thư giãn để dễ ngủ. Giường ngủ cũng cần đặt ở nơi thoáng mát, chăn màn sạch sẽ, có thể nghe một bản nhạc nhẹ nhàng trước giờ ngủ…

3. Luyện tập:Bạn hãy tập những động tác thư giãn, những bài tập thở, xoa đầu mặt cổ, bấm huyệt…

4. Dùng thuốc theo dân gian:Một số cây cỏ vừa là rau ăn vừa có thể dùng làm thuốc và không độc: hạt sen, long nhãn, mật ong, đậu xanh, đậu đen, táo tàu… có tác dụng an thần, trị mất ngủ. Chuối, các loại hạt, lạc… giúp điều hòa giấc ngủ. Các loại cây như lạc tiên có thể dùng luộc, hấp ăn như rau xanh hoặc đem nấu nước uống với lá dâu tằm, lá vông, tâm sen trị mất ngủ.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG