Những thông tin sai lệch xung quanh chuyến thăm của bà Pelosi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trang Deutsche Welle của Đức ngày 5/8 đã tổng hợp và kiểm tra thực tế những thông tin sai lệch phổ biến nhất trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay nhằm giúp mọi người phân biệt đâu là thông tin đúng, sai.

Vào sáng ngày 4/8, trên một diễn đàn trực tuyến đã lan truyền một bài đăng, trong đó đề cập đến việc chính phủ Trung Quốc sắp sơ tán công dân Trung Quốc khỏi Đài Loan của nước này, kèm theo đó là ảnh chụp màn hình của một phóng sự truyền hình do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Tiêu đề của bức ảnh có nội dung: "Chính phủ Trung ương Trung Quốc đã quyết định sơ tán toàn bộ công dân đại lục đang sống ở Đài Loan (Trung Quốc) trước ngày 8/8/2022".

Những thông tin sai lệch xung quanh chuyến thăm của bà Pelosi ảnh 1

Xung quanh chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi đã xuất hiện nhiều thông tin sai lệch

Sự thật: Sau khi kiểm tra, đối chiếu, người ta thấy rằng chương trình tin tức của CCTV trong ngày không hề đưa thông tin này, hình ảnh MC và hình nền đều khác với những hình ảnh trên Internet; dường như chúng đã được chỉnh sửa và thay đổi. Ngoài ra, tìm kiếm trên các trang web truyền thông chính thức của Trung Quốc và trang web của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện với các từ khóa như “sơ tán”, “ở Đài Loan”, “công dân đại lục” và “di tản kiều dân” không tìm thấy thông tin liên quan.

Ủy ban Các vấn đề Đại lục của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 4/8, đã đưa ra một tuyên bố, xác nhận thông tin Chính phủ Trung Quốc sơ tán công dân khỏi Đài Loan là “fake news” (thông tin sai sự thật) lan truyền trên Internet và yêu cầu công chúng không lan truyền nó. Sau khi Cục Hình sự Đài Loan điều tra, đã phát hiện một người đàn ông họ Lưu ở Bình Đông có liên quan đến vụ việc, hiện người này đã bị chuyển đến Tòa án quận Bình Đông để trừng phạt theo Luật Vi phạm trật tự xã hội.

Sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) và rời đi, một cư dân mạng trên diễn đàn trực tuyến của Đài Loan đã chỉ ra rằng cơ quan Ngoại giao Đài Loan (Trung Quốc) đã chi 94 triệu Đài tệ để nhờ người lobby vận động bà Pelosi tiến hành chuyến đi tới Đài Loan (Trung Quốc).

Trong văn bản, cư dân mạng này đề cập rằng ông ta đã truy cập vào trang web của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và tìm thấy một công ty quan hệ công chúng chính trị có tên "Gephardt Group Government Affairs", "Kể từ năm 2018, Công ty này đã giúp Đài Loan liên hệ và vận động hành lang bà Pelosi 16 lần. Đài Loan đã trả 3.149.377,58 USD (khoảng 94 triệu Đài tệ), ngoài ra còn chi 22.000 USD mỗi tháng cho công ty Gephardt”.

Sự thật: Về vấn đề này, cơ quan Ngoại giao Đài Loan (Trung Quốc) đã xác nhận đó là thông tin sai sự thật và ra thông cáo báo chí làm rõ rằng chuyến thăm này do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ hoàn toàn, và hành trình tại Đài Loan do Văn phòng tại Đài Bắc của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan ( AIT) sắp xếp. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan chỉ cung cấp hỗ trợ hành chính, bao gồm phối hợp sắp xếp các cuộc họp với các quan chức cấp cao chính quyền và Viện lập pháp.

Cơ quan Ngoại giao đã đề nghị Cục Cảnh sát Hình sự thuộc Tổng nha Cảnh sát Đài Loan tiến hành điều tra nhằm ngăn chặn việc lan truyền thông tin giả mạo và cảnh báo công chúng rằng việc xuất bản hoặc phát tán các hình ảnh và văn bản chưa được kiểm chứng trên Internet có thể vi phạm pháp luật.

Ảnh chụp màn hình và video về cuộc trò chuyện của phi công Trung Quốc quanh việc bắn hạ một máy bay chiến đấu Đài Loan (Trung Quốc) hộ tống chuyên cơ của bà Pelosi đã được lan truyền trên phần mềm liên lạc WeChat của Trung Quốc, kèm theo lời dẫn “nghe nói rằng một máy bay đã bị bắn rơi” và “máy bay chiến đấu đã được điều động để bắn hạ một máy bay hộ tống của Đài Loan”.

Sự thật: Về vấn đề này, ngày 4/8, cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) đã chỉ ra rằng đây là thông tin sai sự thật: “Không quân Đài Loan không có nhiệm vụ này, và không có sự việc không quân của chúng tôi bị bắn hạ trong khi ngăn chặn PLA”.

Các chủ đề liên quan đến chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Pelosi đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, trong đó có một hình ảnh được lan truyền rộng rãi về “Cư dân mạng tiết lộ rằng Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã bị cơ quan công an Bắc Kinh giam giữ trong vài ngày khi bà ta còn trẻ”. Nguyên văn bài viết đề cập: "Năm 1989, cảnh sát ở một khu vực của quận Đông Thành, Bắc Kinh, phát hiện một phụ nữ và hai người đàn ông trong một ngôi nhà thuộc thẩm quyền của họ đang tụ tập đánh nhau. Sau đó, cảnh sát phát hiện ra rằng người phụ nữ đó chính là Pelosi, ở vào thời điểm đó đã là hạ nghị sĩ Hoa Kỳ. Bà ta khi ấy đã bị bắt về đốn giam giữ vì tội ‘côn đồ’”.

Sự thật: Sau khi xác minh, năm diễn ra chuyến thăm của bà Pelosi tới Bắc Kinh không phải là 1989 như được đề cập trong bài báo, mà là tháng 9/1991. Khi đó bà Pelosi đang có chuyến công du đến châu Á, bà cùng hai thành viên khác của đoàn Hạ viện đã thoát khỏi đội hộ tống chính thức và đến Quảng trường Thiên An Môn”.

Ngoài ra, theo báo Mỹ “Los Angeles Times”, bà Pelosi và các nhà lập pháp Mỹ khác khi đó không hề bị bắt hoặc giam giữ, nhưng 7 phóng viên và người quay phim đến phỏng vấn họ đã bị giam giữ trong 90 phút, cuối cùng cảnh sát đã thả họ và trả lại các phương tiện họ dùng để tác nghiệp.

MỚI - NÓNG