>> Khát khao đồng cảm từ những trái tim
>> Ông Trương Đình Tuyển trên chuyên cơ
Một khúc Bức Tường Việt Nam |
Chương trình ở Washington thì sít sịt chả thể hở ra lúc nào mà Định lại muốn đến Đài tưởng niệm Cựu binh Mỹ còn gọi là Wall Vietnam (Bức tường Việt Nam) Tầm khuya khoắt này, đến một nơi âm phần ấy có tiện chăng?
Tôi chả ngại mấy nhưng cứ đinh ninh lời dặn của bên an ninh, đại loại không được đi lẻ, không được ra khỏi khách sạn ban đêm vì tình hình bên này rất phức tạp… Thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Trong nhóm lại có anh bạn người Mỹ mới quen chắc cũng đỡ ngại đi phần nào?
Vậy đã 26 năm rồi hiện diện ở Thủ đô Washington. Bức tường đá hình chữ V cắm xuống đất, một phía chĩa về phía tượng đài G. Washington, phía kia chĩa về mạn tượng đài A.Lincon. V có thể là Vietnam và cũng có thể là victory (chiến thắng) ?!
Hai bức tường đá hoa cương màu đen, thứ đá được cất công lấy từ xứ Ấn Độ gần Himalaya mỗi bức tường dài 246 feet 9 inches (tạm tính là 75 mét) nối với nhau theo hình chữ V ở góc 125 độ. Trên nền đá đen bóng nhoáng ấy chĩnh chiện, dằng dặc tên họ bằng lối chữ in 58.256 chiến binh Hoa Kỳ đã chết hoặc mất tích trên các chiến trường Việt Nam và Đông Dương.
Việc ra đời bức tường Việt Nam này cũng có lắm duyên do. Một số cựu binh Mỹ từng ở các chiến trường Việt Nam cảm thấy lạc lõng bơ vơ khi trở về Mỹ. Trong tâm tưởng luôn in bóng hình những người bạn chiến đấu đã khuất.
Có nhiều cựu binh nay ăn nên làm ra. Họ đã quyên góp được hàng triệu USD để dựng nên thứ tượng đài độc đáo này! Có người còn nói đây là sáng kiến của chính quyền Washington thể theo nguyện vọng của các cựu binh Mỹ. Tiền nong xây cất cũng do chính quyền chi?
Khi thi công Bức Tường, ngoài việc khắc tên trên dằng dặc đá kia, người ta đã làm thêm bên cạnh hai cái lồng kính kết cấu khá trang nhã... Để làm gì hai cái lồng kính ấy? Giữa lồng, người ta đặt hai cuốn sách khổ to dầy cộm in đủ họ tên lính Mỹ bỏ mạng tại Việt Nam! Đọc trên giấy dễ dò tìm hơn trên đá? Nhưng hình như để ai đó có non non vía một chút thì dễ làm cái việc ngắm ngó và dễ tra cứu hơn thì phải?
Lần đến Bức Tường ba năm trước, tôi đã thử sục tay vào những tờ giấy nhàu nhĩ của cuốn sách dầy cộm kia chợt thấy nó âm ấm thoáng cái giật mình như đang cảm nhận một hơi ngươì nào đó qua một làn áo!
Bức Tường viết hoa trở thành chốn âm phần tại đất Washington D.C này. Làm chi có xương cốt lẫn hương khói gì ở xứ này nhưng lần trước tôi đến đây đương lúc ban trưa mà còn thoảng cảm giác âm u rờn rợn. Cái âm u rờn rợn như không thực cho dù đang giữa trưa nắng có chút khói hương như một trưa ấy tôi đứng giữa Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Hình như hiệu ứng ấy không chỉ mang lại cho riêng một ai đó mà là chủ đích của người thiết kế! Khá khen cho nữ kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa tên là Laya Lin vẽ kiểu, trong 1.400 phương án thiết kế Đài Tưởng Niệm lính Mỹ chết trận ở Việt Nam, người ta đã chọn phương án Bức Tường của cô gái mới hơn ba mươi tuổi này.
Có người nói, tác giả đã truyền được thứ Minh triết Phương Đông, nguyên lý hay hồn cốt âm- dương trong Kinh Dịch! Cái ý nghĩ, cái mạch liên tưởng của người thiết kế truyền sang người tham quan Bức Tường là từ âm trổ lên dương. Như người dưới đất, dưới âm đang đội mồ lên để nói cùng người sống vậy. Dường như chiều cao, độ dày của bức tường chỉ là phần nhỏ nhoi nhìn thấy được của một tảng băng chìm khổng lồ vậy.
Năm 2005, 30 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam, có lẽ là thời điểm Bức Tường Việt Nam có nhiều khách tham quan đông nhất: Hơn 4 triệu du khách đã đến viếng bức tường này. Đêm nay chúng tôi có thể là những kẻ đến muộn? Với lại ngôn từ nào để truyền đạt cho ông bạn tôi đây cái cảm giác ban ngày ba năm trước mà mình đã từng đến?
Tất thảy đèn đuốc ngoài phía đường kia còn chói chang là thế bắt đầu dẫn vào khu vực Bức Tường thốt nhiên lịm hẳn đi. Cung cách ánh sáng mờ ảo một cách cố ý này hình như tạo cho du khách cái cảm giác âm phần? Có thêm cái mới là những lối đi dẫn vào bức tường người ta đã dựng những hàng rào bằng gỗ thưa tạo ra một cảm giác hun hút một lối đi đủ vừa cho hai người.
Trên lối đi ấy, đều đặn là những lỗ đèn hình tròn khi thì hình vuông đặt chìm dưới lòng đường hắt lên thứ ánh sáng khiêm tốn vừa đủ độ mờ mờ để mà ngó nhau. Kết cấu kiểu đèn âm ấy dẫn tít tắp cho đến khu vực Bức Tường đá.
Từ lúc chúng tôi tới, cứ đều đặn kiểu mưa lắc thắc không ướt áo nhưng khiến thêm cho chi đó rờn rợn phải đi sát vào ông bạn Lưu Quang Định. Mặc dù đằng trước tôi là người bạn Mỹ tên là MaxSelig mới quen, bạn của Thảo, một cô gái Việt sóng vai nhau sải bước chầm chậm đằng trước. Có một dịp nào đó, bạn đọc sẽ làm quen với cô gái tên Thảo này.
Hơn 20 năm trước nhà báo Lưu Quang Định đang sát bên tôi đây đã viết một bài báo về cô bé Liên Đội trưởng người Tày của một trường PTCS tít tận Hà Giang trên báo Hoa Học Trò! Và bây giờ cô bé mảnh dẻ ngày ấy đã là một thổ công xứ Washington! Chồng cô là người nước ngoài. Có hai đứa con kháu khỉnh...
Kiểu chữ đứng vạc trên nền đá đen lại có thứ ánh sáng yếu hắt lên vô tình đã tạo ra một hiệu ứng rờn rợn, sống động như những ánh mắt nhấp nháy... Hay là mình yếu bóng vía vô cớ mà hoang nhãn ra như thế?
Dưới chân tường đá không che lấp các con chữ, tôi thấy rất nhiều là những tấm giấy khổ A4 hoặc to hơn ép plastic đặt rải rác. Thi thoảng có những bó hoa thứ còn tươi mởn hoặc đã héo. Lác đác lại có cả vỏ chai rượu, lon nước ngọt. Có cả điếu thuốc không biết đặt từ bao giờ bắt mưa đã ướt nhoèn. Nhưng nhiều nhất vẫn là những tấm ép plastic. Những thứ mà ban ngày, tháng sáu ba năm trước tôi đến thấy không có hay là do vội mà không để ý?
Tôi nhờ Thảo dịch hộ cho một tấm hơi nhỉnh so với những khổ khác. Tấm plastic bọc lấy hình khuôn mặt một người lính trẻ măng. Đây là ảnh của cha tôi trung úy Thomas. Tôi là Elena con gái của cha. Cha tôi từng ở miền Nam Việt Nam. Cha tôi mất tích ngày 31 tháng 10 năm 1965. Đến bây giờ vẫn không có tin tức. Tôi đến đây cùng con gái tôi. Cháu ngoại của cha đây cha ơi. Cha đang ở đâu?
Một tấm khác: Trung úy Fenne, vợ và con anh đã đến đây. Những kỷ niệm về anh vẫn còn mãi với mẹ con em. Thảo giải thích cho chúng tôi, người thân bạn bè của nhiều cựu binh, nhất là những người lính mất tích vẫn hay có kiểu thông tin kiếm tìm hoặc đơn giản là những dòng tưởng nhớ như vậy đặt dưới chân bức tường.
Cứ để một thời gian, người ta lại thu những thứ kia gom vào kho và được đánh số giữ gìn cẩn thận. Nghe đâu có hàng trăm ngàn hiện vật lẫn những tấm plastic như thế! Tôi thầm nghĩ, bên xứ này không lập bàn thờ nhưng những vỏ chai rượu bia rỗng, điếu thuốc kia và những bó hoa kia nữa có khác chi một sự cúng vong như bên mình?
Bên bức tường có nhiều chuyện như huyền thoại đã diễn ra. Chuyện mà Thảo kể sau đây hình như tôi đã nghe ở đâu rồi thì phải? Richard A.Lutrell, cựu binh thuộc Sư đoàn không vận số 101, năm 1989 đến thăm bức tường Việt Nam thoắt nhớ lại một người lính Quân Giải phóng mà mình đã lia trọn một băng AR15 năm 1966 tại chiến trường Việt Nam.
Khi móc trong túi áo người lính đó ra, chiến lợi phẩm là một tấm ảnh người lính chụp chung với một bé gái. Richard đã thủ thứ chiến lợi phẩm đó kể cả khi về Mỹ hằng bao nhiêu năm! Không hiểu sao khi đi tham quan Bức Tường về Richard A.Lutrell cứ bàng hoàng day dứt mãi.
Rồi một ngày nọ, Richard đã giở lại tấm ảnh đó và quyết định viết một bức thư rồi để lại thư cùng tấm ảnh nọ bên Bức Tường kia. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của Sứ quán Việt Nam ở Washington, mấy người đồng đội của Richard đã thuyết phục được một tờ báo ở Việt Nam đăng tấm ảnh kèm theo một bài viết.
May mắn làm sao bài báo đó đã đến được cái làng nhỏ bé ở Thái Bình có gia đình người lính kia đã sinh sống. Ít lâu sau, Richard và nhóm bạn lính đã nhận được một bức thư ngắn đã dịch sang tiếng Anh chuyển qua đường FAX từ Việt Nam tới Mỹ trong đó có một phụ nữ xưng tên là Lan.
Tháng 3/2000, Richard tới Việt Nam- lần đầu tiên ông trở lại đây sau 32 năm và đã trực tiếp gặp Lan tại làng cô. Biết bao giọt nước mắt từ cả hai phía đã rơi trong lần gặp ấy. Cô bé trong tấm ảnh là Lan đã là một thiếu phụ đã gần bốn mươi tuổi. Cô và mẹ cô, họ hàng cô nữa đã tha thứ cho Richard và tấm ảnh chụp hai bố con cô bây giờ đặt trang trọng trên chiếc bàn thờ bé nhỏ ở nhà cô tại Thái Bình.
Cả bốn chúng tôi đứng lặng phắc trong thứ mưa lắc rắc đang tưới nhoèn ướt thêm những lớp đá đen chú mục vào bó hoa vô danh đặt bên tấm plastic có ảnh Thomas đang tươi cười... Quanh chúng tôi, hun hút tầm nhìn là đá. Những ngả đường âm...
Thốt nhiên, tôi với Định không ai bảo ai, đều thò tay vào túi. Biết chúng tôi sẽ làm gì, Thảo vội ngăn lại bảo bên này không làm thế đâu. Nhưng chúng tôi lặng lẽ để những đồng bạc lẻ tiền Việt vào chân bức tường cạnh bức hình của Thomas theo cung cách mà mình quen đi chùa, rồi lặng lẽ chắp tay lại xá liền ba vái...
Lặng lẽ như lúc đến, chúng tôi an lành rời khu vực Bức Tường. Tôi những muốn đọc to những dòng thơ của một thi sĩ Việt, nhà thơ Dương Tường đã đến đây vào một buổi chiều năm 1995. Ông đã phủ phục xuống Bức Tường. Khi ngẩng lên mắt ông uớt nhòe. Rồi đọc ngay cho mấy ông bạn cùng đi những dòng mới ứng tác như thế này:
Bởi lẽ mình với cậu/ chưa hề biết nhau nên mình đến/Bởi lẽ cậu bỏ lại mẹ cha cùng người hôn ước /Và mình cũng từng giã biệt vợ con/ Nên mình đến /Bởi lẽ tình yêu mạnh hơn thù hận /Và có thể bắc cầu qua mọi đại dương /Nên mình đến /Bởi lẽ cậu không trở lại /Còn mình đã có ngày về nên mình đến.
Bài thơ về sau này có tên At the Vietnam Wal- Viết ở bức tường Việt Nam.
-----------------------
Kỳ V. Người duyên nợ với âm phần