Xỉa răng bằng tăm
Đây là thói quen rất phổ biến gây hại cho răng. Việc sử dụng tăm lại làm cho các kẽ răng bị rộng ra, dẫn đến việc thức ăn càng bị mắc lại nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do đường kính của đầu tăm thường lớn hơn khoảng cách của kẽ răng, nếu kích thước quá nhỏ, tăm không đủ độ vững chắc để đưa vào giữa kẽ răng. Bởi vậy, bạn hãy thay thế tăm bằng chỉ nha khoa.
Không lấy cao răng vì sợ hỏng men răng
Một số người chưa từng lấy cao răng vì lo sợ việc lấy cao răng làm ảnh hưởng tới men răng của mình. Nhưng thực tế quan điểm trên là hoàn toàn sai lầm. Việc lấy cao răng sẽ giúp loại bỏ các mảng bám, nguyên nhân gây ra nhiều bệnh răng miệng nguy hiểm.
Kỹ thuật lấy cao răng ngày nay cũng sử dụng lực rung siêu âm để loại bỏ cao răng, không ảnh hưởng đến tổ chức cứng của răng (men và ngà răng) do đó rất an toàn cho răng.
Uống đồ uống thể thao
Sự kết hợp của các thành phần có tính axit, đường và hóa chất phụ gia trong nước uống cho người chơi thể thao có thể làm suy yếu men răng, tạo kẽ hở cho vi khuẩn bám vào. Loại nước này nếu uống quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe nói chung.
Ăn quá nhiều tinh bột
Tinh bột trong bánh mì, mì ống và bánh quy sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành đường, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trong miệng phát triển gây sâu răng.
Sử dụng răng để mở nắp chai, cắn…
Dùng răng để mở nắp chai, xé nhãn mác hay cắn túi nhựa, cắn bút, ống hút… không những làm nứt mẻ và gãy răng mà còn có thể làm tổn thương vùng bên trong miệng, làm lệch hàm dẫn đến đau hàm mãn tính.
Không bảo vệ bàn chải đánh răng
Một nghiên cứu cho thấy để chung nhiều bàn chải đánh răng khiến vi khuẩn dễ lây lan. Khủng khiếp hơn, nếu để bàn chải trong toilet, các phân tử nhỏ trong phân có thể bay vào không khí và dính lên bàn chải khi bạn xả bồn cầu.
Đánh răng ngay sau khi ăn
Nhiều người nghĩ rằng thói quen này sẽ giúp làm sạch răng ngay lập tức, nhưng thực chất chúng lại vô cùng có hại cho răng. Bởi sau khi ăn những thực phẩm có tính axit như rượu, cà phê, soda, trái cây họ cam quýt, nước ép trái cây... lớp men răng sẽ tạm thời bị yếu đi. Nếu bạn đánh răng ngay lập tức, men răng sẽ bị ăn mòn, dẫn đến dễ sâu răng. Vì vậy, hãy chờ khoảng 30-40 phút rồi hãy đánh răng.
Đánh răng sai cách
Chải răng ngang gây ra hiện tượng răng bị mài mòn theo chiều ngang ở vị trí cổ răng, mức độ tăng dần theo thời gian và hậu quả là răng bị tăng nhạy cảm (ê buốt răng), kích thích tủy răng, thậm chí gãy ngang thân răng qua vị trí bị mòn, lõm.
Cách chải răng đúng: Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ so với bề mặt răng tại vị trí cổ răng, xoay tròn và rung nhẹ tại chỗ mỗi vùng từ 6-10 lần, xoay bàn chải để lông bàn chải chạy dọc theo chiều trên dưới của răng, chải tất cả các vùng của răng. Tuân theo nguyên tắc: chải hàm trên trước, hàm dưới sau, mặt ngoài trước, mặt trong sau. Đối với mặt nhai chải theo động tác tới lui ngắn tránh bỏ sót.
Chỉ đi khám răng khi phát hiện có bệnh
Phần lớn chúng ta đều không có thói quen đi khám răng định kỳ, trong khi các bệnh răng miệng đang ngày càng gia tăng và diễn ra rất phổ biến và âm thầm. Nếu không được phát hiện kịp thời, chúng sẽ trở nên nghiêm trọng và cần sử dụng các phương pháp đắt tiền để điều trị, vừa tốn thời gian, vừa gây đau đớn. Vì vậy, bạn cần tuân thủ lịch khám răng định kỳ 6 tháng một lần để có thể sớm được điều trị nếu răng bị hư hại.