Những thầy giáo dạy trẻ mầm non miền sơn cước

Những thầy giáo dạy trẻ mầm non miền sơn cước
Hơn chục đứa trẻ chừng 4-5 tuổi nắm áo nhau làm một đoàn tàu xình xịch đi theo thầy giáo, miệng véo von hát. Sân trường mầm non ở xã vùng cao Thanh Sơn, Thanh Hóa, lọt thỏm giữa những dãy núi, rộn ràng tiếng cười đùa.
Những thầy giáo dạy trẻ mầm non miền sơn cước ảnh 1
"Đoàn tàu tí xíu" của lớp học mầm non do thầy giáo Lang Văn Sinh đứng lớp.

Trong lớp học mầm non xã Thanh Sơn (Như Xuân, Thanh Hóa), đứng lớp nhiều khi không phải là các cô giáo trẻ mà lại là những thầy giáo có tuổi. Như thầy Lang Văn Sinh có thời gian 19 năm dạy học, thầy Lang Văn Hay mới 32 tuổi đã vào nghề được 15 năm. Những người thầy tuổi không còn trẻ, nhưng có tiếng múa giỏi, hát hay, khéo léo dỗ dành con trẻ còn hơn các cô giáo.

"Đàn ông thường chọn cho mình những công việc khác, như kỹ sư, bác sĩ. Nếu làm giáo viên thì ít ra cũng dạy tiểu học. Rất hiếm người hoặc gần như không có ai chọn nghề suốt ngày hát, múa và dỗ dành trẻ con cả", thầy Sinh bảo mình không chọn nghề nuôi dạy trẻ mà tự nó đến như một sự tình cờ.

Năm1994, Sinh đi bộ đội về, làng xóm còn nghèo xơ xác. Trẻ con nơi đây thèm được đi học mà không có giáo viên dạy vì Thanh Sơn là một trong những xã vùng núi xa xôi nhất của huyện Như Xuân. Đường sá đi lại khó khăn, nhiều nơi còn chưa có điện. Ban chủ nhiệm HTX Thanh Sơn đến vận động anh bộ đội phục viên đi dạy vỡ lòng cho các cháu. Khi đó, anh chỉ nghĩ có công việc làm cho đỡ buồn nên nhận lời luôn. Đâu ngờ, công việc đòi hỏi lòng yêu nghề mến trẻ này ngấm vào máu lúc nào không hay, rồi thành cái nghiệp gắn lấy cuộc đời anh.

Ban đầu đi dạy không có lương, thầy Sinh nhận 160 kg thóc mỗi năm từ sự đóng góp của dân làng. Thầy cùng những giáo viên khác thay phiên nhau cắm bản. Nhiều hôm trời mưa, đoạn đường đất đỏ ngập nhầy nhụa đến nửa bắp chân. Tránh con đường mà dân bản địa gọi "mưa xuống có thể cấy lúa được", các thầy lại xách dép, băng đồng để đi.

Thầy Sinh cho biết, trước Thanh Sơn cũng nhiều thầy giáo mầm non, nhưng vì trợ cấp ít ỏi, công việc vất vả nên họ bỏ nghề gần hết, chỉ còn mình anh và thầy giáo Lang Văn Hay bám trụ lại.

19 năm đi dạy với thầy Sinh luôn đầy ắp những kỷ niệm, nhất là những ngày đầu tiên. Bàn tay to bản, đen đúa chỉ quen với bưng vác nặng, giờ phải uốn thật dẻo để tập từng động tác múa mới ngại ngùng làm sao. Chân tay thầy cứ lóng ngóng, cứng đơ như gỗ. "Nhiều phụ huynh đưa con đến trường, đứng ngoài cửa lớp ngó vào thấy mình dạy múa mà chân tay lóng ngóng, cứng đơ như gỗ liền phì cười, trêu lại khiến mình đỏ mặt", người thầy nhớ lại. Rồi cắt hoa, dán giấy trang trí lớp học, làm đồ chơi cho học sinh cũng không phải là chuyện đơn giản.

Thầy Sinh gắn bó với nghề dạy trẻ mầm non 19 năm nay
Thầy Sinh gắn bó với nghề dạy trẻ mầm non 19 năm nay.

Thầy Sinh chia sẻ, dạy mầm non khác cấp tiểu học, trung học nhiều lắm. Đây là giai đoạn nền móng hình thành nhân cách con người nên các thầy luôn phải nhẹ nhàng, cầm tay chỉ bảo từng li từng tí cho trẻ. Một điều khó nữa, học sinh nơi đây chủ yếu là dân tộc Thái, Mường, Thổ. Nhiều em đi học còn chưa biết nói tiếng Kinh. Vậy là lớp mầm non của thầy biến thành lớp "song ngữ" vừa nói tiếng bản địa, vừa dạy tiếng phổ thông cho học trò.

"Tiếng là dạy mầm non, nhưng thầy giáo làm sao nói khéo, dỗ dành ngọt ngào được như các cô. Nhiều trẻ lần đầu đến lớp, xa bố mẹ nên khóc mãi không chịu nín. Những lúc đó người làm thầy phải hết sức bình tĩnh mà dỗ, không được nổi nóng, không được nặng lời". Lớp có em Lang Thị Hòa (3 tuổi) sáng nào cũng líu ríu theo chị gái Lang Thị Huyền tới trường. Hòa khóc đòi theo chị vào lớp 1 mà không chịu sang lớp mầm non của thầy. Thầy Sinh phải dỗ, nói đúng hơn là "nịnh" để học sinh chịu vào lớp.

Thầy Sinh giãi bày, chính vì vào nghề lâu năm, tiếp xúc nhiều với con trẻ, người đàn ông ăn to nói lớn, trực tính giờ cũng bình tĩnh, nhẹ nhàng hơn trong cách cư xử với người khác. "Trẻ em như búp trên cành. Búp còn non nên phải chăm sóc cẩn thận, chu đáo. Đó là công việc của mình, cũng là để các phụ huynh yên tâm giao con cho nhà trường".

Làm nghề nuôi dạy trẻ gần nửa cuộc đời, thầy giáo Lang Văn Hay (32 tuổi) được các giáo viên nơi đây đùa "thầy Hay dạy hay, hát hay".

Thầy Lang Văn Hay được biết đến là người
Thầy Lang Văn Hay được biết đến là người "dạy hay, hát hay".

Thanh Sơn thiếu giáo viên nặng nề, Lang Văn Hay mới học hết lớp 9 nhưng có kiến thức, lại nhiệt tình nên đứng lớp gõ đầu trẻ khi mới tròn 17 tuổi. Trong khi bạn bè học lên nữa, hoặc xuôi tàu từ Bắc chí Nam đi làm ăn thì chàng thanh niên đi học hát, múa, cầm tay chỉ chữ cho trẻ con. 15 năm gắn bó với nghề, nhiều học sinh mầm non giờ đã lớn. Các em đi học, đi làm gặp thầy vẫn chào vui vẻ, điều đó nhỏ nhặt thôi nhưng lại tràn đầy niềm vui.

Để nâng cao chuyên môn, các thầy vừa bám lớp, vừa đi học để lấy bằng sư phạm. Thầy Sinh học hết lớp cấp tốc ba tháng, lớp sơ cấp, rồi trung cấp thì vợ ở nhà bán dần bốn con trâu. Thấy vợ con vất vả, nhiều lúc thầy định không đi nữa, nhưng được gia đình động viên, không đi dạy thấy nhớ bọn trẻ nên lại đi. 18 năm đứng lớp, thầy Sinh mới được biên chế chính thức vào ngành sư phạm năm 2012.

Cả ngày thầy đi dạy, chiều tối về người dân Thanh Sơn lại thấy anh giáo làng lên rừng đốn chuối, chặt sắn mang đi bán, nuôi thêm gà, thêm lợn để cải thiện cuộc sống bấp bênh. Ở lớp thầy cười vui vẻ, nô đùa cùng những mầm non. Chỉ đồng nghiệp mới biết con trai đầu của thầy vừa bị tai nạn, chấn thương cột sống giờ nằm liệt một chỗ. Lo lắng chuyện gia đình, nhưng thầy không bao giờ cho người khác biết.

Cô Triệu Thị Vân, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Sơn, cho biết toàn trường có 25 cán bộ giáo viên, chủ yếu là các cô giáo trẻ. Thầy Sinh, thầy Hay là những giáo viên bám trụ lâu năm nhất ở đây. "Do nhu cầu của xã không có giáo viên đào tạo sư phạm mầm non nên nhiều giáo viên nam phải đứng lớp. Dù lớn tuổi nhưng tác phong các thầy rất nghiêm túc, không bao giờ phải nhắc nhở. Nói về tinh thần bám trụ với nghề của thầy thì tôi thực sự khâm phục", cô Vân nói.

Theo Hoàng Phương
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.