Hết sốt giá
Ngày 30/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.205 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá được Vietcombank niêm yết ở mức 23.060 - 23.090 đồng/USD (mua vào - bán ra). Mức giá này đã được giữ nguyên trong hơn 30 phiên giao dịch liên tiếp.
Trên thị trường “chợ đen”, giá USD dao động ở mức 23.095 - 24.000 đồng/USD tuỳ từng quầy đổi tiền.Các điểm đổi tiền trên phố Hà Trung (Hà Nội) cho biết, khách hàng muốn đổi bao tiền chỉ cần gọi điện trước.Với số lượng tiền lớn, cửa hàng có thể hỗ trợ đổi tại nhà riêng của khách.
Sau cú sốc tăng nóng vào giữa tháng 3/2020 do tác động của dịch COVID-19, tỷ giá đã rơi vào chuỗi ngày bất động. Cùng với đó, các yếu tố tác động đến dòng ngoại tệ vào Việt Nam tương đối ổn định. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến tháng 8/2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,5 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 11 tỷ USD.
Về phía cầu ngoại tệ, chỉ số DXY biểu thị sức mạnh của đô la Mỹ vừa trải qua tháng 7 giảm mạnh khi đóng cửa ở quanh vùng 93,5 điểm, tương đương giảm hơn 4% so với đầu tháng. DXY giảm giúp hạn chế nhu cầu găm giữ đô la Mỹ trong nước. Việc nắm giữ USD chủ yếu cho hai mục đích chính: Đa dạng hóa danh mục tài sản và bảo vệ giá trị vốn.
Cơn sốt đô la Mỹ ở thời kỳ đầu của dịch COVID-19 đang bị thay thế bằng cơn sốt giá vàng. Giá vàng trong nước có lúc lên tới 63 triệu đồng/lượng đã một phần khiến nhà đầu tư chuyển từ găm giữ ngoại tệ sang đầu tư vàng.
Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ gặp nhiều khó khăn do các quy định của Ngân hàng Nhà nước nên cầu ngoại tệ không cao. Những yếu tố trên cộng với dòng vốn ngoại vẫn chảy vào dồi dào đã giúp tỷ giá giảm về mức sàn.
Hết thời găm giữ, đầu cơ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bình quân 8 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. CPI quý 2 cũng giảm 1,87% so với quý 1/2020. Chỉ số lạm phát giữ ở mức ổn định nên so với lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn phổ biến từ 6 đến 12 tháng (ở mức 4,4-7,5%), việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng vẫn bảo tồn được giá trị vốn và đảm bảo một mức sinh lời nhất định. Trong khi đó,người nắm giữ đô la Mỹ không được trả lãi đồng thời phải đối mặt nguy cơ USD giảm giá trị khi quy đổi sang tiền đồng do tỷ giá gần đây có xu hướng giảm. Điều này đã khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với việc đầu tư USD.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, thời gian qua, tỷ giá cơ bản ổn định. Từ đầu năm 2020 đến nay, giá trị của đồng Việt Nam với USD giảm rất nhẹ, ở mức khoảng 0,12%. Trong khi đó, các đồng tiền trong khu vực mất giá 1,5 - 4,5%. Nguyên nhân của thực trạng trên do quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam tương đối ổn định. Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, giải ngân FDI vẫn tích cực.
Theo ông Lực, việc găm giữ, đầu cơ ngoại tệ không còn xảy ra như trước đây bởi khả năng sinh lời của USD so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán thấp. Việt Nam kiểm soát lạm phát tương đối tốt, theo xu hướng giảm dần. Dự báo, lạm phát năm 2020 khoảng 3,5-3,8%. Như vậy, tỷ giá ổn định tương đối phù hợp với thực tế của nền kinh tế.
“Từ giờ đến cuối năm 2020, dịch bệnh còn phức tạp, tỷ giá còn biến động nhưng cơ bản sẽ tương đối ổn định và có xu hướng giảm. Đồng VND nếu có mất giá so với USD chỉ ở mức 1-1,5%”, ông Lực dự báo.