> Truy tìm nguyên nhân sản phụ tử vong bất thường
Cùng với hàng chục ca tử vong sản phụ từ đầu năm đến nay, ngoài lý do bất khả kháng như băng huyết, tắc mạch ối, mối nguy còn đến từ chính thai phụ khi coi nhẹ việc khám thai định kỳ, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Bác sĩ BV Phụ sản T.Ư thực hiện công đoạn siêu âm trong quá trình khám thai cho sản phụ Ảnh. T.Hà. |
Lạm dụng siêu âm
Phòng khám 21 Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn đông các sản phụ đến siêu âm thai kỳ.
Chị N.M.T (28 tuổi) cho biết từ khi biết có thai đến nay là 7 tháng, tháng nào chị cũng siêu âm đen trắng một lần, ngoài ra còn siêu âm màu 4D vào tuần thứ 12 và 22 của thai kỳ.
Chị T bảo: “Siêu âm là đủ biết sức khỏe của em bé rồi, mình mới đi khám thai định kỳ tại bệnh viện một lần”.
Những sản phụ khác cũng đồng quan điểm chị T. bởi họ có chung suy nghĩ, siêu âm nhìn rõ từng bộ phận của em bé, lại thấy cả nước ối, dây rốn thai nhi thì còn gì yên tâm bằng.
TS. Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết đó là những suy nghĩ rất sai lầm. Mỗi sản phụ cần khám thai tối thiểu 3 lần trong suốt thai kỳ.
Theo quy định của ngành y tế, khám thai phải trải qua 9 bước như hỏi tiền sử bệnh tật của sản phụ (có mắc các bệnh huyết áp cao, tim, gan, thận…), cân, đo vòng bụng sản phụ… Với những công đoạn đó bác sĩ sản khoa có thể tiên lượng được những yếu tố nguy cơ trong quá trình mang thai và sinh nở.
Về phía sản phụ có thể hỏi để được bác sĩ tư vấn về những nguy cơ xảy ra khi chuyển dạ.
Theo các chuyên gia sản khoa, trừ một số trường hợp bất khả kháng như tắc mạch ối rất hiếm gặp thì nhiều tai biến khi sinh có thể phòng ngừa hoặc khắc phục được bằng cách quản lý thai phụ tốt, tiên lượng các nguy cơ tử vong mẹ.
Phòng ngừa
Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế) trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ riêng các trường hợp tai biến được báo cáo xác định 88 ca tai biến sản khoa tử vong mẹ hoặc tử vong cả mẹ và con tại Hà Nội, Quảng Ngãi, Hưng Yên, Bắc Ninh… Trong đó, có tới 60 ca tử vong nguyên nhân trực tiếp từ tai biến sản khoa, 28 trường hợp khác được cho là có bệnh lý từ trước.
TS. Lê Hoài Chương cho biết đứng đầu trong các tai biến sản khoa gây tử vong mẹ là băng huyết. Nguyên nhân là do sản phụ bị sang chấn bệnh lý sau đẻ (như vỡ tử cung, rách tử cung, âm đạo) hoặc có những bệnh lý rối loạn đông máu trước khi mang thai hoặc trong quá trình mang thai.
Ngoài ra sản phụ có thể bị bệnh nặng từ trước như tim, gan, thận. Với những trường hợp này cần khám thai đầy đủ và tuân thủ quy trình điều trị của bác sĩ trong suốt thời kỳ mang thai.
Bệnh sản giật nếu được theo dõi trong suốt thời kỳ mang thai và điều trị tốt có thể tránh được nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, trong sản khoa tắc mạch ối là biến cố khó chẩn đoán trước và tỷ lệ tử vong cao (từ 80-90%).
Bác sĩ Chương cho biết tắc mạch ối xảy ra rất đột ngột, tương tự sốc thuốc và không dự báo được khiến sản phụ choáng do nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ, gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính.
Gia đình sản phụ thường khó chấp nhận lời giải thích của nhân viên y tế vì mới trước đó, sản phụ và thai nhi vẫn bình thường và không có nguy hiểm gì.
Hiện cũng chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu bệnh nhân được dùng thuốc, truyền dịch, truyền các chế phẩm của máu, đặt ống nội khí quản để duy trì chức năng tim mạch và hô hấp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng điều trị thành công.