Chanh leo hay chanh dây là tên gọi dùng để chỉ một số loài thực vật thuộc chi Lạc tiên, họ Lạc tiên. Có nguồn gốc từ Brazil, du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 20. Đây là loại quả rất đặc biệt, hình cầu, khi chín có màu mận tươi, ruột chanh leo màu vàng có vị chua thanh, hương thơm hấp dẫn.
Lợi ích của chanh leo
Nguồn vitamin và chất xơ dồi dào
Chanh leo chứa nhiều vitamin A và C, sắt, kali và các thành phần dinh dưỡng khác cung cấp một lượng đa sinh tố rất tốt cho việc bồi bổ sức khỏe con người.
Những chất cơm nhầy bao quanh hạt chanh leo là nguồn chất xơ tuyệt vời giúp ích cho quá trình tiêu hóa, gia tăng sức khỏe mà không gây béo phì.
Ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư
Trong chanh leo có chứa các hợp chất phytochemica, axít phenolic và flavonoid không những giúp chống lại các tế bào ung thư mà còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch và chống nhiễm trùng.
Tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Chanh leo có chứa nhiều loại đường đơn giúp tăng cường thể lực mà lại không gây hại đến đường huyết nên rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
An thần
Trong chanh leo có chứa nhiều hợp chất giúp hạ nhiệt, an thần rất tốt. Các nhà khoa học từng sử dụng chanh leo để bào chế thành dạng thuốc viên giúp an thần, chống mất ngủ...
Người khó ngủ nếu uống chanh leo trước khi đi ngủ sẽ cảm thấy thư thái và dễ đi vào giấc ngủ.
Tác hại khi sử dụng chanh leo sai cách
Chanh leo được biết đến với nhiều công dụng cho sức khỏe là vậy, nhưng nếu sử dụng sai cách, nó rất có thể sẽ phản tác dụng và mang lại những hậu quả không mong muốn.
Ăn quá nhiều chanh leo
Nếu sử dụng chanh leo quá nhiều và thường xuyên sẽ dẫn đến những tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, người đờ đẫn và nôn nửa. Đôi khi, nó còn khiến bạn cảm thấy chóng mặt và loạn nhịp tim.
Bởi vậy, hãy sử dụng chanh leo với một lượng vừa phải và nhớ luân phiên với các loại hoa quả khác để có thể bổ sung nhiều loại dưỡng chất cho cơ thể.
Ăn chanh leo cả hạt
Nhiều người biết rằng dưỡng chất của chanh leo nằm nhiều ở lớp màng nhầy bám quanh hạt còn gọi là áo hạt. Chính vì thế, họ có thói quen ăn luôn cả hạt để tận dụng tối đa nguồn dưỡng chất này.
Tuy nhiên, trong hạt chanh leo không hề chứa một loại dưỡng chất nào, hơn nữa nó còn là vật liệu cứng khó tiêu hóa nên có thể đem lại gánh nặng cho bộ máy tiêu hóa của bạn.
Nếu ăn quá nhiều hạt chanh leo sẽ khiến cho những hạt này không đào thải ra ngoài được. Trong quá trình di chuyển, nếu hạt này vô tình rơi vào túi thừa của ruột già sẽ khiến bạn bị viêm ruột thừa hoặc viêm túi thừa ruột già.
Ăn khi đang uống thuốc
Các chất trong chanh leo có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc an thần và thuốc kháng histamine hoặc một số thảo dược... Nó còn khiến tăng nguy cơ chảy máu vì tương tác với thuốc chống đông. Vì vậy chú ý không sử dụng chanh leo khi đang dùng các loại thuốc trên.
Ăn khi đang có bệnh
Nếu bạn có bệnh dị ứng hoặc viêm loét dạ dày thì phải thật cẩn trọng khi dùng chanh leo vì nó có thể gây ra các phản ứng dị ứng như nổi mề đay, khó thở, hen suyễn, phù mạch máu... Đồng thời chanh leo có nhiều axit hữu cơ có thể gây tổn thương cho người bị viêm loét dạ dày, ảnh hưởng đến hoạt động của thận và tăng nguy cơ dẫn đến sỏi thận.
Cách uống chanh leo an toàn
Nếu muốn tiêu thụ chanh leo, người dùng cần ghi nhớ những điều sau:
- Loại bỏ hạt chanh leo vì hạt chanh thường không có giá trị dinh dưỡng gì.
- Không tiêu thụ quá nhiều, liên tục trong thời gian dài, 1 ngày chỉ nên dùng 1-2 quả chanh leo
- Không nên uống nước chanh leo quá chua cũng như quá ngọt sẽ làm hại bao tử hoặc làm mất hiệu quả giảm cân của chanh leo.