Những tác giả tuổi xanh... vẫn xanh

Nguyễn Vĩnh Tiến trở thành nhạc sĩ nổi tiếng với tác phẩm “Bà tôi”. Ảnh: Chi Mai
Nguyễn Vĩnh Tiến trở thành nhạc sĩ nổi tiếng với tác phẩm “Bà tôi”. Ảnh: Chi Mai
TP - Cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong một thời là cuộc chơi văn chương rất được các cây viết trẻ yêu thích. Một điều thú vị, trong số những tác giả từng được giải Tác phẩm tuổi xanh ngày đó, hầu hết họ vẫn đi theo con đường văn chương và có danh trên văn đàn.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến từng khóc vì câu chuyện đoạt giải

Truyện ngắn đầu tay của tôi là “Con chó hư” viết năm 16 tuổi, được giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh (TPTX) khi tôi 17 tuổi. Lúc đó tôi đang là học sinh chuyên toán trường chuyên Hùng Vương (Phú Thọ). Truyện mô tả tình cảm của con chó và một cậu bé, do sự ích kỷ của bản thân cũng như sự ngây thơ của đứa trẻ cậu đã vô tình làm tình bạn thiêng liêng đó bị mất đi. Chuyện khá cảm động, tôi viết ở lớp, khi viết xong thì các bạn đã về hết, và tôi cứ thế gục xuống bàn khóc nức nở.

Sau này, đọc trên báo thấy thông tin về cuộc thi TPTX, tôi gửi tác phẩm tham gia và rất bất ngờ khi được giải. Đây là giải thưởng rất quan trọng với sự nghiệp văn chương của tôi sau này, gần như là viên gạch đầu tiên giúp tôi tự tin hơn trên chặng đường viết lách.

Xuống Hà Nội nhận giải tôi gặp gỡ làm quen nhiều nhà văn, thơ như Nguyên Ngọc, Nguyễn Hoàng Sơn. Cùng được giải năm 1991 đó có nhiều người giờ vẫn là bạn thân của tôi như Ngô Tự Lập, Đỗ Huy Chí, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Thanh Hà, Đỗ Hoàng Diệu. Tôi nhớ ngày đó tôi và Đỗ Hoàng Diệu cùng được giải khuyến khích, sau đó hai anh em chơi cũng thân với nhau, Diệu còn cùng tôi tham gia nhóm thơ mới “Hoa Lạ”.

Có một kỷ niệm vui với giải thưởng này. Tôi nhớ tiền thưởng khi ấy là 200 nghìn. Nhận giải xong, tôi nhờ người đưa ra chợ giời phố Huế mua một cái đài cassette cũ. Vào những năm 90, tôi mê nghe ABBA, Pink Floyd... và rất thèm một cái đài để dò sóng. Sau đó tôi cầm theo đài về quê, biết ông ngoại cũng thích nghe đài, tôi đem biếu ông. Đây là kỷ niệm giờ nghĩ lại tôi vẫn rất tự hào.

Vào đại học Kiến trúc Hà Nội, tôi làm Phó chủ nhiệm CLB thơ, lúc đó sáng tác rất nhiều.

Thi TPTX lần 2, tôi được giải thơ và chính thức bước vào làng văn. Sau này, tôi còn gặt hái trên dưới 10 giải thưởng văn chương, cũng nhờ thế, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Hiện nay tôi là kiến trúc sư tự do, có công ty kiến trúc Việt Pháp. Công việc đòi hỏi trí tưởng tượng và tâm hồn bay bổng, thậm chí phải sử dụng nhiều năng lực văn học để thuyết trình dự án. Tôi vẫn làm thơ.

Các tập thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến: “Những bình minh khác”, “Một mùa quen quen”... Nguyễn Vĩnh Tiến cũng là tác giả ca khúc “Bà tôi”.

Hoàng Tố Mai “này áo xanh cổ trắng”

Những tác giả tuổi xanh... vẫn xanh ảnh 1 Hoàng Tố Mai hiện là Tiến sĩ văn học

Năm 1990, tôi được giải nhì cuộc thi TPTX cho truyện ngắn “Này áo xanh cổ trắng”. Hồi đó tôi vẫn nhớ trị giá giải thưởng là 300.000, tương đương khoảng 2 triệu bây giờ. Đây là lần đầu tiên tôi có được một số tiền lớn như thế. Tôi cảm thấy hoan hỉ, tôi không hề ý thức được là giải thưởng này sẽ khiến nhiều bạn đọc biết đến tôi hơn, khi ấy tôi cũng ít va chạm, cảm thấy ngại ngần nếu ai đó gọi mình là nhà văn trẻ hay cây bút tài năng gì đó.

Đầu thập kỷ 90 các giải thưởng văn học chưa nhiều như bây giờ nên giải thưởng TPTX của báo Tiền Phong thu hút được nhiều sự chú ý. Sau đó tôi còn gặp lại các bạn được giải một lần nữa tại trường viết văn Nguyễn Du (nay là khoa Viết văn-Báo chí của Đại học Văn hóa), đó cũng là nơi tôi theo học. Đây là một chương trình giao lưu giữa các cây bút được giải TPTX và sinh viên trường viết văn.

Hôm nhận giải mới biết mặt tổng biên tập Dương Xuân Nam, đây cũng là người khởi xướng cuộc thi sáng tác văn học TPTX. Anh Nam rất nhẹ nhàng, ân cần và luôn thể hiện sự tôn trọng những cây bút trẻ. Khi đó chẳng thể nào ngờ được là tôi sẽ gặp lại Dương Xuân Nam 7 năm sau đó với vị thế của một người đi xin việc. Anh Nam nhận tôi vào thử việc với thái độ khá thận trọng, kiểu như không làm được thì tự biết đường mà rút. Sau bài báo đầu tiên thấy tôi viết ổn anh niềm nở hơn hẳn. Hồi ấy tôi là “ma mới”, bị một số “ma cũ” dèm pha, cũng vài người ác cảm với tôi vì những lời dèm pha đó, tuy nhiên anh Nam dường như vô nhiễm với mọi lời nói xấu sau lưng. Có lẽ đối với anh cứ hoàn thành tốt nhiệm vụ là xong, mọi chuyện khác chỉ là vấn đề nhỏ. Sau này đi làm thêm vài cơ quan tôi thấy ứng xử kiểu Tây thế này trong các công sở nhà nước là khá hiếm. Vậy là dưới sự “phớt lờ không thèm chấp” của “minh chủ”, tôi đã có những ngày tháng làm báo hết sức sôi động và vui vẻ. Ở đây, tôi đã có được những người bạn thực sự, kể cả sau này chuyển hẳn sang làm tại Viện Văn học tôi vẫn cộng tác với báo thường xuyên.

Vậy là giải thưởng TPTX không những chỉ cho tôi một khoản tiền kha khá, một chút tiếng tăm trên văn đàn khi đó, nó còn còn giúp tôi trở thành phóng viên của báo Tiền Phong môt thời gian khá dài. Thực sự thì khi đi xin việc, nếu tôi không phải là một cây bút từng đoạt giải TPTX thì rất khó có cơ hội bước vào Tiền Phong do chưa hề có kinh nghiệm làm báo trước đấy. Năm đó tôi 25 tuổi, quyết định nghỉ làm tại một tổ chức phi chính phủ vì không chịu nổi áp lực từ bà sếp người Ai len đồng bóng và nóng tính. Biết tôi thất nghiệp, anh Xuân Nam đã nhắn qua một người, đại ý là “bảo Tố Mai đến gặp tôi, để xem có thể làm được việc gì không”. Tôi đã đến, đã thử việc và trở thành phóng viên văn nghệ tại báo Tiền Phong từ lời đề nghị gián tiếp đó.

Sau “TPTX” Hoàng Tố Mai tiếp tục viết văn. Chị đã ra hai tập truyện ngắn: “Nắng nhạt ơi nắng nhạt” và “Thực đơn mây trắng”. Hiện chị là Tiến sĩ văn học của Viện Văn học.

Nguyễn Lê My Hoàn vẫn yêu cảm xúc cứ như muốn trào lên giữa chữ

Những tác giả tuổi xanh... vẫn xanh ảnh 2 Nguyễn Lê My Hoàn lấn sân sang lĩnh vực dịch thuật

Tại sao thời điểm đó chị quyết định tham dự giải thưởng TPTX?

Lúc đó, tôi thường lên thư viện trường học bài. Trong thư viện trường tôi báo Tiền Phong là tờ báo được nhiều thầy cô và các bạn sinh viên mượn đọc thường xuyên, đặc biệt là số Chủ nhật, khổ nho nhỏ xinh xinh. Một ngày Chủ nhật nọ, tôi lên Ký túc xá chơi với bạn và tình cờ trông thấy thầy phụ trách Ký túc xá say sưa ngồi đọc một truyện ngắn dự thi TPTX của báo Tiền Phong, tự dưng tôi nảy ra ý định: Nếu tôi tham gia cuộc thi TPTX và truyện ngắn của tôi được đăng trên báo, thầy phụ trách Ký túc xá sẽ đọc và lá đơn xin vào Ký túc xá ở của tôi sẽ được thầy chiếu cố...

Nghĩ là làm, tối đó tôi về nhà và lấy giấy bút ra viết. Tôi viết về ba tôi. Mọi thứ trong truyện đều rất thật thà, và tôi viết ra nó rất dễ dàng chỉ trong một buổi tối, dễ dàng đến độ viết xong tôi không nghĩ là một truyện ngắn lại có thể viết ra dễ dàng đến thế, nên không dám ghi nó là truyện ngắn, mà chỉ dám viết là tác phẩm dự thi... thế thôi. Bỏ cái truyện ngắn vào phong bì gởi đi xong thật sự tôi cũng chẳng hy vọng gì, ai ngờ vài tuần sau đó, truyện ngắn đầu tiên trong đời tôi đã được xuất hiện trên 2 trang của báo Tiền Phong Chủ Nhật.

Giải thưởng TPTX có ý nghĩa như thế nào với công việc cầm bút của chị?

Nói chính xác ra là những con người thầm lặng đằng sau giải thưởng TPTX có một ý nghĩa rất lớn với việc viết lách của tôi. Những bài học vỡ lòng về viết lách tôi đã học được từ các anh chị và tôi rất biết ơn vì điều ấy.

Giải thưởng có làm chị bất ngờ không?

Giải thưởng khiến tôi rất hạnh phúc vì đó là điều ngoài mong đợi của tôi rất nhiều. Lúc đó tôi thật sự không quan tâm đến giá trị giải thưởng mà chỉ trông ngóng ngày được ra Hà Nội nhận giải. Với tôi Hà Nội là một cái gì đó vừa quen thuộc vừa rất xa vời, vì tôi rời Hà Nội khi còn bé tí, và khoảng cách 15 năm từ lúc bé tí cho đến ngày 20 tuổi là một cái gì đó như dài hơn cả thế kỷ...

Đến bây giờ tôi không còn nhớ mình được bao nhiêu tiền thưởng, nhưng vẫn nhớ như in là mình được tặng 1 chiếc đồng hồ Gimiko có dòng chữ Tặng thưởng cuộc thi TPTX và đến giờ chiếc đồng hồ ấy vẫn được treo trang trọng trong nhà ba mẹ tôi.

Là người sở hữu nhiều giải thưởng văn học khi tuổi còn rất trẻ, khi đó chị có từng bị hội chứng “choáng ngợp”?

“Choáng ngợp” thì không hẳn, có lẽ “bối rối” thì đúng hơn. Thời điểm ấy tôi viết rất nhanh và được đăng rất nhiều, giải thưởng đạt được cũng kha khá và một ngày nọ, có người bảo tôi: Nghe nói nhà văn viết văn rất vất vả cực nhọc, vì họ phải dấn thân vào cả đau khổ lẫn sướng vui của nhân loại để viết, để nói lên tiếng nói chân thực nhất. Còn bạn, trang viết của bạn chỉ có niềm vui, như vậy bạn có phải là nhà văn đích thực không?

Tôi không biết người đó hỏi tôi như vậy là có ý gì, nhưng quả thật nó khiến tôi cực kỳ bối rối và tôi nghĩ có lẽ mình không phải là một nhà văn thực sự mà chỉ là một người may mắn trong cuộc chơi có tên là văn chương... Và thế là tôi ngưng không viết nữa...

Lời khuyên của chị với những người trẻ mới cầm bút và muốn theo đuổi văn chương?

Tôi viết truyện theo bản năng nên khuyên một cách chuyên nghiệp chắc là không dám rồi, chỉ muốn nhắn nhủ từ kinh nghiệm cá nhân rằng: văn chương là một cái đẹp thực thà toát ra khi mình yêu cuộc sống hết lòng. Hãy viết khi tình yêu ấy dâng tràn và muốn được tuôn chảy, đừng viết chỉ vì muốn tên mình được để trên một cuốn sách hay trên một tác phẩm văn, thơ nào đó.

Nguyễn Lê My Hoàn nổi tiếng trong giới viết văn trẻ với tác phẩm “Lối đi ngay dưới chân mình”. Hiện chị làm việc tại công ty sách Huy Hoàng Bookstore tại TP Hồ Chí Minh. Chị còn làm cả công việc dịch thuật.

 Đinh Lê Vũ: Không có TPTX không chắc có tôi hôm nay

Những tác giả tuổi xanh... vẫn xanh ảnh 3 Đinh Lê Vũ hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng

TPTX không chỉ là giải thưởng văn học đầu tiên mà còn là giải thưởng văn học duy nhất tôi có được trong suốt chặng đường viết văn của mình. Bởi thật sự tôi không mặn mòi lắm với các cuộc thi. Tôi đến với TPTX do một cái duyên rất tình cờ.Hồi đó tôi không chủ đích dự giải. Tôi chỉ gởi truyện ngắn đăng báo. Người biên tập lúc đó đã đọc kỹ và điện thoại thuyết phục tôi tham dự TPTX. Tôi vô cùng cảm kích vì đối với người viết trẻ như tôi lúc đó, cuộc điện thoại của anh biên tập quả thật là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, hơn rất nhiều so với những lời khen suông.

Sau khi được giải, tôi được nhiều người biết hơn, tôi cũng tự tin hơn với việc viết văn của mình. Nếu trước đó, tôi chỉ coi viết lách như là một thú vui, một sở thích thì sau TPTX, tôi nghĩ về việc viết văn của mình một cách nghiêm túc hơn, có trách nhiệm hơn.

Tôi viết nhiều hơn, truyện ngắn của tôi cũng xuất hiện nhiều hơn trên báo. Có thể nói không có TPTX ngày đó, tôi cũng không chắc mình có tự tin đi tiếp được, để có tôi là tôi của ngày hôm nay.

Một thời gian dài sau TPTX, tôi vẫn tiếp tục cộng tác với báo Tiền Phong và bây giờ cũng vậy, nếu thuận lợi. Đối với tôi, Tiền Phong và TPTX ngày đó là cái nôi, là thuở ban đầu của tôi với văn chương. Đó quả thật là một kỷ niệm khó quên.

Cộng tác với Tiền Phong, tôi cũng nhận được nhiều thư từ chia sẻ của bạn đọc Tiền Phong từ các nơi, có người sau này vẫn còn giữ liên lạc, trở thành bạn bè.

Tôi thường không đặt mục tiêu trong việc viết văn của mình là phải viết cái này phải vượt qua cột mốc kia, cũng không nghĩ nhiều lắm về giải thưởng hoặc những lời khen tặng nhận được. Những thứ đó, dù có là gì đi nữa, thì cũng đã là quá khứ rồi, cuộc đời của mình không chỉ có chừng đó. Có lẽ tôi là kiểu người viết không có động lực, cũng không có áp lực trong việc viết văn.

Tôi nghĩ việc viết văn đôi khi cũng giống như yêu một người. Yêu một ai đó mà phải có động lực này, áp lực kia mới yêu được thì mệt mỏi lắm. 

Tính đến thời điểm này, ngoài sách in chung, Đinh Lê Vũ đã có 7 tập truyện ngắn và tạp bút in riêng, trong đó có thể kể: “Đừng hôn ở Hội An”, “Lạc giữa chốn quen”, “Những cánh bướm phượng”... Hiện anh sống và làm việc tại Đà Nẵng.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.