1. Cơ chế làm sạch của kem đánh răng
Trong miệng con người ước tính khoảng 500 vi khuẩn. Những loại gây hại trong đó sẽ tạo nên các mảng bám dính từ thức ăn “tồn đọng”. Đồng thời các vi sinh vật biến lượng thức ăn dính ở miệng thành các acid và phân tử lưu huỳnh. Axit thì ăn vào men răng khiến răng bị sâu còn phân tử lưu huỳnh dễ bay hơi tạo nên mùi hôi trong miệng.
Kem đánh răng theo bàn chải đi vào từng kẽ răng, trong kem có chất mài mòn các mảng bám, “rửa trôi” thức ăn trong miệng và chà bóng bề mặt, thành phần fluor cho răng chắc khỏe, tái khoáng men răng, thành phần diệt khuẩn và hương liệu cho hơi thở thơm tho, sạch vi trùng.
2. Kem đánh răng khác thuốc đánh răng
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại sản phẩm dễ khiến người ta nhầm lẫn với kem đánh răng vì chúng cùng làm sạch răng miệng. Kem đánh răng là sản phẩm vệ sinh, làm sạch hàng ngày còn thuốc đánh răng ngoài làm sạch còn có tác dụng điều trị hay nói khác đi thì thuốc đánh răng là loại kem đặc biệt.
Thành phần cơ bản của kem đánh răng gồm có fluor (với hàm lượng dưới 1500ppm hoặc dưới 1,1%), chất mài mòn (bột đá vôi, DCP, silica) chất hoạt động bề mặt, tinh dầu thơm. Còn trong các thuốc đánh răng thì lượng fluor cao hơn 1500ppm (hoặc 1,1%) và có thêm triclosan (chất tẩy rửa) để tăng diệt khuẩn, vitamin chống viêm, B3 phục hồi vết thương boroglycerin để trị nấm.
Nhưng với người tiêu dùng Việt Nam thì hầu như đều nghĩ rằng kem đánh răng và thuốc đánh răng là hai tên gọi khác nhau của một loại sản phẩm bởi tất cả các nhà phân phối sản phẩm đã tung ra thị trường với sự nhập nhèm tất cả dưới dạng kem.
Ở nước ngoài, người dân có thể mua kem đánh răng ở cửa hàng còn các loại thuốc đánh răng thì phải được kê toa của nha sĩ.
3. Dạng bột trắng không tốt bằng dạng gel trong?
Kem dạng gel trong giống như mốt thời thượng đang được ưa chuộng hơn loại bột trắng đục truyền thống. Vì dạng gel trong tốt hơn?
Vấn đề lại là gel trong hay bột trắng đục lại không ảnh hưởng gì nhiều đến chất lượng của kem mà chỉ tác động vào mắt nhìn. Dạng bột trắng đục là do nhà sản xuất dùng chất mài mòn DCP còn dạng gel là dùng silica.
4. Fluor không phải lúc nào cũng tốt
Cả thế giới ca ngợi fluor, tất nhiên bạn nên chọn loại kem đánh răng chứa thành phần này nhưng đừng tuyệt đối hóa nó.
Nếu răng bạn hoàn toàn bình thường thì không nên chọn loại có hàm lượng fluor ở mức 1.500ppm (hoặc 1,1%). Hàm lượng fluor lớn có thể gây phản tác dụng với răng thường và có thể gây ngộ độc fluor.
5. Mặt trái của kem đánh răng làm trắng
Kem có tác dụng làm trắng răng thì thường chứa chất mài mòn mạnh như hydrogen peroxide, carbamide peroxide. Mặt trái của chúng là có thể làm mòn men răng, gây tê buốt, tổn thương nướu, tủy răng và gây mọc lông lưỡi.
Vì vậy nếu các mảng bám không dày, không nhiều thì bạn không nên chọn loại này hoặc phải có chỉ dẫn của bác sĩ.
6. Trẻ em cần chọn kem khác người lớn
Trẻ dưới 3 tuổi thì không dùng fluor. Khi trẻ dưới 6 tuổi, răng còn trong độ hình thành, lượng florua lớn sẽ phá hủy men răng tạo nên các mảng bám.
Vì vậy trong khoảng 3-6 tuổi trẻ em nên dùng các loại kem có lượng fluor trong khoảng 200-300ppm, từ 6-11 tuổi có thể dùng kem hàm lượng fluor trong khoảng 300-1000ppm. Trẻ từ 12 tuổi trở nên có thể dùng kem như người lớn.
7. Cảnh giác với kem đánh răng khách sạn, nhà nghỉ
Nhiều nhà nghỉ, khách sạn phục vụ khách lưu trú những kem đánh răng một lần đựng trong tuýp nhỏ đều không thấy nhãn mác rõ ràng. Đã xảy ra tình trạng nhiều khách bị viêm lợi, sưng tấy khi dùng sản phẩm này.
Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đã từng kiểm tra nhiều mẫu tự nhiên trên Tp.HCM đều thấy không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định hay tiêu chuẩn nào đảm bảo chất lượng kem đánh răng ở các nhà nghỉ, khách sạn.