Bạc mặt chạy sô
Chỉ cần một vài thao tác với các công cụ tìm kiếm online, sinh viên có thể chọn tìm việc làm cho mình. Tất cả những trang web này đều có phân loại các công việc theo ca, theo giờ và có công cụ lọc khá hiệu quả theo từng nhu cầu.
Nguyễn Gia Thiều (23 tuổi, sinh viên trường ĐH Công nghệ - Hutech TPHCM) có thâm niên 3 năm làm thêm, kể, quê em ở Hà Tĩnh, do hoàn cảnh khó khăn nên em chỉ về quê dịp tết. Ngay từ năm nhất ĐH, Thiều đã nhận thêm việc làm gia sư để có tiền trang trải học phí. Hè đến, Thiều tận dụng mọi thời gian trong ngày để làm thêm.
Sáng phục vụ ở tiệm cà phê; chiều đứng quầy ở tiệm thức ăn nhanh; tối chạy xe ôm công nghệ. “Một ngày của em bắt đầu từ 6h sáng, kết thúc tầm 12h khuya. Tổng thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Số tiền này giúp em trang trải tiền thuê nhà trọ, ăn uống và dành dụm cho học kỳ mới”, Thiều chia sẻ.
Cũng làm thêm từ khi bước chân vào ĐH, Nguyễn Thị Thanh Hương (21 tuổi, sinh viên trường ĐH Kinh tế TPHCM) đã kinh qua hàng loạt công việc bán thời gian: nhân viên lễ tân, phục vụ ở nhà hàng, quán cà phê… Hiện Hương làm thu ngân tại một tiệm trà sữa ở quận Thủ Đức. “Mỗi công việc đều cho mình những trải nghiệm riêng và cũng không kém phần thử thách. Theo mình, khi còn là sinh viên, ngoài việc học các bạn nên tìm cho mình một công việc làm thêm phù hợp để có kinh nghiệm, không bỡ ngỡ khi đi làm thực sự”, Hương nói.
Bẫy lừa
Nắm bắt nhu cầu tìm việc làm thêm của sinh viên, không ít các cơ sở, trung tâm “ma” đua nhau giới thiệu hàng loạt dịch vụ giới thiệu việc làm hấp dẫn, với lời hứa hẹn công việc tốt, thu nhập cao. Trong con hẻm nhỏ trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), gần chục “trung tâm” giới thiệu việc làm trưng biển chào mời người lao động. Đa số những trung tâm này có diện tích khoảng 10m2, để vừa một cái bàn, trên có một điện thoại, một cuốn sổ và treo một tấm bảng ghi một vài công việc.
Mong muốn tìm được việc làm thêm để trang trải cuộc sống, Võ Trà My (sinh viên năm 2 trường ĐH KHXH&NV TPHCM) đã tìm đến một điểm giới thiệu việc làm không tên ở quận Bình Tân, đóng phí 100.000 đồng tiền môi giới. Nhân viên nơi này giới thiệu My đến công ty mỹ phẩm A làm nhân viên kinh doanh. Công việc khá nhẹ nhàng, chỉ cần đứng ở các điểm đông người như siêu thị, trung tâm thương mại để chào mời khách hàng mua mỹ phẩm. Mỗi sản phẩm bán được, nhân viên sẽ được hưởng hoa hồng theo tỷ lệ phần trăm. Bán được càng nhiều, thu nhập càng cao.
Nghĩ việc nhẹ lương cao, My nộp 80.000 đồng để... làm thủ tục trở thành nhân viên, mua thêm 1 catalog với số tiền 120.000 đồng để đi giới thiệu sản phẩm. “Hy sinh” 200.000 đồng, hơn 2 tuần kiên nhẫn chào mời vẫn không ai mua hàng vì giá quá cao. “Liên hệ người quản lý về các sản phẩm thì họ nói vòng vo bắt mình tự chịu. Không còn kiên nhẫn, mình bỏ việc, bỏ luôn số tiền đã đóng”, My cho biết.
Thấy một công ty rao tin trên Facebook tìm sinh viên bán sữa bắp thời vụ, ngày làm 4 tiếng, lương 3 triệu đồng/tháng. “Em đăng ký thì được hẹn phỏng vấn ngay. Khi tới nơi, hóa ra đó chỉ là địa chỉ “gặp mặt”, sau đó có một người ra đón em đi vào công ty tận trong hẻm sâu. Lúc vào bàn phỏng vấn, người hướng dẫn mô tả công việc là bán thảo dược, mỹ phẩm và bắt em đóng trước 160.000 đồng tiền đồng phục. Sợ quá nên em trốn về luôn”, Lê Văn Tình (20 tuổi, quê An Giang), kể.
(Còn nữa)
Một nhóm sinh viên năm 3 khoa Du lịch ÐH Văn Hiến TPHCM chọn những ngày hè là cơ hội trải nghiệm, thực tập nghề nghiệp khi nhận tour, các sự kiện diễn ra trong thành phố và các tỉnh lân cận. Ðỗ Thị Thảo (22 tuổi, quê Bến Tre,sinh viên năm 3 khoa Du lịch ÐH Văn Hiến TPHCM) cho hay, mức thù lao một ngày nhận được từ 400.000 - 500.000 đồng. “Ngành này có mức thù lao khá cao nhưng không phải ngày nào cũng có việc. Tuy nhiên, được làm việc đúng chuyên ngành học sẽ giúp kiến thức thực tế nâng lên rất nhiều”, Thảo nói.