Những siêu ninja trong lòng biển

Những siêu ninja trong lòng biển
Sau hơn một thế kỷ phát triển, tàu ngầm Nhật Bản luôn được biết đến về hiệu quả tác chiến mạnh mẽ hàng đầu thế giới.

> Tàu ngầm thế hệ 5 của Nga có gì đặc biệt?
> Hải quân Nga sắp có thêm 'Kẻ hủy diệt thầm lặng'

Từ rất lâu, ninja trở thành một trong những 'đặc sản' nổi tiếng nhất của xứ sở hoa anh đào. Vô số câu chuyện, tác phẩm điện ảnh ra đời xoay quanh chủ đề này. Ninja có khả năng chiến đấu linh hoạt, thoắt ẩn thoắt hiện đáng sợ. Dường như, những ưu điểm kể trên của món “đặc sản” trở thành triết lý để Nhật Bản phát triển tàu ngầm suốt hơn một thế kỷ qua, tính từ khi nước này chính thức sở hữu chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 1904. Cũng trong năm này, cơ sở đóng tàu Kawasaki của Nhật Bản bắt đầu mua bản quyền để tự chế tạo.

Từ hàng không mẫu hạm ngầm

Suốt Thế chiến 2, tàu ngầm trở thành một trong những khí tài quan trọng bậc nhất của hải quân Nhật. Chính vì thế, nước này không ngừng phát triển các “siêu phẩm” có khả năng tác chiến mạnh mẽ, khiến đối thủ e dè. Chỉ riêng trong giai đoạn này, Tokyo sản sinh ra khoảng 40 lớp tàu ngầm khác nhau, với tổng số lượng xấp xỉ 1.000 chiếc, theo một số tài liệu lịch sử.

Đặc biệt, trong nửa đầu thế kỷ 20, xứ sở hoa anh đào đã phát triển một loại chiến hạm vô cùng lợi hại là tàu ngầm có khả năng mang theo chiến đấu cơ như một hàng không mẫu hạm.

Theo trang The Huffington Post, sau khi mua một chiếc thủy phi cơ Heinkel từ Đức vào năm 1923, Nhật Bản bắt tay phát triển loại hàng không mẫu hạm ngầm. Đến cuối thập niên 1930, Tokyo sở hữu lớp tàu sân bay ngầm I-7 và I-8. Những loại chiến hạm này có độ choán nước khoảng 2.000 tấn, chạy động cơ điện-diesel, tốc độ khoảng 23 hải lý mỗi giờ, được trang bị pháo, ngư lôi và có thể mang theo một thủy phi cơ. Cả I-7 lẫn I-8 đều có bệ phóng cho máy bay để chiến đấu cơ xuất kích. Nguyên tắc tác chiến của chúng là lặn đến gần mục tiêu rồi bất ngờ trồi lên, triển khai máy bay xuất kích tấn công.

Lễ hạ thủy 'rồng đen' Kokuryu. Ảnh: The Japan Daily Press
Lễ hạ thủy 'rồng đen' Kokuryu. Ảnh: The Japan Daily Press.

Đến tháng 12.1941, Nhật Bản triển khai tổng cộng 11 hàng không mẫu hạm ngầm gần Trân Châu Cảng. Ngoài ra, tại thời điểm này, Tokyo đang đóng thêm hơn 30 chiếc khác. Thuộc số tàu sân bay ngầm của Nhật Bản, theo The Huffington Post, lớp I-400S, với độ choán nước lên đến 6.500 tấn và có thể mang theo đến 3 chiến đấu cơ, trở thành loại tàu ngầm lớn nhất thế giới cho đến đầu thập niên 1960. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh những chiếc I-400S dũng mãnh vẫn là một dấu ấn lớn của lịch sử chiến hạm thế giới.

Theo một số chuyên gia, chính hàng không mẫu hạm ngầm đã trở thành cảm hứng cho giới quân sự phát triển tên lửa được khai hỏa từ tàu ngầm. Sau Thế chiến 2, Mỹ đã mang 2 chiếc I-400S về Trân Châu Cảng để bắt đầu nghiên cứu dự án phát triển tên lửa được phóng đi từ tàu ngầm. Chính những chiếc I-400S đã góp phần đáng kể cho thành công mà Mỹ đang có hiện nay.

Đến 'biệt đội rồng'

Đầu tháng 11, trang tin điện tử The Japan Daily Press đưa tin Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản vừa chính thức hạ thủy tàu ngầm Kokuryu, chiếc thứ 6 thuộc lớp Soryu mà Tokyo phát triển. Dự kiến, Tokyo sẽ còn trang bị thêm 3 chiếc Soryu. Chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Soryu được biên chế hồi năm 2005. Từ đó đến nay, cả 6 chiếc Soryu đều mang biệt danh rồng như: rồng xanh, rồng trắng, rồng đen... Vì thế, chúng được mệnh danh như “biệt đội rồng” của lực lượng tàu ngầm mà xứ sở hoa anh đào đang sở hữu.

Lớp tàu ngầm này được đánh giá như một bước ngoặt về công nghệ so với lớp kế trước là Oyashio. Theo chuyên trang quân sự Naval Technology, lớp tàu ngầm này có độ choán nước xấp xỉ 3.000 tấn, đạt tốc độ tối đa 20 hải lý mỗi giờ, tầm hoạt động khoảng 6.100 hải lý (tương đương 11.200 km). Đặc biệt, nó được đánh giá là một trong những loại tàu ngầm điện-diesel tốt nhất thế giới hiện nay, hoạt động cực êm và có khả năng tác chiến hoàn hảo với hệ thống tác chiến điện tử, ngư lôi, tên lửa tối tân. Trên biển, Soryu được ví như một ninja lúc ẩn lúc hiện và đầy uy lực.

Đầu năm nay, trang mạng của Viện Tân Thái Bình Dương đưa tin dẫn lại báo chí xứ sở hoa anh đào cho hay nhiều khả năng Nhật và Úc sẽ sớm đạt thỏa thuận mua bán tàu ngầm Soryu. Nếu hai bên thông qua thỏa thuận, không chỉ Canberra giải quyết được bài toán nan giải về việc thay thế lớp Collins đang già cỗi mà Tokyo cũng khẳng định vị thế nhà sản xuất tàu ngầm hàng đầu thế giới. Trước đó, Úc từng bàn tính đến chuyện mua các loại tàu ngầm của châu Âu hoặc thậm chí là thuê lại tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Tuy nhiên, Soryu hiện được xem là giải pháp vẹn toàn nhất để Úc đảm bảo sức mạnh tại khu vực Thái Bình Dương đang ẩn chứa nhiều biến động.

Ngư lôi có người lái

Một loại tàu ngầm khác nổi tiếng về khả năng linh hoạt của Nhật phải kể đến là “ngư lôi có người lái” Kaiten. Theo tài liệu của Trung tâm lịch sử hải quân Mỹ, dự án Kaiten được thông qua vào tháng 2.1944 và chiếc đầu tiên chính thức tham chiến vào ngày 20.11.1944. Loại tàu ngầm này có độ choán nước từ 3 - 20 tấn, tầm hoạt động từ 3 - 80 km, độ lặn sâu từ 20 - 100 m, tùy phiên bản. Trung bình, cứ 4 chiếc Kaiten sẽ được mang bởi một “tàu ngầm mẹ”. Các “tàu ngầm mẹ” có nhiệm vụ tiếp cận gần tối đa nhằm vào mục tiêu. Đến lúc phù hợp, những chiếc Kaiten bất ngờ tách khỏi tàu mẹ để vây hãm đối phương, tấn công từ nhiều phía. Vì được mang bởi các tàu mẹ, nên lực lượng tàu ngầm Kaiten rất khó bị đối phương nhận biết chính xác số lượng. Số tàu này sẵn sàng tấn công cảm tử theo kiểu các chiến đấu cơ từng tấn công căn cứ Trân Châu Cảng của Mỹ hồi năm 1941.

Chính khả năng thoắt ẩn thoắt hiện như ninja đã giúp tàu ngầm Kaiten gây thiệt hại nặng nề cho hải quân Mỹ trong một số trận đánh. Cụ thể, vào tháng 11.1944, 8 chiếc Kaiten đánh đắm tàu chở dầu USS Mississinewa. Đến tháng 1.1945, một nhóm Kaiten đánh hỏng tàu chiến USS Conklin và đánh đắm một tàu đổ bộ của Mỹ. Đặc biệt, vào tháng 7.1945, 7 chiếc Kaiten cùng 1 tàu ngầm khác đánh chìm tàu khu trục USS Underhill.

Sau năm 1945, đội tàu ngầm Kaiten cũng chính thức cáo chung cùng thất bại của Tokyo.

Theo Ngô Minh Trí
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG